Tư duy đột phá cho nông thôn mới ĐBSCL

Kỳ 2: Làm giàu trên vùng đất khó

Cập nhật, 06:21, Thứ Tư, 12/10/2016 (GMT+7)

Nhìn tổng thể địa bàn cư trú của đồng bào Khmer Nam Bộ, với dân số trên 1,4 triệu người, đa phần tập trung ở vùng nông thôn sâu, vùng khó khăn thuộc về khu vực Nam sông Tiền trở xuống Cà Mau.

Điển hình, như ở vùng biên giới, vùng bán sơn địa thuộc địa bàn các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang), Hòn Đất (Kiên Giang) hoặc tập trung dọc các huyện duyên hải, đất giồng của các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu,...

Đại bộ phận bà con thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, trình độ dân trí chưa cao. Do đó, lo chuyện thoát nghèo cho bà con đã là bài toán nan giải, còn nói đến chuyện làm giàu, xuất hiện những tỷ phú nơi phum sóc, có thể xem là một kỳ tích trên những vùng đất khó.

Bài học liên kết của con bò sữa

Ông Liêu Anh Tuấn bên con bò sữa “nái” nhận năm 2004 từ Dự án CIDA.
Ông Liêu Anh Tuấn bên con bò sữa “nái” nhận năm 2004 từ Dự án CIDA.

Nếu không dám phá bỏ cách làm cũ, thì chắc giờ này huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vẫn bị “bó rọ” trong khó khăn của vùng đất nông nghiệp nghèo của tỉnh, với một phần đất nhiễm mặn khó canh tác, mà lại có đông đồng bào Khmer.

Đó là do xác định được thế mạnh với những mô hình mới; đồng thời quy hoạch phát triển cây màu phù hợp với từng loại thổ nhưỡng, Mỹ Xuyên đã hình thành lớp “tỷ phú mới” trong đồng bào Khmer.

Đặc biệt, trong đợt hạn mặn vừa qua đã hạn chế được rất nhiều ảnh hưởng, thậm chí nhiều nông dân xứ rẫy Đại Tâm cũng “lên đời” tỷ phú nhờ giá hẹ, rau màu tăng đột biến. Từ huyện nghèo, địa phương này đang hướng đến huyện nông thôn mới (NTM) của tỉnh Sóc Trăng.

Nhìn lại quá trình giao bò sữa cho bà con nghèo Khmer cho đến khi nó “đứng chân” được trên vùng đất Mỹ Xuyên, Trần Đề, thì khó ai mà tin được.

Giờ thì mỗi ngày hai đợt “cứ ra chuồng vắt sữa là có tiền”- mỗi hộ nuôi ít thì thu nhập cũng tầm trên dưới 500.000đ, nhiều thì vài triệu bạc.

Từ những con giống ít ỏi được hỗ trợ ban đầu, Sóc Trăng đã tăng đàn lên 18.000 con.

Tuy nhiên, nếu không có quyết tâm của địa phương, cùng với việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật bài bản cho bà con, thì không thể có được những “xã bò sữa” như: Tham Đôn, Đại Tâm, Tài Văn, Viên An và Thạnh Thới An, hay những “huyện bò sữa”: Trần Đề, Mỹ Xuyên như ngày nay.

Trong đó, đặc biệt là cam kết bao tiêu tại chỗ của doanh nghiệp với giá ổn định, đã gỡ khó cho con bò sữa khi đã từng rơi vào cảnh lao đao vào những năm 2010, vì sản lượng sữa bò tăng quá nhanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện, cho biết: “Đàn bò sữa trong tỉnh phát triển mạnh, trong đó có huyện Mỹ Xuyên.

Do đó, lượng sữa cũng tăng mạnh, người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc bán sữa.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Sóc Trăng đã trực tiếp làm việc, kêu gọi Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) giúp tiêu thụ sữa bò của người chăn nuôi”.

“Khơi thông được dòng chảy cho sữa bò” giúp cho bà con yên tâm tái đàn, “nở chuồng” liên tục, bên cạnh đó có sự hỗ trợ mạnh mẽ, sâu sát của ngành nông nghiệp, Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mỹ Xuyên Lâm Văn Long, phấn khởi cho biết:

“Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng phối hợp Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mỹ Xuyên thường xuyên tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật và phòng trị một số bệnh thường gặp.

Nhờ đó, giúp người chăn nuôi an tâm tái đàn, tạo đầu ra cho sản phẩm, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao giá trị nông nghiệp tiến tới khá, giàu cho bà con nông thôn, đặc biệt là đồng bào Khmer”.

Đường vào “xã bò sữa” Tham Đôn bạt ngàn đồng cỏ.
Đường vào “xã bò sữa” Tham Đôn bạt ngàn đồng cỏ.

Trên đường vào phum sóc ở ấp Sô La 1 (xã Tham Đôn), chúng tôi như lạc vào những cánh đồng cỏ mênh mông nối nhau trải dài mút mắt. Còn bên hè, trước cửa nhà bà con, ít nhất trong chuồng cũng có vài ba con bò.

Ông Liêu Anh Tuấn là một trong số bà con Khmer đầu tiên được nhận bò hỗ trợ từ Dự án CIDA, chúng tôi đến khi ông đang lui cui cùng nhóm thợ ráo riết hoàn thành 2 khu chuồng trại mới, trong khi đàn bò hiện tại đã gần 20 con.

Trong đó, con “nái” đầu tiên mà ông Tuấn nhận nuôi từ năm 2004, đến nay vẫn đẻ đều và cho sữa chất lượng cao.

Nhẩm tính sơ sơ, mỗi con bò giống từ 30- 40 triệu đồng, thì sau khi “nở chuồng” con số phải bạc tỷ. Ông Tuấn cũng là người đầu tiên ở đây sử dụng máy hút sữa, vừa ngơi công, vừa hợp vệ sinh.

Gia đình có 12 công đất, tất cả đều dành để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Vừa vuốt ve con “nái cưng”, ông Tuấn nở nụ cười, thầm thì chừng như tâm sự riêng với nó: “Không có con bò sữa thì dân ở đây biết chừng nào khá lên nổi”.

Một lời cảm ơn chân thành với con bò sữa, cũng là lời tri ân những người vì dân mà dám nghĩ chuyện “ngược đời”, khi... cả gan đưa con bò sữa về với xứ “khỉ ho” này.

Hạn mặn- “thuốc thử nặng liều”

Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua đã để lại nhiều bài học đắt giá; trong đó, tầm nhìn về quy hoạch cho nông nghiệp khu vực duyên hải là vô cùng quan trọng.

Câu chuyện tranh cãi về việc triển khai giống lúa chịu hạn cao ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) coi như ngã ngũ.

Ruộng hẹ của anh Thạch Cường.
Ruộng hẹ của anh Thạch Cường.

TS. Trần Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu, nhận định: “Huyện Hồng Dân chứng tỏ được khả năng thích nghi cao của giống lúa chịu hạn mặn, qua thử thách của đợt hạn mặn vừa rồi.

Do đó, công tác dự báo, quy hoạch có tầm nhìn cho nền nông nghiệp bền vững là rất quan trọng, cần có sự tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ từ các trung tâm, các trường ĐH trong khu vực”.

Nhớ lại những chia sẻ đầy tâm huyết, trải lòng của ông Sơn Kiên- Phó trưởng Phòng Dân tộc- Chính sách (Ban Dân tộc tỉnh Bạc Liêu), hồi 2 năm trước:

“Muốn đưa những mục tiêu phát triển kinh tế của Trung ương, cũng như quy hoạch những mô hình sản xuất đi vào cuộc sống, cần phải có 2 cái “hiểu”. Trước hết là hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con; hai là hiểu được đất đai, khí hậu từng nơi, từng vùng, mới nói tới chuyện quy hoạch”.

Đứng bên bãi nghêu của Hợp tác xã Nghêu Thắng Lợi, ông Sơn Kiên giải thích: “Cần phải “phân lớp” từng vùng ra, từ xa bờ, đến ven bờ biển, vùng xen giữa thủy sản và nông nghiệp, vùng thuần nông, cần phải có những tính toán phù hợp với từng mô hình, từng loại cây, con thích nghi với hạn mặn, biến đổi khí hậu”.

Ngay như hợp tác xã nghêu này đây, với 1.800 xã viên, trong đó hơn 90% là đồng bào Khmer nghèo của 3 xã ven biển, đã phát triển đạt lợi nhuận kinh tế cao trong mấy năm qua. Tuy nhiên, vẫn chưa an tâm khi vẫn có những đợt nghêu chết mà không tìm ra được nguyên do.

Trở lại bãi nghêu lần này, chúng tôi thấy ông Sơn Kiên buồn so: “Đợt hạn mặn vừa dứt, bước vào mùa lượng nước mưa tăng đột ngột, nghêu chết trắng bờ, xót xa khác nào đem vàng mà đổ xuống biển.

Đáng lo hơn là ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn bà con nông dân nghèo, mà “cái nồi cơm” gia đình của họ đã gắn với bãi nghêu này.

Có vậy không đâu, còn kéo theo ảnh hưởng việc học hành của mấy cháu nhỏ, nói chung là ảnh hưởng đủ thứ. Bây giờ phải xốc lại, bắt tay làm lại và phải lo xa hơn”. Cái “lo xa” mà ông Sơn Kiên nói, chính là công tác dự báo, quy hoạch vùng nông nghiệp bền vững.

Nhìn lại công tác quy hoạch vùng ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), mà theo giới thiệu của ông Lâm Văn Long, chúng tôi thấy đã có phần nào đáp ứng được yêu cầu thực tiễn này, nên huyện chịu ảnh hưởng ít nhất và bảo đảm được sự phát triển ổn định.

Theo ông Long, vùng ngập mặn cao giáp huyện Trần Đề được quy hoạch vùng tôm, kế đến là vùng đệm trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, vùng đất nông nghiệp không hiệu quả được chuyển sang trồng cỏ xen với vùng rẫy truyền thống từ bao đời.

Chính điều này, khi về thăm vùng hẹ của xã Đại Tâm, chúng tôi chứng kiến được niềm vui, phấn khởi của nhiều “tỷ phú hẹ”.

Ra tận chòi giữa đồng mới gặp được anh Thạch Cường (50 tuổi, ấp Đại Ân), gốc ở xứ nghèo huyện Thạnh Trị, trôi dạt lên đây làm thuê hồi 15 tuổi.

Vợ chồng ra riêng với cái chòi lá, giờ anh Cường đã có 7 công rẫy. Mà đất đai của Đại Tâm, Tham Đôn hồi xưa tới giờ rất hợp trồng rẫy, ngay như đợt hạn mặn vừa rồi hành, hẹ vẫn xanh mịt.

Hỏi anh Thạch Cường, nhà nghèo vậy rồi phất lên từ lúc nào? Anh Cường hào hứng: “Hổng nhớ chính xác nhưng nhớ từ năm ông Võ Văn Kiệt lên làm Thủ tướng, tui thuê 10 công đất cộng với 1 công đất nhà, năm đó lúa lại có giá nên làm xong vợ chồng tui mua được 4 cây vàng”.

Dù con nhà nghèo, học hành không bao nhiêu, nhưng anh Cường giờ nói chuyện về sản xuất rau an toàn, cách thức cắt phân thuốc bông hẹ sao cho không ảnh hưởng sức khỏe người ăn, anh phê bình bà con còn thói quen xịt phân thuốc ào ào “cứ nghe theo lời đại lý”...

Những kiến thức của anh không thua gì cán bộ nông nghiệp! Thật đáng mừng cho xứ rẫy đã có được những nông dân có ý thức trước khi nói đến chuyện làm giàu cho bản thân mình.

Xây dựng nông thôn mới và nền nông nghiệp bền vững, rất cần có được nền tảng là những nhà nông “chắc tay” và có đạo đức như những nông dân ở xứ rẫy Đại Tâm.

 

Anh Thạch Cường- nông dân xứ rẫy Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên- Sóc Trăng) cho biết: “Trung bình hàng năm thu lợi vài ba trăm triệu đồng. Riêng đợt nắng hạn vừa qua, giá rau màu nhất là bông hẹ tăng vọt gấp đôi, gấp ba lần, nên nhiều bà con thu vô tiền tỷ”. Có lẽ, đó cũng là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho nông thôn mới trước biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên phức tạp, khó lường.

Kỳ cuối: Tư duy đột phá cho nông thôn mới

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN