Người đưa ra chứng cứ giả mạo phải bồi thường

Cập nhật, 05:52, Thứ Tư, 08/08/2018 (GMT+7)

Em gái tôi có tranh chấp tài sản với người khác và đã yêu cầu tòa án giải quyết. Nhưng sau đó, em tôi bị phía bị đơn tố cáo là đã đưa ra chứng cứ giả. Thật sự, em tôi cũng bán tín bán nghi về chứng cứ đó (bởi do người khác cung cấp). Trường hợp này, em tôi phải giải quyết như thế nào cho hợp pháp, nếu chứng cứ đó thật sự là giả, em tôi có phải chịu trách nhiệm gì không?

L.T.S. (Trà Ôn- Vĩnh Long)

Trả lời: Nếu không chắc chắn chứng cứ mình đưa ra trong vụ kiện là thật, em của chị nên cân nhắc lại để có quyết định đúng đắn khi thực hiện tiếp vụ kiện. Bởi, Điều 103 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định việc trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo, như sau:

1. Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại. Nếu không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu tòa án hoặc tòa án có quyền quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của bộ luật này.

2. Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì tòa án chuyển tài liệu, chứng cứ có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Người đưa ra chứng cứ được kết luận là giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác và phải chịu chi phí giám định nếu tòa án quyết định trưng cầu giám định.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ