Quyền của người lập di chúc

Cập nhật, 11:23, Thứ Ba, 25/09/2018 (GMT+7)

Vợ tôi mất cách đây 3 năm. Hiện tôi đã gần 70 tuổi và muốn lập di chúc cho các con. Trong số các con tôi, có đứa khá giả, có đứa nghèo nên trong di chúc, tôi sẽ chia tài sản cho các con không đồng đều. Không biết như vậy có bị ảnh hưởng gì trong việc thực hiện di chúc về sau không?

H.V.D.

(Long Hồ)

Trả lời:

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS): Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, Điều 626 bộ luật này quy định người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Để bảo đảm cho việc thực hiện di chúc về sau, ông chú ý hình thức của di chúc phải đúng quy định. Theo Điều 627 và Điều 628 BLDS, di chúc phải được lập thành văn bản, bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Theo khoản 1 Điều 630 BLDS, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Xin lưu ý với ông, theo khoản 4 điều luật trên: Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 điều này.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ