Thăm vườn ca cao Mười Cương

Cập nhật, 08:06, Thứ Hai, 28/11/2016 (GMT+7)

Từ trung tâm TP Cần Thơ đi về hướng cầu Cái Răng, xuôi theo Đường tỉnh 923 khoảng hơn 10km, hỏi vườn ca cao Mười Cương ở ấp Mỹ Ái (xã Mỹ Khánh, huyện nông thôn mới Phong Điền) thì người dân ai cũng biết.

Khách trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Đức) đến tham quan, tìm hiểu việc trồng và các công đoạn chế biến sản phẩm từ hạt ca cao.
Vườn ca cao Mười Cương trồng cho trái tự nhiên, ít xử lý và không sử dụng thuốc hóa học.

Đây là một trong những điểm du lịch miền Tây, với vườn cây trái và là điểm dừng chân lý thú của du khách yêu miệt vườn sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, để ghé thăm vườn ca cao của ông Mười Cương, thường phải là những du khách biết rõ lắm hoặc quan tâm nhiều đến loại cây này thì mới đến.

Khách đến ngoài việc được thưởng thức sản phẩm từ trái ca cao còn có thêm cơ hội trải nghiệm cùng gia chủ các công đoạn ủ hạt ca cao, sấy khô bằng nồi gang, xay thành bột, chế biến thành phẩm và có thể mua một ít về làm quà.

Ngoài ra, nơi đây còn có 2 phòng Homestay để du khách có thể nghỉ lại qua đêm. Đặc biệt, chủ vườn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt để đón tiếp du khách nước ngoài.

Ông Mười Cương (bên phải) giới thiệu với du khách các sản phẩm ca cao chế biến theo phương pháp truyền thống của nhà vườn ông.
Ông Mười Cương (bên phải) giới thiệu với du khách các sản phẩm ca cao chế biến theo phương pháp truyền thống của nhà vườn ông.

Chủ vườn ca cao Mười Cương kể: “Ba tôi đem giống ca cao về trồng từ năm 1960. Sau đó do chiến tranh không bán trái được, nhưng ông không cho đốn mà vẫn giữ rồi bảo các con, tụi bây coi sách vở làm ca cao thế nào, chế biến ăn thử coi!

Vậy là chị em tôi làm thử nghiệm bằng cách đem hạt ủ, sấy và xây bằng cối xây bột (xây tay). Làm ăn ngon quá trời. Từ đó, mỗi dịp giỗ, tết gia đình hay làm đãi bà con ăn”. Đến năm 1977, ngành ngoại thương Cần Thơ đi tìm hàng xuất khẩu.

Họ đến thấy cây ca cao có giá trị xuất khẩu cao nên báo cáo về ngành ngoại thương, sau đó nhiều lãnh đạo ngành này từ Hà Nội vô, còn dắt theo người các nước Liên Xô (cũ), Bungari, Hungari,…

“Khách đến, ba tôi đem ca cao chế biến ra đãi, ai cũng khen “ngon quá, sao không làm bán”, thế là gia đình tôi làm ra khá nhiều và bán cho các cơ sở Vina cà phê, bánh kẹo Biên Hòa…”- ông kể.

Ông Mười Cương vừa giới thiệu cho du khách vừa kể tiếp: “Đến năm 2000, tôi được sự hỗ trợ của các hiệp hội nông dân các nước Mỹ, Thụy Sĩ, Hà Lan thông qua Bộ Nông nghiệp- PTNT, đến giúp nhân giống bán ra nhiều nơi, tạo nên phong trào trồng ca cao rộng rãi”.

Ông cũng nói, ca cao trải qua nhiều thăng trầm nhưng nhờ gia đình chịu khó kiên trì giữ. Bởi trồng cây ca cao rất nhẹ công chăm sóc, ít đầu tư phân bón, chỉ cần lấy vỏ trái, lá ca cao phủ cho mát gốc, rồi mỗi năm vét bùn bồi gốc, cây tốt.

Ông nói làm như vậy người Tây tới thấy sản xuất sạch, họ mới mua giá cao. Chứ vườn mình vô thấy sử dụng thuốc sâu rầy nhiều là họ “chạy ngay”. Xu hướng du khách thế giới luôn tìm mua nông sản sạch, nên cứ đáp ứng được là sản phẩm mình bán được giá cao.

Cây ca cao cũng có loại bọ xít muỗi phá hại làm cho trái biến dạng kém năng suất, nhưng nhờ nuôi con kiến vàng nên trị được con bọ xít muỗi rất hiệu quả.

Khách trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Đức) đến tham quan, tìm hiểu việc trồng và các công đoạn chế biến sản phẩm từ hạt ca cao.
Khách trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Đức) đến tham quan, tìm hiểu việc trồng và các công đoạn chế biến sản phẩm từ hạt ca cao.

Trồng và chế biến ca cao làm sản phẩm du lịch, giờ đây mỗi ngày vườn ca cao của ông Mười Cương thu hút 50- 70 khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài. Họ xem và rất thích cách làm ca cao thủ công.

Ông chế biến theo phương thức thủ công, làm ra nhiều sản phẩm: rượu vang ca cao, bơ ca cao, bột ca cao và ca cao nguyên chất dùng làm kem hoặc bánh. Trong đó, rượu vang ca cao (nước ca cao lên men) uống rất ngon, là loại rượu khai vị rất được du khách nước ngoài ưa chuộng.

Khoảng 10 ngày hái trái một lần và làm ra sản phẩm bán kiếm vài triệu đồng. Ngoài sản phẩm từ vườn ca cao của ông phục vụ tại chỗ, bán cho du khách mang về, ông còn mua thêm một số ca cao trái từ các vườn trong khu vực để mở rộng việc cung cấp đến một số doanh nghiệp du lịch ở ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Trong lúc người trồng ca cao ở ĐBSCL không còn mặn mà với loại cây này vì đầu ra và giá cả không ổn định, thì ông Mười Cương đã gắn bó với nó mấy chục năm nay và kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Tuy không giàu có nhưng rất thú vị vì ngay trên mảnh đất vườn nhà, với cách làm sáng tạo đã không chỉ tạo hiệu quả kinh tế mà còn được giao lưu với nhiều du khách trên thế giới- ông Mười Cương vui vẻ chia sẻ.

Vườn ca cao của Ông Mười Cương thật sự đã góp thêm một sản phẩm cho du lịch đồng bằng, như một nét chấm phá đặc biệt, làm cho du khách khó quên.

™Bài, ảnh: TRẦN ÚT