Nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung

Cập nhật, 05:44, Thứ Tư, 13/02/2019 (GMT+7)

Vì có nhiều điểm bất đồng trong kinh doanh nên vợ chồng tôi quyết định chia tài sản ra làm đôi. Nhưng, nếu như thế thì số tiền chồng tôi thiếu của người khác (trước khi chia tài sản) sẽ được lấy từ tài sản riêng của chồng tôi sau khi chia để trả phải không? Việc chia tài sản có hiệu lực từ lúc nào?

N.T.K.T. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng được quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình, như sau:

1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

3. Trong trường hợp tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Riêng về trường hợp số tiền mà chồng chị thiếu của người khác, nếu phát sinh trước thời điểm chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, được quy định tại khoản 4 điều luật trên như sau: Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ