Mùa lũ thấp

Cập nhật, 16:39, Thứ Ba, 18/10/2016 (GMT+7)

Có thể khẳng định rằng, mùa nước nổi hàng năm (hay còn gọi là mùa lũ) đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là rất quan trọng.

Nước nổi không chỉ giúp đồng ruộng được gột rửa phèn mặn ô nhiễm, giúp cây trái có thêm lượng phù sa để mùa sau trĩu quả, mà cư dân vùng Châu thổ có được một mùa thu hoạch những sản vật thiên nhiên.

Thế nhưng, mấy năm gần đây lũ về chậm và về ít khiến cho không ít cư dân từ lâu đã gắn bó với lũ, giờ cũng tính đường mưu sinh khác. Con nước nổi hiền lành ngày nào với bao nhiêu sự ngóng đợi, giờ cũng vơi dần trong tâm khảm của người dân nơi đây.

 Nước thấp, lượng cá tôm cũng giảm, nhiều người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy quanh Búng đã không còn bám trụ được với nghề.

Nước thấp, lượng cá tôm cũng giảm, nhiều người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy quanh Búng đã không còn bám trụ được với nghề.

 

Khi sinh kế không bền

Ngược dòng Cửu Long đi về phía thượng nguồn, từ Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, An Phú của tỉnh An Giang. Nếu như vài năm trước đây, những ngày tháng 9 âm lịch là nước đã “minh mông” đồng ruộng. Trên những cánh đồng là hình ảnh người dân hết đặt dớn thì đánh côn, hết thả lưới thì câu, nò, lọp, đó để bắt cá. Năm nay thì quang cảnh khá đìu hiu.

Tại Búng Bình Thiên (huyện An Phú, An Giang), nơi được mệnh danh là túi cá của thượng nguồn Cửu Long, được hình thành từ hàng trăm năm qua, năm nay cũng không mấy khả quan.

Anh Mách Sậu, cư dân người Chăm sống bằng nghề chài lưới trên Búng này đã gần 20 năm qua cảm nhận “con nước năm nay có cao hơn năm ngoái, nhưng thắp hơn nhiều con nước của những năm trước đây”.

Và cũng theo anh Mách Sậu, “cá mắm thì ít hơn hàng trăm lần”. Anh có 6 người con, 4 người đã có gia đình, hiện chỉ còn 2 cậu con trai nhỏ cùng học lớp 5. Những ngày nghỉ học, 2 đứa nhỏ là Gia Cốp và Ha Si Kil cũng theo anh đánh bắt cá trên Búng. Nếu như những năm trước đây, khi lũ về mỗi ngày anh kiếm được cả triệu đồng để lo cho gia đình, thì vài năm trở lại đây, mỗi ngày chỉ được “trăm, trăm mấy”.

Con nước cũng như dòng thủy sản mà thiên nhiên ban tặng đã không còn hào sản như trước đây nữa. Mấy đứa con lớn của anh Sậu cũng làm nghề chày lưới, nhưng “bọn chúng đi bắt cá nhiều nơi lắm, dọc sông Bình Di tới bên biên giới, hay xuôi sông Hậu xuống tận Cần Thơ” – anh Sậu cho biết như thế.

Riêng hai đứa nhỏ, anh cũng tính chuyện cho chúng học để sau này sống bằng nghề khác, “chứ chơi với Hà Bá cũng hết cái để ăn rồi”.

Còn A Nôl, cũng là cư dân sống bên bờ búng tâm tư, con nước năm nay có cao hơn năm trước, nhưng cũng “thắp lắm cô à, nó còn cả thước nữa mới lên tới mặt lộ này”. Nói đoạn, A Nôl đưa mắt nhìn về những đám lục bình trôi đơn độc trên mặt Búng Bình Thiên. Do cuộc sống khó khăn vì cá tôm đã không còn nhiều, 2 năm trở lại đây, A Nôl chuyển sang nghề nuôi bò bán thịt.

“Ở đây cá ít nhưng cỏ thì nhiều lắm”. Câu nói của A Nôl được chứng minh bằng hình ảnh trước mắt chúng tôi, hàng chục con bò mập ù đang nhai cỏ.

Những cư dân đầu nguồn mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc, có thể chưa phản ảnh toàn diện về thực trạng đang diễn ra khi mùa lũ những năm trở lại đây về chậm và về ít, nhưng nó cũng phần nào nói lên được thực tế khi mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn với cư dân vùng này.

Như cảm nhận của A Nôl hay Mách Sậu, họ chỉ biết nước về ít, cá về cũng ít, nhưng họ nào có biết nguyên nhân sâu sa của những sự giảm sút đó.

Có gắng lắm một ngày những người nông dân này cũng chỉ kiếm được hơn 100.000đ.
Có gắng lắm một ngày những người nông dân này cũng chỉ kiếm được hơn 100.000đ.

Nước và phù sa đã trở nên xa xỉ…

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ thì “phù sa đã trở nên xa xỉ với đồng bằng sông Cửu Long”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn dẫn kết quả của một nghiên cứu về đập thủy điện Mạn Loan (Manwan, Trung Quốc) tác động lên lượng phù sa của ĐBSCL mà Trường Đại học quốc gia Singapore thực hiện cho thấy, trước khi có đập này, lượng phù sa về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn/năm.

Sau khi con đập đi vào hoạt đông, lượng phù sa chỉ còn 75 triệu tấn, tức chưa bằng một nửa. Như vậy chỉ với 1 con đập thủy điện được xây dựng từ phía thượng nguồn Mekong, mà lượng phù sa đã giảm đi đáng kể, thì nếu như hàng loạt đạp thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn thì phù sa về với ĐBSCL có lẻ chỉ còn một lượng nhỏ không đáng kể.

Người dân ĐBSCL không thể nào quên hình ảnh trận lũ lịch sử năm 2000. Vào thời điểm đó, đỉnh lũ tại Tân Châu (An Giang) đo được là 5,06 m, tại Châu Đốc là 4,9m. Sau đó nước xuống dần và bất ngờ quay trở lại ở mức tương đối cao trong năm 2011.

Tuy nhiên, 5 năm gần đây, đỉnh lũ về ĐBSCL đã tụt xuống mức thấp chưa từng có trong số liệu đo đạc của ngành khí tượng. Theo số liệu hiện tại, đỉnh lũ đo được ở Tân Châu cũng chỉ sấp sỉ 2,91m, còn tại Châu Đốc cũng chỉ sấp sỉ 2,52m. Thấp hơn rất nhiều so với cách đây 5 năm.

Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là do nằm ở cuối nguồn Mekong, ĐBSCL gánh trọn những biến động từ những tác động ở thượng nguồn. Tính toán hàng năm, nước về đến khu vực này chỉ khoảng 11% tổng lượng nước dòng Mekong, tương đương khoảng 60 tỉ mét khối, nhưng nay chỉ còn dưới 40 tỉ mét khối.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong nhận định “các đập thủy điện phát triển dày đặc trên dòng Mekong là thảm họa cho con người”. Phát triển đập thủy điện là bài toán đánh đổi giữa giá trị kinh tế và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến vùng hạ nguồn.

Còn Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam chia sẻ “chỉ riêng cái chuyện lũ về muộn vài năm nay mà cả một vùng như An Giang, Cần Thơ, lao động bị đảo lộn”. Thực tế đã chứng minh, nhiều người đã tính chuyện mưu sinh bằng nghề khác, hay ly hương tìm một sinh kế mới. Điều đó chứng tỏ, mùa nước nổi, hay mùa lũ đã không còn là mùa để người dân vùng này trông đợi nhiều nữa.

Cách đây chưa lâu, các chuyên gia đã từng cảnh báo, trong tương lai ĐBSCL sẽ không còn nước về mùa kiệt. Viễn cảnh ấy đang ngày càng trở thành sự thật khi lưu lượng dòng chảy ngày càng sụt giảm nghiêm trọng và sẽ chỉ còn vài mét khối mỗi giây.

Điều này cũng đồng nghĩa, sông Mekong đến ĐBSCL không khác gì dòng sông chết, khi lưu lượng tối thiểu cần đến 2.000 mét khối/giây để cân bằng sinh thái, gột rửa môi trường và đẩy mặn ra biển. Theo Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, "chúng ta phải xây dựng kịch bản, một kịch bản cho chống hạn cũng là kịch bản về chiến lược sử dụng nước”

Lũ lớn thì thiệt hại lớn mà không có lũ thì thiệt hại cũng không kém. Dù trong hoàn cảnh nào thì những người dân sống gắn bó cả đời với sông nước đều là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. 

ĐBSCL sẽ còn khô khát vào mùa lũ trong những năm tới. Hậu quả là vựa lúa lớn nhất của cả nước bị đe dọa, còn hàng chục ngàn người dân từng thoát nghèo nhờ nước sông Mekong giờ lại đứng trước nguy cơ tái nghèo vì lũ thắp.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN- NGỌC LIỄU