Nhân ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3)

Hạnh phúc từ phum sóc hôm nay

Cập nhật, 06:15, Thứ Bảy, 18/03/2017 (GMT+7)

Những vùng nông thôn sâu, ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm và phát triển bình đẳng, xây dựng gia đình ấm no, đóng góp sự phát triển xã hội, đó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chỉ số hạnh phúc của một xã hội, một quốc gia.

Những câu chuyện nhỏ ở phum sóc đồng bào Khmer đã nói lên được những nội dung cơ bản đó về hạnh phúc con người.

Đối với nhiều người, hạnh phúc còn là có công ăn, việc làm. Trong ảnh: Nơi ươm trứng lươn của anh Thạch Cua.
Đối với nhiều người, hạnh phúc còn là có công ăn, việc làm. Trong ảnh: Nơi ươm trứng lươn của anh Thạch Cua.

Xây nền cho thế hệ tương lai

So với 4 năm trước đây, gia đình của anh Thạch Cua và chị Thạch Sa Pi ở ấp Cần Súc (xã Loan Mỹ- Tam Bình), đã mở rộng thênh thang, mà lại càng bề bộn vì công việc đăng đăng đê đê.

Vây quanh nhà nào là những bể lươn, chuồng heo giống, ao cá, mấy chục công ruộng, giờ... tăng gia thêm mấy công cam.

Anh Thạch Cua đón khách với nụ cười nhẹ nhàng: “Tui đang định đi tưới cam, nghe nói có nhà báo đến nên ở nhà chờ nè!” Câu chuyện của gia đình anh mở đầu và kết thúc đều là những câu chuyện mần ăn, con cái.

Hơn 24 năm về trước, đôi vợ chồng trẻ mới 20 tuổi cưới nhau rồi ra riêng với 7 công đất ruộng. Nhờ chí thú làm ăn và ham học hỏi mà vợ chồng họ có của ăn, của để như ngày nay: 18 công ruộng, 5 công vườn trồng cam, 7 bể nuôi lươn, 8 con heo nái,… Tính sơ sơ thu nhập không dưới 500 triệu đồng/năm.

Cơ ngơi như vậy mà vợ chồng anh Thạch Cua vẫn có vẻ… thong dong. Chị vẫn ngồi chợ đều đều mỗi ngày mua đồ rẫy bán lại, sau khi đã lo sẵn bữa cơm sáng cho gia đình từ rất sớm; anh ở nhà lo lươn, lo cam, lo lúa.

Thạch Cua cười: “Tôi thấy cực hay không là do mình sắp xếp mà thôi”. Theo anh, làm cái gì cũng phải học, phải qua trường lớp thì mới làm tốt được. Mà đã có khoa học kỹ thuật thì phải nhẹ công chăm sóc chứ.

Cho nên người ta trồng cam thì xịt thuốc, bón phân ào ào; còn anh thì rất quỡn đãi, lâu lâu mới xịt thuốc một lần, chủ yếu cải tạo đất bằng phân hữu cơ, trồng lúa cũng vậy. Đây cũng là cách làm hay giúp cho anh làm bao nhiêu thứ mà nghe cứ nhẹ bâng.

Khoảng 9 giờ sáng, chị Sa Pi đi chợ về và bắt đầu chăm sóc đàn heo nái, heo con. Anh Thạch Cua cũng chăm vườn, thay nước lươn,… Công việc đều đặn và vợ chồng họ chia nhau một cách nhịp nhàng.

Hơn thế nữa, anh chị còn giáo dục con cái chăm ngoan, học giỏi và biết giúp đỡ cha mẹ. Anh chị có 3 người con: con gái lớn học CĐ Dược đã đi làm, con trai giữa đang học ngành bác sĩ thú y- ĐH Cần Thơ, con trai út đang học lớp 8. 

Thạch Cua không giấu tự hào: “Mấy đứa nó đều học được, làm được”. Nói là làm được vì con gái mới ra trường đã có việc làm, con trai cứ cuối tuần là chạy về phụ cha mẹ ruộng vườn.

Anh Thạch Cua bận rộn với các bể lươn giống.
Anh Thạch Cua bận rộn với các bể lươn giống.

Chú Cua cười hì hì: “Thằng Phi Na còn giỏi hơn cha nó”. Con trai thứ 3 là Phi Na biết phụ mẹ đỡ đẻ cho heo, phụ ba nuôi lươn và không quên học hỏi kinh nghiệm từ trường, từ trên mạng về cho gia đình.

Thạch Cua chỉ tay vào miếng đất cặp nhà: “Tui và thằng Phi Na tính để nó ra trường, đi làm ít năm lấy kinh nghiệm, rồi về làm cái trang trại nuôi gà ở đây nè!”

Mọi tính toán, lo toan chuyện làm ăn của vợ chồng anh Thạch Cua đều hướng đến việc xây dựng nền móng vững chắc cho tương lai của con cái sau này.

Ấm áp bữa cơm gia đình

Đối với những gia đình nhỏ ăn bữa cơm chung đã khó nhưng gia đình chị Thạch Thị Li Na, xã Tân Mỹ (Trà Ôn) thì luôn có đến 4 thế hệ cùng hiện diện trong bữa ăn.

Thật đông vui, nhưng cũng phải giữ cái nếp, trật tự, thể hiện sự tôn kính ông bà, cha mẹ trên bàn ăn.“Mỗi chiều là nhà tôi dọn ra 2 bàn vậy đó, vui lắm”- chỉ 2 cái bàn inox, chị Li Na giải thích.

Gia đình chị Li Na có bà nội, cha mẹ ruột của chị, vợ chồng chị, vợ chồng người em thứ 3, vợ chồng người em út và các cháu. 4 thế hệ, 4 cặp vợ chồng cùng chung sống hòa thuận dưới một mái nhà.Câu chuyện với chị Li Na thơm ngọt ly nước dừa, thơm mùi lúa đang chất đầy nhà. Mẹ chị Li Na vừa làm lắt xắt việc nhà, vừa ngó chừng đứa cháu nội đang ngủ ngon lành trên võng, còn bà cụ đã gần 90 tuổi ngồi lặng lẽ ở nhà trên...

Chị Li Na (ngồi) cùng mẹ bên đứa cháu trai.
Chị Li Na (ngồi) cùng mẹ bên đứa cháu trai.

Những hình ảnh gợi lên một mái gia đình thật đầm ấm, rất... thôn quê. Chị Li Na cho biết: “Vợ chồng tui 13 công ruộng, cha mẹ có 15 công nữa”.

Hạnh phúc trước hết là một gia đình ấm áp yêu thương, biết quan tâm nhau cùng chia ngọt, sẻ bùi. Đó là chiếc nôi đầu tiên để con người được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách. Đồng thời, hạnh phúc cần một môi trường rộng lớn hơn, đó là cộng đồng, là xã hội tạo mọi điều kiện để tất cả đều bình đẳng, đều có cơ hội học tập, phát huy năng lực và phụng sự đất nước.

Ngoài làm ruộng, vợ chồng chị còn có 2 máy tuốt lúa, 1 máy trục và 1 máy bươi. Ngày lấy nhau, anh chị được gia đình giúp vốn mua một máy tuốt lúa “vợ chồng tiện tặn mần ăn, cùng nhau đi thổi lúa từ đồng này sang đồng khác và tích lũy dần dần”.

Chị Li Na cười: “Vui nữa là 2 đứa con gái đều chăm ngoan, học giỏi, 1 đứa được tuyển thẳng vào Trường Văn hóa II của Bộ Công an, con gái nhỏ lên lớp 5 luôn học giỏi”. Vừa nói chuyện, chị Li Na không quên đưa võng cho bé trai bụ bẫm 17 tháng, con của anh Thạch Sa Rát- em út của chị.

Cô Thạch Thị Xưa- mẹ chị Li Na nói: “Vui nhất là mấy ngày cuối tuần có các con cháu, vì có hay không có đồ ăn thì ăn cơm cũng ngon”.

Bên bữa cơm gia đình ấm cúng, bà nội, cha mẹ, anh chị em, các cháu quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện về công việc làm ăn, học hành.

Chị Li Na chân tình chia sẻ về bí quyết hạnh phúc: “Thiệt tình thì có bí quyết gì đâu, cha mẹ mình sống với nhau làm sao mình sống như vậy rồi dạy con cháu mình cũng vậy luôn.

Đó là lúc nào cũng siêng năng, chia sẻ công việc với nhau, thông cảm cho nhau. Hễ “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa, có đời nào khê”.

Câu chuyện gia đình của bà con đồng bào Khmer ngày nay, ngoài chuyện hoa màu, lúa thóc, luôn có xen lẫn niềm tự hào về cháu con ngoan hiền, học hành giỏi giang.

Chuyện học ĐH, làm kỹ sư, bác sĩ ở các phum sóc giờ đây không còn là hiếm hoi nữa. Như ở ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ), thì nói về bác sĩ, kỹ sư, thầy cô giáo là đếm không xuể. Một hình ảnh gia đình nông dân gốc từ ông bà, cha mẹ, giờ có thêm lớp trí thức trẻ, tạo nên nét đẹp mới, niềm hạnh phúc tròn đầy trong những gia đình của đồng bào dân tộc Khmer.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN