Ký sự

Nước qua đồng bằng còn có phù sa...

Cập nhật, 08:33, Chủ Nhật, 24/07/2016 (GMT+7)

 

Hệ thống đập thủy điện thượng nguồn có thể tác động lớn đến nguồn thủy sản ở ĐBSCL, với 440.000 tấn/năm, tương đương 1 tỷ USD/năm bị tổn thất.
Hệ thống đập thủy điện thượng nguồn có thể tác động lớn đến nguồn thủy sản ở ĐBSCL, với 440.000 tấn/năm, tương đương 1 tỷ USD/năm bị tổn thất.

Những cơn mưa liên tục từ tháng 6 bắt đầu một mùa “nhiều mưa” và có thể coi như “cắt đứt” đợt khô hạn khốc liệt ở ĐBSCL. Nước son đổ về các dòng sông như báo hiệu mùa nước nổi sắp tới…

Nhưng khác với những háo hức hy vọng của người dân đồng bằng- mong mưa thuận gió hòa, đón mùa nước mới giàu phù sa nhiều cá tôm- như một quy luật thường kỳ tất yếu. Qua đợt khô hạn và xâm nhập mặn vừa rồi, đồng bằng chợt bừng tỉnh và đã kịp nhận ra những “sản vật” thiên nhiên và nguồn nước của đồng bằng không phải là bất tận.

Đã từng có mùa nước không nổi

Đợt lũ lụt năm 2011, có 8 tỉnh ĐBSCL chịu ảnh hưởng, trong đó, Cần Thơ và Vĩnh Long được ghi nhận thiệt hại nặng do triều cường kết hợp với lũ. Nhiều người gọi đây là đợt lũ lịch sử vì thiệt hại về của cải rất nặng nề. Các địa phương phải chi hàng trăm tỷ đồng để khắc phục.

Lũ tràn bờ đê, thậm chí làm vỡ đê bao không có gì là lạ, nhưng năm 2014, người dân đồng bằng chứng kiến chuyện chưa từng thấy: ở đồng ruộng khô queo còn các đô thị như TP Cần Thơ, TP Vĩnh Long, TP Mỹ Tho… và một số tuyến quốc lộ nước lại ngập lênh láng. Nước nhảy khỏi bờ khi mới rằm tháng 7 (quy luật lũ ĐBSCL đạt đỉnh vào tháng 9, 10 âl) được cho là “con nước bất thường”, không theo tự nhiên!

Ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) nói: “Rún tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười không ai làm lúa vụ 3. Hồi trước, chúng tôi chỉ làm những vùng ngập sâu dưới 1m nước thôi. Phải xả lũ vệ sinh đồng ruộng, luân phiên mỗi năm.

Trên cùng tuyến, bên này làm vụ 3, bên kia phải xả lũ. Bây giờ đê bao ngăn hết, nước không có chỗ tràn phải dồn xuống hạ lưu “tấn công” đô thị”.

Vậy mà khi đó, chúng tôi ngược lên vùng thượng nguồn tứ giác Long Xuyên, qua 3 xã bờ Đông- vùng cù lao nằm phía Đông sông Hậu của huyện An Phú (An Giang), nhiều người dân nói “bớt ham” mùa lũ tràn đồng…

Vì trong khi hầu hết các khu vực phía Tây huyện An Phú và phía kinh Bảy Xã (giáp TX Tân Châu) đê bao khép kín sản xuất 3 vụ lúa/ năm thì 3 xã bờ Đông- theo ông Vương Hữu Tiến- Chi Cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang- cùng với vùng Đông kinh Trà Sư là 2 khu vực quy hoạch thoát lũ của tứ giác Long Xuyên, với khoảng 15.000ha.

Người dân và chính quyền trông chờ “đê bao khép kín 3 xã bờ Đông”, vì “cảm thấy thiệt thòi” mùa lũ tràn đồng không làm gì được, nông dân phải lên các thành phố tìm việc làm cho qua mùa nước.

Nhưng năm 2015, chúng tôi qua Đồng Tháp Mười từ Cao Lãnh đi Thanh Bình, Tam Nông ngược lên thượng nguồn Hồng Ngự, Tân Hồng ngay trong mùa lũ, lại hoàn toàn không có nước nổi.

Ở cù lao Long Thuận (Hồng Ngự- Đồng Tháp), những lão nông sống ở đây từ “cha sanh mẹ đẻ” như chú Ba Hạnh, chú Hai Tạo cho biết trước năm 2000 vùng này chống chọi với lũ gian khổ lắm.

Mùa lũ nước tràn đường đi, cả xóm phải xắn tay chất bao ngăn nước. Và từ năm đó, đê bao được nâng cấp cao ráo, vững chắc và nay đã thành con đường nhựa phẳng lì, xe máy chạy vù vù.

Hơn chục năm “đóng cống” sản xuất, “năm nay thông báo cho bà con xả lũ, vì từ hồi đê bao khép kín tới giờ, chưa hề xả lũ. Nhưng mực nước thấp quá, không lên đồng nổi”- một cán bộ nông nghiệp xã Long Thuận nói thực tế.

Đó cũng là “tình cảnh” của rất nhiều cánh đồng ở Đồng Tháp Mười “muốn xả lũ”, nhưng “nước thấp tè, không lên ruộng nổi” trong năm này.

Và từ đó, hệ quả là xâm nhập mặn xuất hiện sớm và sâu, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và nông nghiệp kéo dài đến tháng 6/2016 và khả năng El Nino sẽ kết thúc. Nhưng dự báo “khả năng sẽ chuyển sang La Nina. Khi đó, ĐBSCL sẽ phải đối diện mưa lũ nghiêm trọng”.

Đứng trước mối đe dọa nguồn nước

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, diễn biến nguồn nước lũ về ĐBSCL những năm gần đây cho thấy có thay đổi rất lớn, dòng chảy mùa lũ ở các đập thủy điện Trung Quốc chảy xuống hạ lưu còn thấp hơn so với dòng chảy mùa khô. Đường đỉnh lũ các năm gần đây cũng có những thay đổi khác thường: năm 2014 đỉnh lũ lớn xuất hiện trước đỉnh lũ nhỏ, trái với quy luật đã thấy. Lũ được xem là xuất hiện muộn hơn cả nửa tháng so trước đây và thời gian lũ nhỏ mà ngắn lại, đặc biệt các năm 2013, 2015.

Các số liệu cũng cho thấy, mực nước và dòng chảy sông Mekong bắt đầu giảm từ năm 2000. Đó cũng là thời điểm các nước bắt đầu xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng Mekong.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, hiện nay trên thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã xây dựng và hoàn thành 6 công trình thủy điện. Các công trình này đã đi vào vận hành từ năm 2010 và năm 2013, đã gây tác động đáng kể lên cả chế độ dòng chảy và chế độ phù sa bùn cát về phía hạ du.

Trước khi có 6 đập này, tổng lượng phù sa tới vùng hạ lưu vực sông Mekong khoảng 85 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tới nay, theo tính toán tổng lượng phù sa đã sụt giảm mạnh, chỉ còn 10,4 triệu tấn/năm (giảm 78%). Phù sa lơ lửng về ĐBSCL chủ yếu từ các sông nhánh của Lào, vùng trung lưu vực Mekong và vùng 3S (Sê Kông, Sê San và Srê Pôk).

Do vậy, TS. Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) đặt vấn đề: “Không chỉ là câu chuyện nước ngọt, mà phải bàn đến phù sa”. Việc gia tăng khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia thượng nguồn gây suy giảm nghiêm trọng dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, hệ sinh thái thủy sinh đến đồng bằng.

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy: Trước nay hạ nguồn sông Mekong có được 3 túi nước để cân bằng một phần sinh thái.

Đó là hồ Tonle Sap (Campuchia) và khu vực Đồng Tháp Mười (khoảng 700.000ha), tứ giác Long Xuyên (590.000ha). Hàng năm khi lũ thượng nguồn về, 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL: mùa lũ thì cất giữ làm lũ hiền hòa, từ từ nhả nước ra bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn.

Chính vì thế, cần phải xem xét lại việc đắp đê bao, sản xuất lúa vụ 3 ở khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên.

Các nhà khoa học nhấn mạnh, ĐBSCL nên chọn các giải pháp đầu tư “không/ít hối tiếc” và “ưu tiên” cho ngắn hạn (2020), trung hạn (2050) để cho phép thích ứng trong sử dụng đất và nước bền vững. Đồng thời, linh hoạt trong cơ cấu quản lý tài nguyên nước và các đặc trưng thủy văn nhằm phát triển thích ứng kinh tế- xã hội.

 

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước), cũng đưa ra cảnh báo: Lượng trầm tích ước tính sẽ bị các đập Trung Quốc giữ lại khoảng từ 1/3 đến 1/2 tổng lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ Mekong.

 

Các đập thủy điện giữ lại trầm tích trong hồ, gây nên thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông, cửa biển và đường bờ biển. Sự sạt lở nghiêm trọng đê biển ở Gành Hào, đường phòng hộ ven biển ở Bạc Liêu đầu năm 2016 là một minh họa cụ thể của tác động kéo lên đồng bằng từ biến đổi khí hậu và từ khai thác nguồn nước ở thượng nguồn.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC