Quyền của người tố giác về tội phạm

Cập nhật, 15:34, Thứ Ba, 18/04/2017 (GMT+7)

Em trai tôi vừa phát hiện hành vi phạm tội của một người ở địa phương và đã mạnh dạn tố giác. Sau khi thực hiện xong điều này, em tôi cảm thấy lo lắng vì sợ trả thù.

Vậy mà em tôi lại còn bị mời đến cơ quan chức năng lý do để hỏi thêm một số chuyện có liên quan. Em tôi có cần thiết phải đến theo lời mời đó không?

L.T.D.H.

(Tiền Giang)

Trả lời:

Nếu lo lắng về những điều trên, em chị nên thực hiện theo khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều luật này quy định cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa;

b) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Về việc em chị có nên đến cơ quan chức năng theo thư mời không, theo khoản 2 điều luật trên: Cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 điều này phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ