Khi nào di chúc miệng được coi là hợp pháp

Cập nhật, 05:30, Thứ Sáu, 19/07/2019 (GMT+7)

Ba tôi qua đời từ lúc tôi còn nhỏ. Gần 10 năm qua, mẹ tôi và một người ở cùng xã với gia đình tôi (góa vợ) kết thành bạn. Tuy không sống chung nhà nhưng 2 người thường xuyên lui tới chăm sóc cho nhau.

Tôi và các con của người ấy cũng không có ý kiến gì. Cách đây ít hôm, đột ngột bệnh nặng sợ mình không qua khỏi, ông có nói trước mặt các con của ông và một số người bà con đến thăm rằng: Sau khi ông chết, các con của ông phải chia cho mẹ tôi 1 công đất vườn, số đất mà lâu nay ông và mẹ tôi cùng chăm bồi.

Đây là ân tình ông đã dành cho mẹ tôi vì bấy lâu nay khi chăm lo cho ông mà mẹ tôi không đòi hỏi điều gì! Hiện tại sức khỏe của ông rất yếu. Trường hợp này, mẹ tôi phải làm sao để sau này 1 công đất vườn đó được chia cho mẹ tôi như di nguyện nêu trên?

L.T.M. (Đồng Tháp)

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 629 Bộ luật Dân sự: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Để đảm bảo di chúc miệng nêu trên có hiệu lực, trước mắt mẹ anh nên thực hiện theo khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự. Điều luật này như sau:

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ