Giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản

Cập nhật, 05:22, Thứ Ba, 04/12/2018 (GMT+7)

Trong thân tộc tôi có đứa cháu mới hơn 13 tuổi, chẳng may ba cháu qua đời sớm. Trước khi ba cháu qua đời, mẹ cháu đã lập gia đình khác nên cháu được người bác ruột làm giám hộ. Ba cháu có để lại cho cháu một số tài sản. Gần đây, tôi nghe nói người bác đó làm thủ tục sang tên một phần tài sản của cháu qua cho ông ấy. Trường hợp này có được không?

L.V.B. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Việc làm của người bác ấy đối với tài sản của cháu sẽ bị xem là vô hiệu. Theo khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự, việc quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:

Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ