Bản hùng ca trên biển

Kỳ 1: Cuộc "trùng phùng" đầy nước mắt ở... Gạc Ma

Cập nhật, 11:04, Thứ Ba, 11/08/2015 (GMT+7)

Cô gái òa khóc, thét vang vào lòng biển: “Bố Thông ơi, con ra thăm bố đây”. Cả đoàn công tác nín lặng, không gian trầm mặc. Cánh mũi tôi bỗng thấy cay nồng…

Cuộc “trùng phùng” sau hơn 25 năm của người con gái tại nơi cha mình- Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông hy sinh, chỉ có nước mắt và những đóa hoa đăng thả xuống lòng biển Gạc Ma...

Nữ Thượng tá Trần Thị Thu Hà- con gái Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 trong chuyến công tác ra Trường Sa.
Nữ Thượng tá Trần Thị Thu Hà- con gái Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 trong chuyến công tác ra Trường Sa.

Vị khách đặc biệt

Chuyến tàu Hải quân mang số hiệu HQ-561 thuộc quân chủng Hải quân Vùng D lên đường đến vùng biển đảo lịch sử Len Đao- Gạc Ma- Cô Lin, quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào một buổi sáng đẹp trời. Có một vị khách đặc biệt làm tôi chú ý ngay từ khi vừa bước lên boong tàu. Đó là nữ Thượng úy Trần Thị Thu Hà- Phòng Hậu Cần- Công an tỉnh Hà Nam. Từ vùng biển Cô Lin, chị cứ hướng về phía đảo Gạc Ma với đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Tôi tiến đến bên chị, khẽ khàng hỏi chuyện. Chị bảo, “lần đầu tiên được đến Trường Sa nhưng sao biển này, đảo này, đâu đâu cũng có hình ảnh thân quen”. Rồi chị thổ lộ: “Đó là vì mình có quá nhiều ký ức về bố. Bố đã sống, chiến đấu và hy sinh vì vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc Việt Nam…” Hà lại sụt sùi, nấc nghẹn khi kể về bố- người chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng. Bao nhiêu ký ức của hơn 25 năm trước ập về.

Chị Hà hét lớn vào lòng biển: “Bố Thông ơi, con được ra thăm bố rồi đây”.
Chị Hà hét lớn vào lòng biển: “Bố Thông ơi, con được ra thăm bố rồi đây”.

Trên chuyến tàu ra thăm và làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa của đoàn công tác số 4 chỉ có Hà là thân nhân của liệt sĩ Gạc Ma. Hà sinh năm 1971, bố chị- Trung tá, Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông, Tham mưu Trưởng Lữ đoàn 146, vùng D Hải quân- hy sinh năm 1988 khi ông mới 44 tuổi. Năm đó Hà 17 tuổi, nhưng mãi đến hơn 25 năm sau chị mới đến được quần đảo Trường Sa. Chị nói, 25 năm không phải quá dài, nhưng không phải là ngắn. Nhất là đối với Hà, niềm mong ước được đến Trường Sa, được đến nơi người cha đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và mãi mãi nằm lại dưới lòng biển lạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cứ lớn thêm và dài theo năm tháng. “Bởi vậy, được đến Trường Sa, mình lại có cùng lúc 2 “suất”. Một suất là do Bộ Tư lệnh Hải quân dành cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma, còn một suất mình đi theo đoàn công tác của Công an tỉnh Hà Nam. Cho nên, danh sách đoàn công tác số 4 ra thăm Trường Sa lần này có đến 181 người, trong đó có 2 tên Trần Thị Thu Hà”.

Hôm ghé xã đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chị Hà đã dành hầu hết thời gian để đi thăm khắp đảo. Mỗi nơi ghé qua, chị đều tranh thủ trò chuyện với các chiến sĩ Hải quân. “Nhìn thấy các chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, mình nhớ bố quá, hình ảnh bố ập về chiếm hết đầu óc mình rồi. Ở nơi đảo xa này, dù mới lần đầu đặt chân đến nhưng sao mình cảm giác như thân quen và thân thương lắm vậy. Trường Sa bây giờ đã đổi khác nhiều, dưới kia chắc bố cũng cảm thấy được an ủi”- chị tâm sự. Rồi chị quay sang hỏi một anh lính Hải quân là thủy thủ trên tàu: “Lần này đoàn mình không ghé đảo Sơn Ca hở anh? Bố em từng kể, đảo nhiều chim sơn ca nhất ở Trường Sa. Nơi đó, bố từng có thời gian công tác lâu nhất, đến tận 3 năm cơ”.

Lá thư bố chưa kịp nhận

Hà tiếp tục đưa tôi ngược dòng ký ức 25 năm về trước. Trong lòng chị, bố là một người lính đảo anh hùng, dành trọn cả cuộc đời cho đất nước. Còn mẹ là một người vợ thủy chung, dành trọn cả cuộc đời và tình yêu cho bố, để bố yên tâm làm việc ở đảo xa. Bố mẹ chị lấy nhau năm 1971, khi đất nước còn chia cắt bởi chiến tranh. Chàng bộ đội Cụ Hồ Trần Đức Thông khi ấy đi miết ở chiến trường. Sau khi hòa bình, giải phóng đất nước, người lính ấy lại đi công tác biền biệt ngoài hải đảo. Thời gian vợ chồng, con cái sum họp với nhau chỉ là những ngày về phép. “Lính Hải quân hồi ấy cả năm rưỡi mới được về phép một lần. Lần về phép cuối cùng của bố là vào dịp Tết năm 1988. Lúc đó, mình đang học quân sự. Bố đạp xe lên tới trường xin thầy cho con gái nghỉ học một tuần. Từ TX Phủ Lý (tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ), bố đạp xe cọc cạch về quê ở thôn Cộng Hòa (xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà- Thái Bình) đưa mình đi gặp gỡ tất cả bạn bè của bố, ghé thăm hết họ hàng. Mới được một nửa thời gian nghỉ phép thì bố nhận được điện của đơn vị gọi vào Nha Trang. Bố đi ngay ngày hôm sau. Đêm đó, bố gánh đầy một bể nước làm kỷ niệm cho vợ con rồi mới lên đường”- Hà kể.

Theo lời Hà, dường như bố chị có linh cảm chuyến đi đảo ấy có nhiều khó khăn, trắc trở. Nên khi vào đến Lữ đoàn 146 ở Cam Ranh, Trung tá Trần Đức Thông viết rất nhiều thư, đề sẵn ngày gửi lần lượt cho vợ con trước khi xuống tàu ra đảo. “Cho đến khi bố đã mất rồi, gia đình vẫn còn nhận được của bố đến 5 bức thư. Đến ngày 19/3/1988, mẹ còn nhận được 50kg gạo và 140.000đ là “chuẩn” của bố gửi mấy chú bên Lữ đoàn 147 mang về nhà. Tối 20/3/1988, ngồi vào bàn học bài nhưng không sao học được, lòng cứ bồn chồn nên mình viết thư cho bố. Không ngờ, 6 ngày sau (26/3/1988), Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin trận chiến ở Gạc Ma, bố Thông và nhiều đồng đội của bố đã hy sinh vào ngày 14/3/1988 rồi. Lá thư của mình gởi muộn nên bố có nhận được đâu. Lần này ra Trường Sa, mình mang theo lá thư của hơn 25 năm về trước để “gửi” vào lòng biển, thế nào bố cũng nhận được”- Hà nấc nghẹn nói.

Và những cánh hoa đăng kết thành hình chữ vạn được thả vào lòng biển.
Và những cánh hoa đăng kết thành hình chữ vạn được thả vào lòng biển.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi tiếng còi tàu vang vọng báo hiệu đến giờ làm nghi lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Chiếc tàu Hải quân HQ-561 thét còi trên vùng biển lịch sử, như đánh thức các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma đang ngủ giấc ngàn thu dưới đáy biển sâu. Trên boong tàu lúc này đã được bày biện vòng hoa, bàn hương án và nhiều trà, quả, bánh để tế cúng vong linh 64 Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự kiện bảo vệ chủ quyền (gọi tắt là CQ) ngày 14/3/1988.

Ngoài ra, Hà còn đích thân chuẩn bị riêng một thuyền hoa đăng có hình chữ vạn để dành gửi cho cha. Chị thức cả đêm qua để kết những cánh hoa đăng. Chị bảo, có mang cả loại trà và thuốc lá mà ngày trước bố Thông rất thích uống và hút để nhờ biển “gửi” đến ông. Rồi nước mắt Hà lại ngắn dài lăn tròn trên má khi Thủ trưởng đoàn công tác số 4- Đại tá Nguyễn Đức Nho- Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân đọc lời tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Qua đó, hình ảnh về cuộc chiến không cân sức giữa các chiến sĩ Hải quân Việt Nam với tàu “nước ngoài” được tái hiện.

Hơn 25 năm trước, vào ngày 14/3/1988, “nước ngoài” ngang nhiên đưa tàu chiến đánh bắn cháy 3 tàu vận tải của ta. Các tàu HQ-505, HQ-604 và HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83 chở vật liệu từ đất liền ra xây dựng đảo Gạc Ma. Trên tàu chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh. Trong khi đó, tàu “nước ngoài” là tàu chiến, trang bị hỏa lực tầm xa. Từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu sáng người chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là Trung tá Trần Đức Thông. Dẫu bị thương vẫn không rời vị trí, tiếp tục chỉ huy đồng đội chiến đấu… “Đồng đội bố may mắn còn sống sót kể rằng, trong cuộc chiến không cân sức đó, dẫu bị thương ở ngực, ở chân nhưng bố Thông vẫn không lùi bước, giữ nguyên vị trí chỉ huy. Bố hét to: “Đồng chí nào biết bơi thì nhảy xuống biển bơi vào đảo”. Nhiều người nhảy khỏi tàu, bơi vào đảo tiếp ứng cho đồng đội đang chiến đấu với kẻ xâm phạm trên đảo. Một lúc sau, bố trúng đạn ở đầu rồi gục xuống tại chỗ. Tàu bốc cháy, không ai còn thấy bố nữa. Con tàu cùng bố và nhiều đồng đội của bố mất dần xuống lòng biển…”- Hà sụt sùi kể.

Lần lượt từng người trong đoàn công tác tiến hành nghi thức thắp hương cho các Anh hùng liệt sĩ. Đến lượt Hà tiến lên trước bàn hương án. Quân trang tề chỉnh, Hà vắt tay lên trán nghiêm chào. Trong giây phút ấy, không thể nén được cảm xúc, chị hét to mà nước mắt lăn dài: “Bố Thông ơi, con được ra thăm bố rồi đây”...

Hàng trăm trái tim Việt Nam trên con tàu HQ-561 cũng xốn xang bởi cuộc “trùng phùng” của bố con Hà. Cuộc “trùng phùng” của người dương thế, người mãi mãi nằm lại dưới lòng biển lạnh, chỉ có nước mắt và những cánh hoa đăng thả xuống lòng biển. Sau nghi thức thả vòng hoa xuống biển, Hà tiến đến bên mạn tàu. Từ trong túi áo, chị lấy ra một phong thư cũ kỹ đã ố màu của hơn 25 năm trước. Lá thư gửi muộn. Chị đốt lá thư, “gửi” tàn tro vào lòng biển cả. “Lần này chắc chắn bố sẽ nhận được thư con. “Phủ Lý, ngày 20/3/1988. Bố xa nhớ! Hôm nay là ngày chủ nhật. Con ngồi vào bàn học mà không sao học được vì lúc đó là buổi ca nhạc lúc 7giờ30- 8giờ, toàn hát những bài về Trường Sa. Lúc này con không thể nào học được nữa, vì những bài hát khơi gợi về hình ảnh Trường Sa, nhất là hình ảnh của bố. Lúc này con nhớ bố vô hạn nên viết mấy dòng chữ gởi bố… Thư sau con sẽ viết nhiều hơn. Chúc bố khỏe, công tác tốt”- Hà khẽ đọc lại những dòng thư mà chị không ngờ đến 25 năm sau chị mới có thể gửi cho bố trong tình cảnh này.

(Mời xem tiếp kỳ cuối trên VLCN tuần tới)

(Tiếp theo trang 1)

Bài, ảnh: QUỐC DŨNG