Người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc

Cập nhật, 09:53, Thứ Tư, 08/07/2020 (GMT+7)

Trước khi qua đời, ba mẹ tôi sống cùng đứa em trai út của tôi. Tôi là con trai lớn trong nhà nên hầu hết tài sản của ba mẹ đều do tôi quản lý.

Hàng tháng, tôi có nhiệm vụ lấy tiền thu được từ tài sản đó đưa cho em út nuôi ba mẹ. Khi ba mẹ tôi mất, chúng tôi mới được biết ba mẹ tôi ký tên chung bản di chúc gửi người thân tín cất giữ.

Trong đó, có ghi rõ khi ba mẹ qua đời thì sau 3 năm mới chia thừa kế theo di chúc và trong thời gian này, tôi phải giao hết tài sản của ba cho em út tôi quản lý! Vậy, tôi có phải thực hiện theo điều này không? Nếu giao cho em út tôi, em có trách nhiệm như thế nào trong 3 năm này?

L.V.D. (TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 616 Bộ luật Dân sự: Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

Trường hợp này, do di chúc ba mẹ của anh đã chỉ định giao di sản cho em út của anh quản lý trong thời gian chờ chia thừa kế theo di chúc nên anh phải thực hiện theo.

Theo khoản 1 Điều 617 Bộ luật Dân sự: Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 (nêu trên) và khoản 3 Điều 616 của bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:

a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

c) Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;

d) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ