Đi dọc cung đường ven biển Việt Nam

Cập nhật, 13:43, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

Không phải vì ở giữa đồng bằng “hổng có biển” hễ gặp biển thì không kiềm chế được cảm xúc “biển kia, biển kìa”, mà bởi vì “biển đẹp thiệt biển ơi”, đẹp đến… nín thở! Sao còn chần chừ gì nữa mà không cùng chúng tôi “nào mời em lên tàu lửa (hoặc xe đò) chúng mình đi”… dọc cung đường ven biển của đất nước Việt Nam xinh tươi giữa trời xuân nắng vàng tươi rực rỡ.

Cung đường biển đẹp nhất Việt Nam

Dẫu bạn có thể gà gật ngủ suốt tuyến đường dài, nhưng sẽ phải bừng tỉnh khi gặp biển Bình Thuận và “mở mắt” suốt tuyến đường ven biển từ Ninh Thuận, Khánh Hòa đến Phú Yên, Bình Định, được nhiều người yêu mến “bầu chọn” là cung đường biển đẹp nhất Việt Nam. Từ những bãi biển không tên tuyệt đẹp dọc đường cho đến các ghềnh, vịnh nổi tiếng và các bãi tắm giữa phố biển... đều mang vẻ quyến rũ riêng khiến ai cũng “chết mê”.

Những “góc chụp” tuyệt đẹp cung đường ven biển từ xe đò, tàu lửa.
Những “góc chụp” tuyệt đẹp cung đường ven biển từ xe đò, tàu lửa.

 

Tới Bình Thuận rồi. Cách TP Vĩnh Long hơn 280km, vùng biển của Mũi Né, Phan Thiết với những bãi biển đầy mê hoặc, hoang sơ cùng hàng dừa thẳng tắp trên những bãi cát sa mạc mênh mông. Mê hoặc đến nỗi Phan Thiết thu hút trên 70% lượng resort Việt Nam nhờ đường bờ biển dài và ấn tượng. Bạn có thể dừng xe, lần lượt khám phá vẻ đẹp của thị xã biển Lagi, đón ánh bình minh trên mũi Kê Gà ở Hàm Thuận Nam...

Xe qua Ninh Thuận, đón chúng tôi là những ruộng nho, đàn cừu. Nếu biển Bình Thuận mang nét đẹp mạnh mẽ và rạng rỡ, thì Ninh Thuận với thủ phủ TP Phan Rang- Tháp Chàm là vùng đất “bí ẩn” bậc nhất. Và bạn có thể tự mình “giải mã” một phần khi ghé thăm các di tích kiến trúc cổ làng Chăm, tháp Chàm, làng gốm Bàu Trúc “ấm bàn tay con người” cổ nhất Đông Nam Á,…

Đi dọc những bãi biển cát vàng yên tĩnh hiền hòa, chúng tôi xuống tàu đáy kính ngắm san hô trên vịnh Vĩnh Hy. Rồi tiếp tục hành trình trên cung đường biển mới khánh thành năm 2013 Vĩnh Hy- Bình Tiên, nối Ninh Thuận- Khánh Hòa và thật sự bị cuốn hút. Cung đường với vô vàn bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp, từ bãi Chà Là, suối Nước Ngọt, bãi Rạng, bãi Nước Đỏ, bãi Kinh, bãi Chuồi...

Khánh Hòa, TP biển Nha Trang đã quá quen thuộc với bãi tắm hình cánh cung, bãi biển Trần Phú trải dài như ôm trọn thành phố biển. Ở đây, hãy tận hưởng cảm giác thả mình trong dòng nước biển xanh ngắt sóng nhấp nhô trên bãi cát mịn màng trước khi tiếp tục hành trình…

Cung đường ven biển đưa tới những bãi biển hoang sơ, những vùng đất đậm bản sắc văn hóa đặc trưng.
Cung đường ven biển đưa tới những bãi biển hoang sơ, những vùng đất đậm bản sắc văn hóa đặc trưng.

Trên đường đi, dễ dàng nhìn thấy những bãi biển hoang sơ gần vịnh Cam Ranh và đặc biệt khu vực vịnh Vân Phong với những địa danh mũi Đôi, biển Đại Lãnh dưới chân đèo Cổ Mã... Có một câu chuyện thú vị về điểm cực Đông Tổ quốc trên đất liền: người Khánh Hòa nhất định “giành” vị trí số 1 cho mũi Đôi; người Phú Yên không chịu thua, từ tờ mờ 3- 4 giờ sáng đánh thức chúng tôi dậy vượt vài chục cây số từ TP Tuy Hòa qua Bãi Môn đến mũi Đại Lãnh (hay mũi Điện) đón ánh mặt trời sớm nhất Việt Nam. Và để “dĩ hòa” đành nói rằng mũi Đôi và mũi Điện là 2 điểm ngắm bình minh sớm nhất, tuyệt vời nhất chúng tôi từng trải nghiệm.

Vùng đất Phú Yên trở nên nổi tiếng hơn nhờ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, người xem ngỡ ngàng về khung cảnh quá đỗi đẹp và thanh bình. Phú Yên vốn thật tuyệt đẹp với hệ thống vịnh, vũng như vịnh Xuân Đài, Vũng Rô và chúng tôi cũng đã có dịp đặt chân lên Gành Đá Dĩa- kiệt tác tạo hóa, mà rất hiếm nơi trên thế giới có chứng tích phun trào dung nham núi lửa xuống biển…

Còn Bình Định lại mang một hình ảnh thơ mộng, trữ tình, hoang sơ và trong lành của biển. Từ bãi tắm trung tâm TP Quy Nhơn được miêu tả “cong như vầng trăng khuyết”, đến bãi tắm Hoàng Hậu (bãi Trứng) khu Ghềnh Ráng- Tiên Sa hay những bãi tắm xa trung tâm như Bãi Xép, bán đảo Phương Mai với biển Nhơn Lý... đều mang vẻ đẹp hoàn hảo. 

Đón bình minh trên mũi Đại Lãnh.
Đón bình minh trên mũi Đại Lãnh.

Nhưng chúng tôi lại được đồng nghiệp Đài PT-TH Bình Định vượt biển qua cầu Thị Nại- cây cầu vượt biển dài nhất Đông Dương, để đến Eo Gió. Nhìn phong cảnh hữu tình của trời, mây, biển, núi ôm ấp đầy quyến rũ mà tưởng tượng phải chăng ngày xưa nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng rao: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho…” ở nơi này?

“Tản bộ” trên vịnh Hạ Long

Du ngoạn trên vịnh Hạ Long không biết du thuyền chạy chậm hay giữa hàng ngàn hòn đảo bao quanh làm mất cảm giác “chạy”, mà chúng tôi tưởng như đang “tản bộ”. Lần đầu tiên đặt chân đến đây thật sự kinh ngạc trước vẻ đẹp kỳ vĩ, đảo nối tiếp đảo muôn hình vạn trạng, lung linh huyền ảo giữa biển khơi.

“Tản bộ” trên vịnh Hạ Long.
“Tản bộ” trên vịnh Hạ Long.

Du thuyền đưa chúng tôi đi trên vịnh, xuôi theo dòng biển sóng gợn nhấp nhô, thỉnh thoảng bên mạn thuyền vài đàn cá bay lên như vẫy chào. Động Thiên Cung là một trong số đó chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng “cận cảnh” một vẻ đẹp huyền ảo, mà mỗi thạch nhũ, mỗi cột đá đều có những hình thù kỳ lạ gắn liền những truyền thuyết làm mê mẩn du khách.

Truyện kể rằng: “Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai rồng mẹ mang theo đàn rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn rồng cũng hạ giới, phun ra vô số châu ngọc biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi, ngăn bước quân giặc.

Thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn lại đột ngột đâm vào các đảo đá vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, rồng mẹ và rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi rồng con xuống là Bái Tử Long, đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ (tức bán đảo Trà Cổ ngày nay)”.

Câu chuyện dân gian gắn liền với quan niệm về nguồn gốc của dân tộc Việt là “Con Rồng, cháu Tiên”. Rồng, Tiên chính là sức mạnh truyền thống của dân tộc đã được biểu tượng hóa và ngày nay, nhiều đảo núi trong vịnh Hạ Long vẫn mang tên Rồng như: Đầu Rồng, Mắt Rồng, Hòn Rồng, Cái Rồng, ngoài xa có đảo Long Châu, đảo Bạch Long Vĩ.

Vịnh Hạ Long là nơi rồng đáp xuống với 1.969 hòn đảo, đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ở đó còn rất nhiều giá trị để khám phá và một thuyền trưởng đã nói với chúng tôi: “Muốn đi hết vịnh Hạ Long phải mất ít nhất 2 ngày”.

Đường ven biển đang đẹp lên từng ngày

 Khám phá miền ẩm thực biển độc đáo trên cung đường ven biển.
Khám phá miền ẩm thực biển độc đáo trên cung đường ven biển.

Chúng tôi đã trở lại cung đường ven biển với dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đang dần hình thành từ Bắc vào Nam. Hiện tại, đã hình thành các quốc lộ dọc ven biển và một số địa phương, một số khu kinh tế biển đã xây dựng hoặc lập quy hoạch các tuyến đường ven biển.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam, bắt đầu tại cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc (xã Bình Ngọc, TP Móng Cái- Quảng Ninh) tới cửa khẩu Hà Tiên (TX Hà Tiên- Kiên Giang) với chiều dài khoảng 3.041km.

Được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường hiện có kết hợp với việc đầu tư xây dựng mới. Đây là tuyến đường bộ đi sát biển nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng- an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. 

Vào tháng 11/2015, tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh- thành từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã “rục rịch” triển khai.

Và chắc chắn, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc có một chuyến đi đầy hứng khởi dọc cung đường ven biển xuyên Việt trong một ngày không xa.

BÀI, ẢNH: LAN THƯƠNG