"Vua cầu dây văng" Út Ngộ

Cập nhật, 07:40, Thứ Bảy, 26/11/2016 (GMT+7)

 

Công trình cầu kinh Hai Quý vào ngày thi công thứ hai.
Công trình cầu kinh Hai Quý vào ngày thi công thứ hai.

Ở miền Tây đã có nhiều người xây cầu dây văng, nhưng với lão nông Út Ngộ (Võ Văn Út- 83 tuổi) ở xã Vĩnh An (huyện Châu Thành- An Giang) thì hoàn toàn không giống ai.

Với đội ngũ xây cầu khoảng 50- 100 người, được tổ chức rất bài bản, từ khâu khảo sát, thiết kế lập mô hình, chỉ huy lắp ráp tại hiện trường, cho đến khâu hậu cần cơm nước, xe đưa rước, y tế tại chỗ..., ông Út Ngộ đi xây cầu ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ hoàn toàn miễn phí.

Những chiếc cầu dây văng tạo dáng rất đẹp, cấu trúc kiên cố, được thi công trong khoảng thời gian chỉ từ 3- 5 ngày là hoàn thành.

36 tiếng đồng hồ xây cầu 58m

Với một người thành tâm thiện nguyện vì công tác xã hội như ông Út Ngộ, những từ mang tính thậm xưng như “vua này, vua nọ”, hay những “kỷ lục nhanh nhất”... hẳn là ông không thích thú gì cho lắm.

Bởi công việc xây cầu, cất nhà từ thiện thì ông cùng những người chung một tấm lòng đã lặng lẽ làm từ trước năm 1990 rồi; từ những cây cầu tre, cầu khỉ bắc qua những mương rạch nhỏ, đến những căn nhà lợp lá đơn sơ trong xóm ấp, rồi dần chuyển qua cầu đúc, cầu dây văng và những căn nhà kiên cố như ngày nay ở khắp các tỉnh ĐBSCL, hỏi ông đã làm được bao nhiêu công trình, ông bảo rằng: “Làm sao mà nhớ hết”.

Nhưng, với việc xây những chiếc cầu dây văng kiên cố với thời gian chỉ từ 3- 5 ngày lắp ráp tại hiện trường đòi hỏi kỹ thuật và sự tính toán thật chi li, kỹ lưỡng; cụ thể mới đây là cây cầu bắc qua kinh Hai Quý ở xã Thuận An (TX Bình Minh) chỉ mất có 3 ngày mà chính xác là 36 tiếng đồng hồ thi công, thì có thể xem là một “kỷ lục” đáng ghi nhận.

Tại sao chuyện xây những cây cầu mà trong đó có những cầu dài gần trăm mét bắc qua những con sông rộng, công trình kiên cố bảo đảm cho ôtô có thể lưu thông, lại phải làm với tốc độ “khủng” vậy? Vừa rồi là cây cầu ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) dài 85m, thi công trong 5 ngày (thi công 12 tiếng/ngày).

Đơn giản là tiết kiệm thời gian và chi phí, bởi trong đội xây cầu của ông Út Ngộ hầu hết là nông dân, còn phải dính đến lịch thời vụ mà trong đó khá nhiều người canh tác “xoàng” cũng vài ba chục công ruộng, không ít người canh tác cả trăm công đất, việc nhà “đăng đăng đê đê” mà lịch xây cầu thì “kín mít”, nên thời gian càng ngắn càng tốt, song phải đảm bảo chất lượng.

Chỉ cần tính nhẩm thôi, sẽ thấy sự đóng góp của đội ngũ này cho những công trình giao thông ở các vùng quê miền Tây Nam Bộ là không hề nhỏ.

Từ năm 2007 trở về trước là không kể, đến giờ này ông Út Ngộ đã xây được khoảng 130 cây cầu dây văng, trung bình mỗi năm trên dưới 30 cây cầu lớn nhỏ. Nếu tính trung bình 4 ngày một công trình, thì thời gian thi công đã mất 1/3 số ngày trong năm rồi, chưa tính thời gian thiết kế, lắp ráp trước tại xưởng nhà ông.

Mà ông Út Ngộ đâu chỉ có xây cầu, ông còn cất nhà từ thiện, thậm chí lo cho cả những người đã mất- là vừa hoàn thành nghĩa trang rộng 4 công đất ở quê mình. Đó là những việc làm mà ông cho là “trả nợ cho đất nước, trả nghĩa với đồng bào”.

Chiếc cầu do đội quân làm từ thiện của ông Út Ngộ thi công.
Chiếc cầu do đội quân làm từ thiện của ông Út Ngộ thi công.

“Trả nợ cho quê hương”

Khoảng 3 giờ chiều ngày thứ 2 thi công cầu kinh Hai Quý, chúng tôi không ngờ cây cầu dây văng đang thành hình rất đẹp và mọi người hối hả lo phần lót nền bằng những tấm thép dày. Đến ngày thứ 3 vào lúc 5 giờ chiều, khi chúng tôi trở lại công trình thì mọi người đã lục tục thu xếp hành lý ra về.

Nếu nghe mà không tận mắt thấy thì cứ tưởng như chuyện “giỡn chơi” vậy! Cây cầu nối liền 2 xã Thuận An (TX Bình Minh) và xã Thành Lợi (Bình Tân) nối liền niềm vui của hàng ngàn hộ dân ở đôi bờ kinh Hai Quý. Nếu tương lai con đường nông thôn nơi đây được mở rộng thì cây cầu đảm bảo ôtô qua lại dễ dàng.

Ông Út Ngộ có lẽ quá quen với niềm vui này, nên chỉ cười cười, từ tốn nói về chuyện hơn 30 năm nay ông “đi trả nghĩa” cho đồng bào trên khắp các vùng nông thôn. Bất kể xa xôi, chẳng quản nắng mưa, “trời còn cho sức khỏe” ở tuổi 83, ông vẫn chưa cho thấy dấu hiệu của sự “dừng lại”.

Câu nói đến tận cùng xúc động, ông nói nhẹ như gió thoảng: “May mà giờ này chưa thấy bệnh hoạn gì, thân thể này còn “tốt món nào” khi chết tui hiến xác cho y học còn có ích, chớ chôn chi nó uổng!”

Vợ mất từ hồi mới ngoài 40 tuổi, ông ở vậy lo cho 4 người con “dựng vợ, gả chồng”, hơn trăm công đất chia đều con trai, con gái.

Riêng ông Út Ngộ còn được hơn 20 công, như vậy là hoàn thành trách nhiệm với gia đình, phần huê lợi làm ruộng ông dành cho từ thiện. Ông đem 1 công đất làm cái nhà xưởng- như một “đại công trường” mỗi khi có công trình mới: mua sắm vật tư về lắp ráp hoàn chỉnh, rồi tháo rời ra chở đến hiện trường.

Đội thi công từ thiện của ông giờ đây tới 50- 100 người, trong đó có những “đại gia” đi xe bạc tỷ cũng nhảy vô làm quần quật như mọi người. Tất cả đều không suy tính thiệt hơn, bất kể giờ giấc, nếu thu xếp được việc nhà là kéo nhau lên… cầu.

Thi công ở đâu thì có xe đưa đón và tàu thuyền vận chuyển đầy đủ. Đến địa phương nào nếu được lo cơm nước thì lo, không thì dưới trẹt đã chuẩn bị sẵn hậu cần nấu nướng, ăn uống đàng hoàng, có cả y sĩ đi theo lo sức khỏe cho mọi người lỡ khi có ai đó đau bụng, nhức đầu, sổ mũi,...

Về xã Vĩnh An, hầu như ai cũng biết và quý mến ông Út Ngộ vì tấm lòng của ông dành cho bà con vùng nông thôn nghèo. Vừa qua, ông còn vận động bà con hiến 4 công đất, trong đó ông hiến 1 công để xây dựng nghĩa trang nhân dân với quy mô có thể hơn 2.000 ngôi mộ.

Hiện đã xây được 830 ngôi mộ và chừa sẵn vật liệu, dành xây mộ cho người nghèo ở địa phương. Nghĩa cử này của ông được chính quyền địa phương tuyên dương, cùng với rất nhiều công trình từ thiện ở khắp các tỉnh ĐBSCL.

Riêng ông Út Ngộ vẫn tâm niệm một điều như lẽ sống của mình: “Sống phải trả nợ đất nước, trả nghĩa với đồng bào”. Đáng quý thay lão nông ở tuổi 83 vẫn luôn nặng lòng với quê hương xứ sở!

 

 

Út Ngộ: “Mình không làm được chuyện lớn lao, thì làm những gì có thể trong khả năng đóng góp những việc bình thường thôi. Mình sống đây, từ tấm vải dệt nên quần áo để mặc cũng phải nhờ người khác, mình cả đời không ra trận cầm súng hy sinh như nhiều chiến sĩ để bảo vệ đất nước... Đó là cái nợ với đất nước, cái nghĩa với đồng bào, sống phải trả, chừng nào chết thì thôi!”
  • ™Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG