Thay "áo" cho tranh

Cập nhật, 15:42, Thứ Bảy, 25/06/2016 (GMT+7)

Từ lâu, những bức tranh bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột mầu... đã quen thuộc trong con mắt thưởng lãm của công chúng.

Bên cạnh đó, nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm của một số họa sĩ ở những chất liệu mới lạ góp phần hình thành một xu hướng mỹ thuật độc đáo, mang tính ứng dụng trong cuộc sống.

Họa sĩ Trần Thanh Thục thực hiện tranh cắt vải.
Họa sĩ Trần Thanh Thục thực hiện tranh cắt vải.

"Phù phép" vải thành tranh

Đến với triển lãm “Đồng dao mùa hạ” diễn ra những ngày cuối tháng 5 vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), những người yêu hội họa không khỏi ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng gần 30 bức tranh cắt vải độc đáo của họa sĩ Trần Thanh Thục.

Từ Tuyết Sa Pa, Chiều thu Hà Nội, Vườn khuya cho tới Đầm phá Tam Giang, Đêm Hội An... đều được vẽ bởi ánh mắt trìu mến và trái tim lạc quan, yêu đời của nữ họa sĩ quê gốc thành Nam.

Bức nào cũng khiến người xem như bị níu lại bởi càng tới gần, quan sát kỹ, càng thấy sự tinh tế, khéo léo của tác giả. Không đơn thuần là cắt vải rồi dán lên một mặt phẳng theo hình vẽ có sẵn, họa sĩ Thanh Thục đã đưa nghệ thuật tạo hình vào những bức tranh vải trường cảnh với độ sâu của cảnh sắc, không gian.

Ấy là những bóng nắng li ti hắt qua giậu hoa, bóng Tháp Rùa đổ xuống mặt Hồ Gươm, những làn sóng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời...

Từng chi tiết sống động đến khó tả. Họa sĩ Thanh Thục cho biết, cái khó của làm tranh cắt vải là không thể vẽ phác thảo từ đầu như sáng tác những loại tranh khác.

Do đó, từ khi lên ý tưởng tới khi thành hình tác phẩm là cả chặng đường gian nan, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, cẩn trọng với nhiều lần nâng lên, đặt xuống để ướm, thử vải. Mỗi bức cần tới hàng trăm tấm để tạo hình, cho nên dù chuyên tâm cũng mất hai, ba tháng mới có thể hoàn thiện.

Ấy là chưa kể, có những bức đang thực hiện lại không tìm được họa tiết phù hợp phải kéo dài tới vài năm. Thế nên, với nữ họa sĩ sinh năm 1960 này, khâu phức tạp nhất để làm tranh cắt vải chính là đi tìm nguyên liệu.

Choán hết không gian căn phòng nhỏ được họa sĩ Thanh Thục sử dụng làm xưởng sản xuất là những “núi” vải nhiều thể loại, cũng là kho nguyên liệu bà đã dành 30 năm cuộc đời để sưu tầm, tìm kiếm.

Đi bất cứ đâu, từ Đồng Văn, Mèo Vạc tới Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP Hồ Chí Minh..., nơi đầu tiên bà tìm đến bao giờ cũng là chợ vải.

Biết đam mê của bà nên bạn bè thân thiết tiện đi chơi, công tác trong, ngoài nước bắt gặp những họa tiết vải đẹp, liền mua hộ. Bà chia sẻ, cái thú của làm tranh cắt vải là người và vải nhiều khi phải nương vào nhau để sáng tạo.

Có lúc, tác giả lên ý tưởng ban đầu rồi đi tìm nguyên liệu phù hợp. Nhưng có lúc, chính họa tiết vải lại gợi ý tưởng cho tác giả.

Họa sĩ Thanh Thục gắn bó với tranh cắt vải như một cơ duyên. Theo học mỹ thuật từ nhỏ, bà từng sáng tác cả tranh sơn dầu, màu nước, màu bột.

Chỉ tới khi đến chơi nhà cô bạn thợ may, trong lúc buồn tay lấy kéo cắt những mảnh vải vụn ghép thành tranh phố, bà mới nhận ra hiệu ứng bất ngờ từ vải và hình thành đam mê.

Được sự hưởng ứng, động viên của gia đình và bè bạn, bà bắt đầu mày mò để có những tác phẩm đầu tiên. Những bức tranh cắt vải của bà luôn bảo đảm mầu sắc nguyên bản của vải.

Thanh Thục không bao giờ tô, vẽ, nhuộm vải để tranh luôn giữ được độ trong. Sự biến hóa mầu sắc tài tình trên mỗi bức tranh là cả một quá trình đúc rút kỹ năng chồng, xếp, phối các loại vải khác nhau.

Phần lớn những chi tiết đẹp, lạ trong tranh được bà lấy từ vải áo dài, bởi chúng thường tinh tế và có mầu sắc đặc biệt hơn hẳn những loại vải khác.

Có nhiều tấm giá hàng triệu đồng được bà mua chỉ vì một họa tiết lạ. Mỗi bức tranh cắt vải chi phí nguyên liệu không nhỏ, lại cộng thêm độ tỉ mỉ, kỳ công khi thực hiện cho nên giá thành lên tới vài nghìn USD. Dù vậy, chúng vẫn luôn thu hút sự quan tâm của người yêu tranh, nhất là khách nước ngoài.

Hơn 30 năm làm nghề với hàng trăm tác phẩm, bà có nhiều bức tranh thiên nhiên, làng quê Việt Nam đã theo chân du khách đến nhiều nơi trên thế giới, dù nữ họa sĩ không quảng cáo qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào.

Mong muốn được trao truyền kỹ thuật làm tranh cắt vải cho những người trẻ tuổi tiếp tục phát huy, họa sĩ Thanh Thục đang hướng dẫn cho một số bạn trẻ có năng khiếu, chủ yếu là sinh viên mỹ thuật.

Đa dạng trong thể nghiệm

Một tín hiệu vui cho mỹ thuật Việt Nam là những ứng dụng chất liệu mới cho tranh đang được khá nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật quan tâm. Những ai biết tới nghệ thuật vẽ trên thủy tinh, chắc hẳn sẽ nhớ cái tên Đỗ Tuấn Khôi, chàng họa sĩ 8X đã tạo ra thương hiệu riêng artkglass.com.

Tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng và thiết kế đồ họa, chàng trai sinh năm 1988 đến từ Khánh Hòa “đầu quân” cho một công ty bất động sản ở vị trí thiết kế. Song, sau một lần tình cờ tiếp cận với các tác phẩm được tạo hình trên kính, thủy tinh ở một số nước châu Âu, Khôi bị thu hút ngay.

Cậu quyết định nghỉ việc, dành thời gian tìm hiểu các thông tin liên quan. Khi đó, loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam chưa được nhắc tới, Khôi phải tự mày mò lấy các thông tin nước ngoài trên in-tơ-nét để thực hành những tác phẩm đầu tiên.

Ban đầu, Khôi chỉ làm tặng bạn bè, nhưng sau đó được ủng hộ nhiệt tình nên quyết định kinh doanh qua mạng. Phải mất vài năm Khôi mới có thể thành thạo với các nét vẽ trên thủy tinh bởi bề mặt vẽ cứng, lại không bằng phẳng như giấy, nếu không khéo, hình ảnh sẽ khó sinh động.

Hơn nữa, thủy tinh rất trong, nếu không tinh tế, lỗi trên hình vẽ dễ bị phát hiện.

Thời gian đầu, Khôi phải nhập mầu vẽ từ nước ngoài với giá khá cao. Nhưng qua một thời gian tìm tòi nghiên cứu, anh đã tự tìm ra công thức để pha mầu vẽ trên thủy tinh.

Tuấn Khôi cũng là người tiên phong giúp phong trào vẽ chibi (vẽ cách điệu nhân vật theo phong cách hoạt hình) trên thủy tinh được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Hiện, bên cạnh các sản phẩm vẽ thủy tinh thủ công như trên cốc, bình, lọ hoa..., Khôi phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm vẽ trên các chất liệu kính, gốm, sứ như tranh kính, đèn chân nến, đèn ngủ... và cung cấp mầu, nguyên liệu vẽ trên các chất liệu này.

Các sản phẩm của Artkglass đang ngày càng được công chúng, nhất là các bạn trẻ biết đến. Khôi cũng bắt đầu có những đơn đặt hàng từ nước ngoài như Mỹ, Ô-xtrây-li-a... cho những sản phẩm lưu niệm. Có thời điểm, Khôi phải làm 4.000 bình vẽ thủy tinh để chuyển sang Mỹ.

Thị trường tiêu thụ rộng mở của những sản phẩm này đã giúp Khôi tạo việc làm thời vụ cho nhiều sinh viên đang theo học tại các trường mỹ thuật, mùa cao điểm lên tới vài chục người.

Họa sĩ trẻ này đang kết hợp một số nhà khách, cửa hàng trang trí nội thất tại TP Hồ Chí Minh để đưa sản phẩm của mình lưu hành rộng rãi hơn.

Ở TP Hồ Chí Minh, Phương Chi Art cũng là địa chỉ quen thuộc với những người say mê tranh hoa đất sét. Đến đây, ngỡ như được bước vào khu vườn đầy mầu sắc với vô vàn tranh hoa, và bất ngờ là bất kỳ loài hoa nào từ hồng, cúc, lan tới hướng dương... cũng đều nở ra từ đất sét.

Càng ngạc nhiên khi chủ nhân của những bức tranh hoa là cô gái trẻ sinh năm 1986 vốn hành nghề luật sư. Trần Phương Chi tâm sự, cô học luật nhưng yêu hội họa nên học vẽ từ những ngày còn ngồi ghế nhà trường. Đến khi tìm hiểu về nghệ thuật làm hoa đất Nhật Bản, cô thật sự say mê.

Yêu hoa, lại yêu tranh, cô nảy ra ý định làm tranh hoa bằng chất liệu này. Sau hơn một năm mày mò, thực hành, những bức tranh hoa mang thương hiệu Phương Chi Art đã ra đời.

Cũng làm bằng chất liệu đất sét nhưng tranh hoa của cô mang đến những cảm xúc mỹ thuật khác hẳn, bởi bức tranh không chỉ đơn thuần có hoa, chúng được phối một cách tinh tế trên những nền tranh, mang đến cảm giác tươi tắn, sống động.

Phương Chi cho biết, thực hiện mỗi bức phải mất từ một tuần đến một tháng, qua các công đoạn: lên ý tưởng, vẽ nền tranh, trộn mầu vào đất sét, và khó nhất là se nhụy hoa, nặn cánh hoa, lá, cành. Sau khi đất sét khô, người sáng tạo có thể tiếp tục tô màu cho hoa bắt mắt hơn rồi phối vào nền tranh.

Để tranh có chiều sâu, Phương Chi thường tạo thêm những họa tiết tranh bằng mầu sơn dầu như chú chim non, dải nắng vàng...

Theo cô chủ nhỏ của shop tranh hoa, công việc này không chỉ đòi hỏi tỉ mỉ, khéo tay, mà quan trọng nhất là sự hiểu biết kỹ về hoa, bởi từng chi tiết nhỏ nhất như phấn hoa, nhụy hoa, dây lá cũng phải được tạo hình một cách thật nhất mới tạo được sự chân thực.

Những bức tranh hoa của Phương Chi tùy theo kích cỡ, có giá từ vài triệu tới vài chục triệu đồng và đang dần trở thành lựa chọn của nhiều du khách và người tiêu dùng... Hiện cô gái trẻ cũng đang nghiên cứu cách làm tranh đắp nổi về các thành phố trên chất liệu đất sét.

Cùng với Tuấn Khôi, Phương Chi, còn nhiều gương mặt trẻ khác đã và đang có những tìm tòi, ứng dụng sáng tác tranh trên những chất liệu phi truyền thống, như: cát, cánh bướm, rơm rạ; thậm chí bằng những chất liệu khó tưởng tượng tới như: lửa, gạo, cà-phê, tàn thuốc...

Trong số đó, có những người đã thành công bước đầu, có những người còn tiếp tục thử nghiệm. Niềm say mê và sự dấn thân để kiếm tìm những chất liệu mới làm đa dạng hóa phương thức thể hiện của hội họa nước nhà là điều đáng trân trọng.

Theo Nhân dân