Gặp lại người tường thuật chiến thắng 30/4 ở Sài Gòn

Cập nhật, 08:21, Thứ Ba, 03/05/2016 (GMT+7)

Chưa bao giờ tôi mất niềm tin và khát vọng, ngay cả những ngày tháng vướng vào vòng lao lý.

“Chưa bao giờ tôi mất niềm tin và khát vọng, ngay cả những ngày tháng vướng vào vòng lao lý. Với tôi, cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước... Chấp nhận, buông xuôi thì chính thời gian sẽ hủy diệt mình, tai họa sẽ chôn vùi mình…”, cựu nhà báo Trần Mai Hạnh đã chia sẻ như vậy trong buổi gặp gỡ tại Hà Nội vào một sáng tháng 4.

Biến tai họa thành năng lượng để sống mãnh liệt

Hơn 40 năm đã qua kể từ khi Trần Mai Hạnh có mặt tại Dinh Độc Lập viết bài tường thuật đầu tiên về chiến thắng 30/4/1975, cuộc đời ông đã trải qua bao thăng trầm sóng gió. Đang lúc ở đỉnh cao sự nghiệp thì tai họa nghề nghiệp ập tới, Trần Mai Hạnh bị đẩy vào vòng lao lý với bao hệ lụy... Thế nhưng, gặp lại ông hôm nay, dường như tai họa, biến cố đã không còn lưu dấu.


Ông bảo, cuộc sống của mình trước và sau biến cố vẫn thế: Một nhà báo, nhà văn lao động miệt mài với biết bao khát khao, dự định. Mặc dù mất hết các chức vụ - thành quả của cả một đời lao động cống hiến, nhưng như ông nói, còn may vì vẫn còn trí tuệ và cây bút. Những bài báo, tác phẩm văn chương ký tên và bút danh Trần Nhật Thi của ông vẫn đều đặn ra mắt.

Đặc phái viên Việt Nam Thông tấn xã Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp TTXGP trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975
Đặc phái viên Việt Nam Thông tấn xã Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp TTXGP trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975

“Có lẽ không ai ngờ tôi có thể đón nhận tai họa, trải qua và vượt lên một cách điềm tĩnh đến thế. Bởi lẽ, ngay từ đầu khi vụ việc xảy ra, tôi đã biết bản chất của nó là gì? Mình sẽ bị xô đẩy tới đâu? Vì vậy, chưa bao giờ tôi mất niềm tin và khát vọng, ngay cả những ngày tháng vướng vào vòng lao lý. Nếu buông xuôi thì chính thời gian sẽ hủy diệt mình, tai họa sẽ chôn vùi mình…”, Trần Mai Hạnh mở đầu câu chuyện cuộc đời mình...

Nói về luồng dư luận một thời đã làm ông khốn đốn, Trần Mai Hạnh khẳng định, ông không sống bằng dư luận, và cũng không chờ đợi lời xin lỗi từ những người đã cố tình vu khống, thông tin bịa đặt đủ điều về mình. Khi cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đang diễn ra, Trần Mai Hạnh cho biết trong ông vẫn còn rất nhiều dự định, công việc phải làm, chỉ sợ thời gian không còn nhiều…

“Cuộc đời này phải biết tiêu hóa được cả thành công và thất bại, cả những sung sướng lẫn đắng cay. Nếu cứ khư khư ôm lấy hận thù và sự oán trách, tự nuối tiếc dằn vặt mình thì chẳng khác nào tự sát. Phải biết biến tai họa thành năng lượng sống để mãnh liệt bước tiếp trong cuộc đời này. Tôi tự thấy mình là người hạnh phúc khi đã làm được điều ấy, tới giờ phút này…”, ông Trần Mai Hạnh chia sẻ.

Vượt qua ngang trái nhờ niềm tin vào lý tưởng và con đường đã chọn

Trần Mai Hạnh tâm sự, trong chiến tranh, còn sống, được chứng kiến và lưu dấu cùng với giờ phút lịch sử trọng đại của đất nước là điều cực kỳ may mắn:

“Được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập là giá đỡ vô hình cho tôi vượt qua những thử thách ngang trái sau này. Nó mang lại cho tôi niềm tin không gì lay chuyển về lý tưởng và con đường mình đã chọn, để tiếp tục sống, lao động và cống hiến trong cuộc đời này”.

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965, Trần Mai Hạnh không chọn nghề báo mà chính thời cuộc và nghề báo đã chọn ông. Suốt 10 năm giai đoạn 1965 - 1975 ông làm phóng viên chiến tranh cho Việt Nam Thông tấn xã tại các mặt trận ở cả miền Bắc và miền Nam.

Đầu năm 1975, ông được chọn cử vào đoàn công tác đặc biệt do đích thân nhà báo Đào Tùng, khi đó là Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã, làm Trưởng đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bám sát các binh đoàn chủ lực, đoàn phóng viên đã tiến vào hầu hết các thành phố, thị xã vừa được giải phóng tức thì suốt từ Huế tới Sài Gòn.

Sáng sớm 29/4/1975, từ cửa rừng Tây Ninh, Trần Mai Hạnh và phóng viên ảnh Văn Bảo được lệnh tiến về Sài Gòn trên chiếc Honda 90 phân khối mới tinh do Tổng biên tập Đào Tùng ký giấy bảo lãnh mượn tiền của T.Ư Cục Miền Nam để mua.

Với chiếc honda mở hết tốc lực, vượt lên dòng thác người và xe cộ nườm nượp trên đường, khoảng 11h45 trưa 30/4/1975, Trần Mai Hạnh tới được Dinh Độc Lập cũng là lúc lá cờ của quân giải phóng được kéo lên cột cờ cao nhất trên nóc Dinh Độc Lập.

“Tôi không phải là phóng viên đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Một vài phóng viên đi theo Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước chúng tôi ít phút, các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử.

Tôi tập trung tìm hiểu những dữ liệu không thể thiếu của bài tường thuật rồi ra ngay Cảng Sài Gòn. Trên bến cảng, bà con cầm cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và giơ cao ảnh Bác Hồ ùa ra đón đoàn quân giải phóng tiến vào.

Ngay sau đấy, khi đặt bút viết bài tường thuật, khung cảnh huy hoàng của Bến cảng Sài Gòn bỗng hiện trước mắt đã khiến tâm trí tôi hiện lên dòng chữ “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”.

Và tôi đã dùng những dòng chữ đầu tiên ấy làm tựa đề bài tường thuật”, ông Trần Mai Hạnh kể lại.

Ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng, nảy sinh ý định về cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, Trần Mai Hạnh đã cố gắng ghi chép, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến từ phía bên kia.

Ông mong muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng hòa. Ngày 1/5/1975, Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã cấp “Giấy công tác đặc biệt” cho ông.

Đây có lẽ là chiếc Thẻ nhà báo đầu tiên chính quyền Cách mạng cấp. Cùng với chiếc máy chữ xách tay, Trần Mai Hạnh cần mẫn gõ lại từng bản báo cáo tường trình, từng bức điện tác chiến, từng biên bản của Hội đồng An ninh quốc gia... mà ta thu được tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn để chuẩn bị tư liệu cho cuốn tiểu thuyết để đời.

Ngày tháng 4 định mệnh

Sau 30/4/1975, với cương vị nhà báo, rồi Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Trần Mai Hạnh đã có tới cả trăm chuyến công tác vào Sài Gòn.
Tuy nhiên, có hai chuyến đi được ông xem là định mệnh của đời mình. Đáng nói, cả hai chuyến đi này đều rơi vào tháng 4: Đó là, tháng 4/1975 ông theo các đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và tháng 4 sau đó gần 30 năm (tháng 4/2003), ông đến phiên tòa xét xử mình.

Nhà báo Trần Mai Hạnh.
Nhà báo Trần Mai Hạnh.

Thời điểm này cũng là lúc Trần Mai Hạnh đang hoàn thành chương cuối cùng cuốn tiểu thuyết để nộp cho nhà xuất bản. Mọi chuyện đành gác lại. Nhiều lúc ông muốn buông bỏ, thậm chí muốn đốt những gì đã viết vì không sao có được tâm trạng và hứng thú để tiếp tục.

Mãi 10 năm sau (2012), được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khích lệ, ông mới dỡ tác phẩm ra, viết lại dưới ánh sáng mới của tình hình, với một cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, tuyệt đối tôn trọng sự thật, không thiên kiến, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia. Có lẽ đấy chính là nguyên nhân căn cốt đã làm nên thành công của cuốn tiểu thuyết.

Ngay sau khi ra mắt, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá là “viên kim cương của văn học tư liệu”.

Với riêng Trần Mai Hạnh, ông tự nhủ, cuốn tiểu thuyết được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật thẩm định và xuất bản, đã thực sự là phần thưởng vô giá mà cuộc đời giành cho ông, hơn tất cả những gì oan trái mà ông đã từng phải gánh chịu.

“Với cuộc đời, tôi nghĩ, không ai có được toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong tổng hòa giữa những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, thảm họa đã đến với mình, để tiếp tục cất bước. Cái gì cũng có giá của nó cả”, Trần Mai Hạnh tâm sự./.

Ông Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. 

Năm 2003, ông Hạnh bị buộc tội nhận hối lộ, phải lĩnh án 10 năm tù. Sau 2 năm thụ án, Hội đồng đặc xá Trung ương quyết định đặc xá cho ông bởi tuổi cao, đã có đóng góp cho cách mạng, được tặng thưởng nhiều huân huy chương.

Theo Báo Giao thông