Soi mình vào gương BÁC để sống tốt hơn

Cập nhật, 05:06, Thứ Năm, 22/09/2016 (GMT+7)

Trong cuộc đời Bác Hồ, mỗi lời nói, hành động đời thường nhưng luôn hàm ẩn những tư tưởng lớn và những bài học nhân văn cao cả.

Thế nên, ở các lĩnh vực khác nhau, mỗi con người khác nhau khi soi mình vào tấm gương của Bác, đều tìm thấy cho bản thân những điều có thể học tập và làm theo. Dẫu chỉ là những việc làm nhỏ, những điều giản dị trong cuộc sống, nhưng việc học và làm theo Bác đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta.

Kỳ 1: Thêm tươi “màu áo” nông thôn

Sau nhiều năm có dịp trở về ấp Thành Hậu, bộ mặt nông thôn như khoác lên mình chiếc áo mới. Sự đổi thay tích cực đến từ nhiều phía, trong đó yếu tố nội lực có vai trò không nhỏ.

Đó là nhờ chi bộ và nhân dân ấp Thành Hậu (xã Thành Đông- Bình Tân) đã đẩy mạnh việc học và làm theo Bác, phát huy sức mạnh tổng hợp, khơi dậy tinh thần đoàn kết, góp sức xây dựng nông thôn thêm mới.

Anh Nguyễn Thanh Phong (trái) đã hiến 1.200m2 để làm đường liên xã Thành Đông- Tân Thành.
Anh Nguyễn Thanh Phong (trái) đã hiến 1.200m2 để làm đường liên xã Thành Đông- Tân Thành.

Sức sống mới ở vùng nông thôn

Tuyến đường liên xã Thành Đông- Tân Thành trước đây hai bên chỉ toàn là đồng ruộng, thì nay một bên là những căn tường khang trang, một bên là ruộng khoai bạt ngàn màu xanh mướt mắt. Xa xa, hàng chục người tất bật thu hoạch, khuân vác, lựa khoai, tạo nên bức tranh nông thôn sống động.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp- Lê Văn Sơn cho biết: Thành Hậu là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai phong trào huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa thông hiểu.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp “mưa dầm thấm lâu” và “khó đến đâu, gỡ rối đến đó”; đồng thời, nhờ các cụ cao niên cùng đi vận động và nêu gương điển hình mà hầu hết người dân đã gật đầu đồng ý hiến đất, góp công.

Thời điểm đó, anh Nguyễn Thanh Phong- một nông dân mới 35 tuổi nhưng là người xung phong đi đầu hiến 1.200m2 đất để làm đường.

“Trước mắt là thấy mất đất nhưng về sau sẽ có ích lợi rất nhiều, nhất là thế hệ con cháu sau này từ việc đi học, đi làm đến thông thương hàng hóa cũng thuận tiện, dễ dàng hơn”- anh Phong khẳng định.

Qua trao đổi với các hộ dân lân cận, anh Nguyễn Văn Hảo- cũng là một nông dân trẻ tuổi trong ấp đã hiến 500m2 đất. Tuy với anh Hảo, “đất đai là tài sản gắn liền với “khúc ruột” nông dân, nhưng vì mong mỏi có đường lộ đi cho “ngon lành” nên tui sẵn lòng hiến”.

“Để có con đường này, mỗi người đều đóng góp, vì lợi ích chung của tập thể nên tui sẵn lòng góp gần 400m2 đất”- anh Trần Thanh Hoàng bộc bạch.

Còn ông Trần Văn Ngộ cũng nói: “Khi Nhà nước vận động hiến đất xây NTM, chỉ có một số người không hiểu nên còn gây khó, nhưng khi giải thích cho người dân thấu hiểu là làm được hết.

Bản thân tui cũng hiến gần 200m2 đất, cũng nhờ có con đường này mà có bờ giữ nước, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, bán nông sản cũng được giá hơn”.

Chính nhờ những suy nghĩ thấu đáo của người dân mà trong 5 năm qua (2011- 2015), toàn ấp có 96 hộ dân hiến trên 4,6ha đất và vật kiến trúc, trị giá trên 5,5 tỷ đồng và góp hàng trăm ngày công lao động để xây dựng các công trình NTM.

Theo ông Lê Văn Sơn, là đơn vị tiên phong nên công tác vận động lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng về sau nhiều hộ dân ở các địa phương lân cận thấy được lợi ích thiết thực của việc “mở đường” nên chủ động đề xuất Nhà nước làm đường và sẵn sàng hiến đất, góp công, góp của để làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Mới đây, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp- Lê Văn Sơn còn đứng ra vận động người dân hùn tiền mua miếng đất (ngang 2m, dài 80m) và trải đá để làm đường dân sinh.

Qua đó, có 132 hộ đóng góp 35 triệu đồng. Điều đáng quý là ngay cả những người còn khó khăn, sống bằng nghề mua phế liệu cũng cầm 20.000đ đến đóng góp vì “chủ yếu là ở tấm lòng”.

Ấp có trên 70% hộ khá, giàu

Mô hình nuôi dê của anh Hảo (phải) đang phát huy hiệu quả.
Mô hình nuôi dê của anh Hảo (phải) đang phát huy hiệu quả.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang trị giá hơn 1,1 tỷ đồng, anh Nguyễn Thanh Phong cười tươi: “Nhờ trồng khoai trúng mùa, được giá nên từ 5 công ruộng cha mẹ cho ra riêng, tui mua dần dần được tổng cộng 20 công và cất được căn nhà này”.

Còn anh Nguyễn Văn Hảo vừa cho dê ăn, vừa nói: “Tận dụng dây khoai lang có sẵn quanh năm tại địa phương nên tui nuôi dê tăng thu nhập, chủ yếu lấy công làm lời. Tui còn tận dụng phân dê bón ruộng khoai theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện nên tiết kiệm khá nhiều chi phí sản xuất”.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi dê kết hợp gà thả vườn, anh Trần Thanh Hoàng cho biết: “Tui đang gầy đàn dê 10 con này để bán tết. Hiện dê con nặng trên 10kg có giá khoảng 2 triệu đồng/con. Còn dê thịt nếu nuôi đúng sức (40 kg/con) thì có giá 105.000 đ/kg.

Dê có sức đề kháng tốt, ít bệnh lại ăn được nhiều loại rau cỏ nên cũng không tốn kém nhiều. Tui cũng luôn duy trì đàn gà khoảng 300 con. Hiện, ngày nào tui cũng bắt gà bán, giá 90.000 đ/kg nên luôn có tiền rủng rỉnh xài”.

Theo ông Lê Văn Sơn, qua phát động phong trào Toàn dân thi đua lao động sản xuất, các hộ dân trong ấp đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp khá toàn diện.

Ngoài mô hình chủ yếu là lúa- khoai, nhiều người còn kết hợp chăn nuôi đem lại hiệu quả thiết thực. Điểm nổi bật trong ấp là người dân chí thú làm ăn, trên 98% lao động đều có việc làm ổn định. Thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 70%, hộ nghèo chỉ còn dưới 2%.

Thành Hậu là ấp nông nghiệp, thuộc vùng sâu của xã Thành Đông và là đơn vị đầu tiên vận động hoàn thành 100% hộ gia đình đăng ký và thực hiện tốt “học tập và làm theo lời Bác” với 3 nội dung: tất cả thành viên trong hộ gia đình không vi phạm các tệ nạn xã hội, không vi phạm trật tự giao thông, treo ảnh Bác Hồ để nhắc nhở phấn đấu làm nhiều việc tốt theo gương Bác. Ấp đạt văn hóa 4 năm liền; hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM đóng góp vào thành tích chung xây dựng xã đạt chuẩn NTM. Tập thể cán bộ và nhân dân ấp được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011- 2015.

(còn tiếp)

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN