Háo hức đón "lễ vào năm mới"

Cập nhật, 12:31, Thứ Ba, 16/04/2019 (GMT+7)

Đồng bào Khmer Nam Bộ háo hức bước vào “lễ vào năm mới” với rất nhiều hoạt động văn hóa, nghi thức truyền thống từ gia đình gắn với các chùa chiền ở khắp mọi nơi. Người Khmer đón năm mới khác hơn người Kinh, không gọi là “giao thừa” mà gọi là ngày “vào năm mới”- Chol Chnam Thmay. Không khí chờ đón “ngày và giờ” vào năm mới thật náo nhiệt ở các phum sóc với những hoạt động thể thao, văn nghệ vui tươi.

Người Khmer chọn ngày và giờ vào năm mới không giống với người Kinh. Ảnh hưởng của khoa thiên văn truyền thụ từ Ấn Độ, người Khmer tính ngày vào năm mới bằng 2 lối: Chol- tính theo sự chuyển động của Mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi 12 linh thú tượng trưng của con giáp trong một kỳ; Chnam- tính theo sự chuyển động của Mặt trời và đánh dấu bước vào năm mới.

Chính vì vậy, Chol được tính đúng vào ngày đầu tháng Chet- là tháng 5 của người Khmer nhưng lại nhằm vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch. Còn Chnam thì nhằm vào ngày 12, 13 hoặc 14 dương lịch tùy theo thay đổi trăng tròn, trăng khuyết hàng năm. Mỗi năm, một hội đồng là những vị tinh thông khoa thiên văn soạn một quyển lịch gọi là Maha Sangkrang- Đại lịch, để dùng suốt trong năm. Đại lịch ấn định giờ giao thừa, đúng theo nghĩa “giờ vào năm mới”- tương tự như “giờ giao thừa” trong Tết Nguyên đán của người Kinh.

Nghi lễ đón ngày, giờ vào năm mới có thể tổ chức tại chùa hoặc ở tại gia đình. Rộn ràng trong tiếng nhạc ngũ âm, mâm lễ vật được bày trang trọng trước nhà. Sau bài kinh chúc phúc, cầu an… người phụ nữ đại diện cho gia đình tiến hành những nghi thức chúc phúc đến mọi người. Đầu tiên là những người già, kế đến là bầy trẻ nhỏ…

Cũng từ sự tích “Thần bốn mặt”, năm nay vị thiên tôn bảo trợ trong năm là nàng tiên tên Kungsas Tevy. Con gái cả của Thần bốn mặt. Thức ăn của nàng là trái sung. Tay phải nàng tiên cầm vòng, tay trái cầm vỏ ốc. Nàng mặc y phục màu đỏ, ngự trên linh vật là chim thần Krud. Năm nay, giờ vào năm mới là 15 giờ 12 phút ngày 14/4, ngay vào ngày chủ nhật. Tổ chức nghi lễ “vào năm mới” tại chùa hay tại gia đình, là dịp để các phật tử tẩy sạch những ẩn ức, vướng bận trong năm cũ, đặt để mình vào năm mới với cuộc sống mới thanh khiết, vui tươi hơn năm đã qua.

NGỌC TRẢNG (thực hiện)

Một nghi thức quan trọng nhất diễn ra ở chùa là đắp núi cát.
Một nghi thức quan trọng nhất diễn ra ở chùa là đắp núi cát.

 

​Nghi lễ chúc phúc được thực hiện trang trọng.
​Nghi lễ chúc phúc được thực hiện trang trọng.

 

Người dân thành kính dâng cơm cho Lục.
Người dân thành kính dâng cơm cho Lục.

 

Sau lễ chúc phúc, phần lớn các hoạt động, nghi thức truyền thống gắn với nhà chùa.
Sau lễ chúc phúc, phần lớn các hoạt động, nghi thức truyền thống gắn với nhà chùa.

 

​Các hoạt động văn nghệ múa hát, thể thao diễn ra thu hút nhiều bạn trẻ tham gia tươi vui, náo nhiệt.
​Các hoạt động văn nghệ múa hát, thể thao diễn ra thu hút nhiều bạn trẻ tham gia tươi vui, náo nhiệt.