25 năm phum sóc đổi thay

Cập nhật, 14:15, Thứ Tư, 22/03/2017 (GMT+7)

Nhớ lại thời mình làm Trưởng ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình- TX Bình Minh) hồi hơn 20 năm trước, ông Kim Luộc (71 tuổi) thốt lên rằng: “Từ diện mạo nông thôn đến đời sống bà con đồng bào Khmer của riêng ấp Phù Ly 1 này là sự đổi thay không tưởng tượng được!”

Đó cũng là sự đổi thay chung về mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội của bà con đồng bào Khmer ở TX Bình Minh. 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Long, thời gian đủ “ngấm” để các chính sách, chương trình của Trung ương và địa phương phát huy hiệu quả đối với vùng nông thôn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Chị Kim Thị Sol Ti Phép bên vườn cam của mình.
Chị Kim Thị Sol Ti Phép bên vườn cam của mình.

Những con số “biết nói”

Cho đến năm 2010, hộ nghèo đồng bào Khmer của TX Bình Minh có đến 600, chiếm 47,13%, cứ tầm 2 hộ thì có 1 hộ nghèo. Nhưng đến cuối năm 2016, tính theo chuẩn nghèo đa chiều, chỉ còn 150 hộ, chiếm 15,27%.

Ông Sơn Mứt- Phó trưởng Phòng Dân tộc TX Bình Minh- nhận định: “Khó khăn của bà con Khmer là hầu hết sống bằng nghề nông, nhưng lại thiếu đất sản xuất, cho nên thu nhập bấp bênh.

Chính nhờ nhiều chương trình hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, đã tạo nền vững chắc cho rất nhiều gia đình an cư trong căn nhà kiên cố, khang trang; bên cạnh đó là sự tạo ra nhiều mô hình sản xuất, tạo nên thu nhập ổn định, nhiều bà con khá giàu lên từ nông nghiệp.

Hiện nay một bộ phận giới trẻ chuyển sang lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập. Từ đó, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo”.

Ông Sơn Mứt cho biết, đó là các chương trình hỗ trợ đất, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các xã: Đông Bình, Đông Thành (282 hộ, với gần 79 tỷ đồng). Mới đây, hỗ trợ 92 căn nhà cho hộ nghèo đồng bào Khmer, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng, do Đài PT-TH Vĩnh Long hỗ trợ.

Chương trình 135 giai đoạn 3 tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cơ sở ở ấp Hóa Thành 2 (Đông Thành), ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2 (Đông Bình).

Khi bà con đã “an cư, lạc nghiệp” thì theo đó là sự phát triển về đời sống văn hóa- xã hội, đặc biệt nổi rõ ở lĩnh vực giáo dục và y tế. Đến nay, đồng bào dân tộc ở 3 xã, 2 phường của TX Bình Minh đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; được công nhận ấp- khóm văn hóa nhiều năm liền và tiếp tục phổ cập THPT.

Các chính sách nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực được đồng bào Khmer hưởng ứng; hàng năm học sinh tuyển vào Trường Dân tộc nội trú Vĩnh Long ngày càng nhiều, với gần 50 em theo học ở 3 khối lớp. Ngoài ra, có gần 100 em theo học các trường ĐH, CĐ trong và ngoài tỉnh.

Những năm 1995, vừa là Bí thư chi bộ ấp Phù Ly 1 vừa là Trưởng Trạm Y tế xã Đông Bình nên ông Sơn Mứt hiểu rất rõ và vui mừng về sự đổi thay trong lĩnh vực y tế ở nông thôn.

Hiện nay, 8 xã- phường của TX Bình Minh đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, có y- bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt có 4 bác sĩ và 13 y sĩ là người dân tộc Khmer đang công tác tại các bệnh viện, các trạm y tế.

Ấp Phù Ly 1 ngày ấy... bây giờ

Con đường tráng nhựa vào ấp Phù Ly 1 kết nối với nhiều con đường đan rộng thênh thang, liên ấp, liên xã và ôtô lưu thông dễ dàng. Rất nhiều căn nhà tường khang trang, chứng tỏ sự ổn định đời sống của người dân. Nhớ lại hồi ấy, con đường mùa mưa nước ngập, lầy lội, bà con dùng xuồng ba lá đi chở từng viên bê tông về làm đường thật gian nan.

“Còn trạm y tế xã thì nhà lá tạm bợ. Khổ nhất là mỗi lần đi tiêm chủng, đâu có phương tiện gì ngoài... lội bộ, cán bộ y tế quảy xô đá ướp lạnh thuốc đi vào từng nhà thuyết phục bà con cho con em chích ngừa”- ông Sơn Mứt nhớ lại. Hồi đó, người ta sợ chích ngừa lắm, sợ bị sốt, sợ chích ngừa rồi... “teo bao tử”.

Công tác y tế thời đó thật vất vả, khó khăn, cán bộ đi khám có gì đâu ngoài cái máy đo huyết áp, còn nhận thức của người dân thì chưa cao, lại còn có phần lệch lạc vậy đó.

Cũng có thời gian dài làm trưởng ấp và cũng là một thầy thuốc, nên ông Kim Luộc rất chia sẻ và thấu hiểu về cái thời bao cấp nhiều khó khăn. Tình hình chung là vậy, cho nên ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc lại càng khó khăn hơn.

Ông nói không thể ngờ được sự thay đổi của ngày hôm nay. Chỉ riêng trong gia đình ông thôi, 6 người con đều đã có nghề nghiệp ổn định, có người còn thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao.

Men theo đường đan nhỏ vòng ra phía sau chùa Phù Ly, chúng tôi tìm gặp vợ chồng chị Kim Thị Sol Ti Phép- người con gái lớn của ông Kim Luộc. Người chồng đang hì hục đào mương lên liếp, mở rộng vườn, còn chị Sol Ti Phép đang lui cui trong đám cam xoàn 15 tháng tuổi.

Trong khi nhiều người xúm vào trồng cam sành, thì chị Sol Ti Phép đi học tập mô hình cam xoàn bên Đồng Tháp về trồng. Trong khi chờ cam lớn, chị trồng xen canh đủ thứ màu như: ớt, rau má, đậu bắp... kiểu lấy ngắn nuôi dài.

Ngoài 1,2 công cam xen rau màu, vợ chồng chị Sol Ti Phép cố thêm 8 công đất liền kề trồng lúa và đang lên kế hoạch mở rộng vườn cam thêm vài công nữa. Coi như lúa thóc là nguồn thu căn bản, rau màu là thu nhập thêm hàng ngày để lo phân thuốc, còn vườn cam là kế hoạch dài hơi.

Chúng tôi thấy, bà con Khmer giờ đã làm ăn bài bản, có sự tính toán, sáng tạo nhằm tăng thêm nguồn thu nhập một cách bền vững, tránh những rủi ro trong việc đầu tư ồ ạt, nặng vốn vào một loại cây trồng.

Trước khi ra về, tôi còn được chị Sol Ti Phép cho biết tên mình có nghĩa là “hòa bình”, bởi vì chị được sinh ra đúng vào ngày 30/4/1975- ngày đất nước hết chiến tranh.

Vui mừng trước sự đổi thay của bà con dân tộc Khmer; tuy nhiên, để phum sóc phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Phòng Dân tộc TX Bình Minh kiến nghị, cần có kế hoạch đồng bộ để phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc.

Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, ổn định đội ngũ cán bộ người dân tộc để làm công tác dân tộc chuyên sâu. Cần có chính sách đầu tư phát triển doanh nghiệp, thu hút nhiều lao động phổ thông, góp phần chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 

Ông Sơn Mứt cho biết: Năm 2010, hộ nghèo đồng bào Khmer ở TX Bình Minh là 600, chiếm 47,13%; hộ cận nghèo là 265, chiếm 20,82%. Năm 2016, hộ nghèo Khmer giảm còn 250, chiếm 15,27%, hộ cận nghèo là 190, chiếm 11,06%. Thiếu đất sản xuất có 372 hộ. Số lao động chính chuyên làm thuê là 959 hộ. Có điện sinh hoạt chiếm 97,16%. Có nước sạch là 98,76%, những nơi chưa có nước sạch thì đầu tư lu chưa nước 100%.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG