Má Sáu Tiến

Cập nhật, 07:16, Thứ Bảy, 23/07/2016 (GMT+7)

Má Sáu- đó là cách gọi thân thương của những người trẻ dành cho Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hồng (bí danh Sáu Tiến, 80 tuổi, Phường 1- TP Vĩnh Long).

Hình ảnh quen thuộc của má là áo bà ba, khăn rằn quấn cổ đậm chất phụ nữ miền Tây chất phác, nồng hậu.

Vậy mà, má đã từng phải oằn mình gánh chịu bom đạn chiến tranh, dằn lòng tiễn chồng, tiễn con lên đường đấu tranh cho độc lập của đất nước để rồi đứt ruột khóc hết nước mắt khi nhận tin chồng, con mình đã lần lượt nằm lại nơi chiến trường khốc liệt.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi sức khỏe má Sáu nhân chuyến về làm việc với tỉnh Vĩnh Long vào tháng 6/2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi sức khỏe má Sáu nhân chuyến về làm việc với tỉnh Vĩnh Long vào tháng 6/2016.

Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã ghi nhận công lao chói ngời của những người mẹ như má Sáu. Thế hệ hôm nay, được hưởng hạnh phúc trong hòa bình hiểu rằng không cách nào để đền đáp hết công lao to lớn và hy sinh cao cả của các mẹ- những bà mẹ Việt Nam anh hùng của dân tộc anh hùng.

Dâng chồng, con cho Tổ quốc

Má Sáu đang sống cùng với cháu gái Nguyễn Thị Lý. Hôm chúng tôi đến thăm, má vừa xuất viện về sau khi thay máy đặt tim mới. Trông má có vẻ ốm nhiều và khá mệt. Chúng tôi ái ngại, không muốn gợi lại nỗi đau đã chạm đến giới hạn tận cùng của sức chịu đựng.

Chị Lý nắm tay má, nói: “Câu chuyện của má thì chị thuộc làu làu. Chị nghe má kể hồi nhỏ đến lớn. Rồi mỗi năm, thanh niên trước khi đi nghĩa vụ, lại nhà thăm, nghe má kể chuyện kháng chiến, má động viên con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với nhân dân”. Câu chuyện cũng lắng lại theo hồi ức rưng rưng…

Má Sáu sinh ra ở xã Nhị Long- vùng đất anh hùng thuộc huyện Càng Long- Trà Vinh. Năm 17 tuổi, má lấy chồng. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, má tiễn chồng đi tập kết miền Bắc khi mang thai được 5 tháng. Má kể: “Chiến tranh khổ lắm, con ơi. Má một mình nuôi con vừa tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều lúc tình hình quấy quá, má phải đem con gởi nhà dân”.

Con trai Lê Công Chiến lớn lên qua những câu chuyện kể đầy tự hào, đầy tình yêu thương của má về ba đang cùng đồng đội đánh đuổi giặc.

Con trai duy nhất còn là niềm hy vọng lớn lao trong cuộc đời má Sáu- hy vọng sự trở về, hy vọng gia đình nhỏ được đoàn viên sau khi im tiếng bom thù. Anh Chiến được 10 tuổi, má nhận được thư của chồng đã trở về ở chiến trường miền Đông (tỉnh Tây Ninh) và hẹn ngày vợ chồng gặp nhau sau 10 năm xa cách. Lúc đó, con trai má và ba sẽ lần đầu được gặp nhau.

Má kể: “Má có gởi hình thằng Chiến cho ảnh. Hễ im im là ảnh đem hình con ra xem rồi khoe với đồng đội là “con tui giống tui y chang”. Họ nói giống nhau như cắt là ảnh cười suốt”. Ngày đi thăm chồng, 2 má con ở bên này sông. Chồng ở bên kia sông, cách nhau có mấy cái dầm. Vậy mà khi bom đạn ì đùng, thì đoạn đường ấy dài bằng một cuộc tử sinh.

“Má quá giang xuồng, má giành chèo cho nhanh. Người ta hỏi chồng má tên gì. Má nói xong. Người ta lặng im một xíu, rồi nói má bình tĩnh nghe, vì chồng má vừa bị trực thăng bắn hy sinh. Má buông chèo luôn. Mả chôn chồng má còn chưa khô đất…”- má Sáu nói khẽ.

Chồng má- liệt sĩ Lê Công Nhâm- hy sinh trước 2 ngày hẹn gặp vợ và chưa một lần được thấy mặt con. Cảm giác hy vọng và thất vọng đan xen vào nhau như giày vò người mẹ trẻ. Nén nước mắt vào trong, má Sáu năn nỉ con theo má trở về quê bởi “thằng Chiến không chịu về, khóc ngất đòi ở lại cùng mấy chú trả thù cho cha”.

Ngày ngày, má chịu thương chịu khó nhẫn nại nuôi con. Lớn lên, đứa con trai duy nhất của má cũng vào bưng biền kháng chiến. Thương con, má tôn trọng sự lựa chọn của con để rồi sau đó, má Sáu lại nhận được tin anh đã hy sinh khi vừa tròn 14 tuổi mà không tìm thấy xác sau một cuộc tiến công năm 1968 đánh chiếm Đài Phát thanh Cần Thơ.

“Đồng đội con kể, thằng Chiến gan lắm. Lúc nào cũng cầm cờ xung phong đi trước không hà. Lâu lâu, bạn bè con lại về thăm má, má nhớ con dữ lắm”.

Má Sáu- hết lòng với việc nước

Đứa con duy nhất không trở về là nỗi đau xé lòng, làm trái tim người mẹ vỡ tan. Má không chỉ có công sinh thành, dưỡng dục núm ruột duy nhất của mình trung thành và can đảm hy sinh cho cuộc chiến chống xâm lược mà còn tự mình trực tiếp tham gia kháng chiến, đấu tranh chống quân thù.

Tới ngày giải phóng, má thấy người ta có chồng có con đi mừng ngày hòa bình mà nước mắt chảy tuôn tuôn. Ngay cả ngày con hy sinh, má cũng không rõ ngày nào nên ăn tết là làm giỗ cho con luôn. Má có tấm hình nhỏ xíu của chồng, lúc nào cũng để trong túi áo. Thời gian làm nhòa hình không thấy được mặt nhưng hình ảnh chồng con vẫn vẹn nguyên trong tim má.

“Má nhớ con dữ lắm, con ơi. Con trai má có hiếu lắm. Về nhà thấy má làm gì là nhào vô giành mần cho má nghỉ ngơi. Má nhớ hoài hình ảnh của con 2 tay xách 2 thùng nước rồi còn thòng thêm 2 dây để gánh thêm 2 thùng trước sau nữa”- má Sáu cười phúc hậu, đôi mắt rưng rưng.

Chị Lý nhìn má đầy tự hào: 

“Má Sáu ở vậy đùm bọc em út, con cháu. Chị mồ côi ba mẹ từ lúc mới biết bò. Chiến tranh loạn lạc. Ngày hòa bình, má đi tìm cháu gái thất lạc về nuôi xem như con.

Chị lớn lên trong tình yêu thương của má. Má luôn nói má sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả không đòi hỏi gì cho riêng mình. Chỉ có mong muốn bình dị tột cùng là có sức khỏe vận động giúp người nghèo; con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, hiếu thảo với nhân dân”.

Cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã thầm lặng hiến dâng những gì quý nhất của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, sự cống hiến, hy sinh của má Sáu và các mẹ là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.

 

Trái tim từng chịu khổ đau của má Sáu Tiến giờ đây cũng chẳng vẹn nguyên bởi căn bệnh tim. Vậy mà, má vượt qua bao cam go của cuộc đời, nén đau thương đi tiếp cuộc đời bằng trái tim nhân hậu.

 

Là thành viên của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh, má âm thầm cần mẫn đi vận động người dân góp nhặt vận động “nuôi heo đất” để có kinh phí mổ tim miễn phí, giành lại sự sống cho những đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh hay nấu cơm cho bệnh nhân nghèo.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN