Gặp "vua dừa" Bến Tre

Cập nhật, 07:52, Thứ Hai, 13/02/2017 (GMT+7)

Bến Tre được nhiều người biết đến với danh tiếng là xứ dừa. Trong chiến tranh, cây dừa hiên ngang bảo vệ xóm làng. Trong thời bình, cây dừa vươn cao che bóng mát ôm ấp những ngôi nhà, những mảnh vườn yên ả. Cây dừa, từ đời nào không biết đã gắn bó với người dân tỉnh này.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, có lúc, diện tích dừa ở nơi được mệnh danh là “ba đảo dừa xanh” đã bị đốn hạ hơn một nửa, nguyên nhân là do giá dừa xuống quá thấp cùng với sâu bọ gây hại, nước mặn xâm nhập.

Trong cơn bĩ cực, có một người nông dân kiên trì bảo vệ từng cây dừa để hôm nay, dừa vẫn xanh trên quê hương Bến Tre đồng khởi. Tên ông là Đỗ Thành Thưởng, ngụ huyện Giồng Trôm.

Qua cơn bĩ cực của cây dừa Bến Tre

Từ TP Bến Tre theo Đường tỉnh 887 non 10 cây số, bên phải sẽ thấy bản chỉ dẫn Bến phà Hưng Phong. Phà Hưng Phong trên sông Hàm Luông nối đất liền với cồn Hưng Phong.

Đặt chân lên cồn nhỏ được ôm ấp bởi 2 nhánh của sông Hàm Luông, hỏi nhà ông Đỗ Thành Thưởng trồng dừa thì ai cũng biết. Ngôi nhà của ông nép mình dưới tán dừa xanh ngắt.

Được chào đón bằng một cái bắt tay và một nụ cười hồn hậu, khi chúng tôi đề cập đến những cây dừa xanh trên cồn Hưng Phong thì câu chuyện bắt đầu lúc nào chẳng rõ.

Ông mang ra cho chúng tôi xem trái dừa có hình dáng lạ mà ông đã giữ nó hơn 20 năm với những ước vọng may mắn đầu tiên giúp ông gắn kết đời hơn với cây dừa.

Ông kể: “Vào những năm 1993, lúc đó người trồng dừa ở Bến Tre điêu đứng lắm. Phần vì giá dừa xuống quá thấp, phần vì sâu bọ đục phá nhiều mà nhà khoa học không có giải pháp ngăn chặn. Nhiều nhà vườn lúc đó lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Thế rồi ông và những người bạn đi đến quyết định cuối cùng là đốn dừa thay bằng cây nhãn.

Đất cù lao ngày ấy xao xác tiếng máy cắt, và cũng tấp nập người đi mua gỗ dừa làm củi. Trong số những người bạn cùng chung hội trồng dừa, ông là người đi đến quyết định sau cùng. Dù vậy, ông vẫn rất đắn đo chần chừ.

Rồi trong một lần rảo bước trong vườn dừa, ông đã gặp được trái dừa có hình dáng như con chim đang cắp trái dừa bay lên. Như được tiếp thêm niềm tin, hay đúng hơn, đó là cái cớ để ông đi đến quyết định không đốn bỏ vườn dừa của mình.

“Thoạt đầu khi nhìn thấy thì tôi hình dung ra đây là con chim phượng đang cắp trái dừa bay lên. Và suy nghĩ đầu tiên của tôi là dừa sẽ lên giá và từ đó nó thay đổi suy nghĩ của tôi, tôi không đốn dừa nữa”- ông chia sẻ. Cũng từ đó, ông ra sức tu bổ lại vườn dừa của mình.

Không chỉ thế, ông còn bỏ công sưu tầm thêm nhiều giống dừa mới, để không chỉ trồng và phát triển mà còn có ý định bão tồn tất thảy những giống dừa trên mảnh đất quê hương.

Người trồng “cây của sự sống”

Những giống dừa lạ được ông sưu tầm về trồng. Đến nay, ông đã có trên 20 giống dừa quý.
Những giống dừa lạ được ông sưu tầm về trồng. Đến nay, ông đã có trên 20 giống dừa quý.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn dừa có diện tích trên 3ha của mình, đến từng gốc dừa, ông có thể kể rõ từng chi tiết về ngày tháng trồng, thời điểm cho trái đầu tiên, đặc tính sinh lý và khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu.

Ông kể: “Trong vườn dừa nhà tôi hiện nay có tổng cộng 20 giống dừa, gồm có các giống dừa nội của quê mình, rồi nó lai qua các giống dừa ngoại như dừa Xiêm dứa, rồi dừa Sri Lanka và dừa lai PD111, PD121 cũng không phải dừa của mình- giống dừa này sai trái lắm.

Giống dừa PD111, PD121 nó lai từ dừa lùn vằn Malaysia và dừa cao Tây Phi do các nhà khoa học của mình lai tạo”.

Ông cho biết, khi biết được ông là người trồng dừa nhiều nhất Bến Tre, Viện Nghiên cứu dầu thực vật (OPI) đã mang giống dừa PD121 xuống nhờ ông trồng.

Chỉ sau 2 năm, ông đi xem thử thì phát hiện dừa đã ra lưỡi mèo. Gọi điện đến viện thông báo, “anh em ở đó mừng quá vỗ tay trong điện thoại nghe vui lắm. Sau này, mấy anh đó nói tôi đã làm nên kỷ lục trồng dừa nhanh cho trái nhất”.

Rảo bước cùng ông dưới tán dừa xanh mát là bao nhiêu câu chuyện về dừa, cứ thế được tuôn ra. Về chất lượng dừa, vì sao khi mùa hạn, nước biển xâm nhập mặn thì những hộ trồng dừa tỉnh Bến Tre đều giảm năng suất, giảm cả chất lượng, trái hay bị điếc và rụng, còn vườn dừa của ông thì không hề hấn gì.

Ông cười chỉ tay đến con đê nhỏ được đắp quanh co bao bọc vườn dừa và nói đó là cả một quá trình nghiên cứu. Mấy năm trước đây, khi nước mặn xâm nhập thì trái dừa bị ảnh hưởng: trái nhỏ, nước dừa có vị mặn.

Sau bao nhiêu nghiên cứu, ông quyết định làm bờ bao xung quanh vườn dừa vào giữ nước trước khi mùa mặn tràn về. Thế là nước trong vườn dừa của ông luôn đảm bảo ở mức 4‰.

Ở độ mặn này, cây dừa có thể phát triển rất tốt, mà không cần phải bón thêm muối vào đất. Còn về cách khắc chế sâu bệnh, ông cho thả nuôi kiến vàng.

Mùa mưa thì không phải lo, còn mùa nắng, ông phải ra chợ mua cá về đặt từng chỗ cho kiến ăn để duy trì mật số. Chính kiến vàng là khắc tinh của bọ cánh cứng, bọ vòi voi chuyên phá hoại vườn dừa.

Không chỉ nghiên cứu trên mảnh vườn nhà mình, ông Thưởng cho biết: “Tui đi từ đầu đến cuối cồn, chỗ nào cũng ghé hỏi, thấy chỗ nào dừa tốt mà người chủ không can thiệp phân bón tức là đất chỗ đó tốt cho trồng dừa, nên tui xin đất về để so với đất của mình”.

Bằng cách đó, và bằng tư duy khoa học, ông đã có hàng chục công thức cho từng giống dừa khác nhau, cùng cộng sinh, tồn tại trên một thửa đất.

Nhiều kỹ sư trong lĩnh vực trồng dừa phải phục ông khi mà bình quân mỗi cây dừa ông trồng cho ra kết quả kỷ lục 240 trái/năm.

Với kết quả này, ông đã được Hiệp hội Dừa Châu Á- Thái Bình Dương tặng danh hiệu “Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam” và giải thưởng “Cây của sự sống”. Giải thưởng như sự ghi công người hơn nửa đời gắn bó với cây dừa. Biệt danh “Vua dừa Bến Tre” cũng xuất phát từ đây.

Phát triển du lịch dưới rặng dừa xanh

Sản phẩm “con chim phượng cắp quả dừa” mà ông Thưởng trân trọng lưu giữ, đã cho ông niềm tin để giữ lại vườn dừa và phát triển đến hôm nay.
Sản phẩm “con chim phượng cắp quả dừa” mà ông Thưởng trân trọng lưu giữ, đã cho ông niềm tin để giữ lại vườn dừa và phát triển đến hôm nay.

Trong câu chuyện về cây dừa Bến Tre, lúc nào ông Thưởng cũng hy vọng về sự phát triển bền vững, hình ảnh cây dừa sẽ được vươn xa không chỉ trong nước mà ra cả quốc tế. Ông Thưởng cho hay, mới đây, một đơn vị du lịch đã liên hệ với ông để bàn về hướng phát triển du lịch dưới rặng dừa xanh quê mình. Ông tâm đắc lắm.

Trước đây, ông trồng dừa để phát triển kinh tế, nhưng qua hơn 20 năm, các gốc dừa đã gắn bó với ông biết bao mùa mưa nắng, nay dừa đã lão thì đương nhiên sức cho trái sẽ hạn chế hơn dừa tơ.

Nhưng đốn bỏ để trồng dừa khác “sao mà nở!” Nhấm nháp ngụm trà với cái nhìn tràn đầy hy vọng, ông bảo chỉ có hướng phát triển du lịch mà thôi. Nhiều giải pháp mà đơn vị du lịch đưa ra, ông nói, “tôi cho họ thuê hết vườn dừa, họ thuê lại tôi và gia đình tôi để cùng làm du lịch, hướng dẫn viên bất đắc dĩ”.

Đây cũng là mô hình bền vững đã được áp dụng ở nhiều nơi trong cả nước. Với hướng đi này, ông Thưởng không chỉ đảm bảo về kinh tế gia đình, mà quan trọng hơn là ông luôn được gắn bó với những cội dừa đã cùng che mưa chở nắng suốt mấy mươi năm qua.

Đời một con người trọn đời vì sự phát triển của cây dừa quê hương, nay được bình yên dưới bóng dừa xứ xở, “đó là một cái kết tốt”!

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU