Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả

Cập nhật, 18:14, Thứ Sáu, 01/02/2019 (GMT+7)

Em trai tôi giao dịch làm ăn với một người là bạn của tôi. Người này kêu tôi phải đứng ra bảo lãnh cho em tôi thì họ mới ký kết hợp đồng. Thương em, tôi không nỡ từ chối nhưng tôi rất ngại đứng ra bảo lãnh. Trước giờ, tôi cũng chưa rành vấn đề này lắm nên luật sư cho biết khi đứng ra bảo lãnh, tôi phải cam kết những gì, trách nhiệm của tôi như thế nào?

N.V.T. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 335 Bộ luật Dân sự: Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Theo đó, khoản 2 điều luật trên quy định: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Về phạm vi bảo lãnh được quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự như sau:

1. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

4. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ