Những thiệt hại được bồi thường do danh dự, uy tín bị xâm hại

Cập nhật, 05:41, Thứ Ba, 25/04/2017 (GMT+7)

Gần đây, em tôi có việc vô cùng bức xúc vì bỗng dưng bị một người dựng chuyện nói xấu. Điều này khiến em tôi không dám ra đường và chuyện làm ăn bị đình trệ.

Em tôi định khiếu kiện người đó và buộc họ phải bồi thường danh dự, uy tín. Trường hợp này, em tôi có thể yêu cầu họ bồi thường những khoản tiền nào?

L.T.K.C. (TP Mỹ Tho- Tiền Giang)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 34 Bộ luật Dân sự: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Theo khoản 5 điều luật trên: Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, em của chị có thể gửi đơn đến tòa án yêu cầu giải quyết. Nếu tòa án thấy đủ yếu tố để xem xét giải quyết, em chị có thể căn cứ khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự để yêu cầu bồi thường. Theo điều luật này, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

Bên cạnh đó, khoản 2 điều luật trên còn quy định: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ