Chiếc điện thoại "cùi bắp" giá... 1 triệu đồng

Cập nhật, 07:04, Thứ Sáu, 10/04/2020 (GMT+7)

Những ngày này, hầu hết các nhà mạng đang trong thời gian khuyến mãi nạp tiền điện thoại nên anh B.- một chủ cửa hàng bán lẻ sim, card háo hức trông đợi sẽ “mua may bán đắt”. Thế nhưng, ở đời mấy khi có chuyện gì suôn sẻ và lần này may mắn đã không mỉm cười với anh B. khi chẳng may gặp phải vị khách lừa bịp.

Vị khách là một người đàn ông đã có tuổi, ông ta đến cửa hàng với chiếc Nokia trắng đen trên tay:

- Nhờ chú em nạp dùm vào tài khoản 1 triệu đồng.

Vừa nói, ông ta đưa ngay chiếc điện thoại đồng thời yêu cầu anh B. sạc giúp. Vì buôn bán không muốn phật lòng khách hàng và thấy chiếc điện thoại đã hết pin, anh B. chẳng do dự đồng ý ngay, nhưng không ngờ đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho màn kịch sắp diễn ra. Ngay sau khi đưa chiếc Nokia cho anh B., người đàn ông giả vờ nghe điện thoại rồi nói với anh B.:

- Tui sực nhớ có chút chuyện cần đi giải quyết gấp, phiền chú em sạc cái máy sẵn cho gửi ở đây luôn, lát tui quay lại rồi thanh toán được không?

- Dạ, chú cứ để máy ở đây, không sao đâu ạ!

Anh B. vừa dứt lời thì vị khách cảm ơn rối rít và hứa sẽ thanh toán đầy đủ khi quay lại lấy điện thoại. Sau đó, ông ta nhanh chóng điều khiển xe máy rời khỏi cửa hàng. Còn anh B. không có chút nghi ngờ, vì muốn làm khách hàng vui lòng vả lại nghĩ rằng đang giữ tài sản của họ nên có nhận tiền khi trả máy cũng không muộn.

Tuy nhiên, nhiều giờ đồng hồ trôi qua nhưng vị khách vẫn chưa quay lại. Đợi mãi đến sốt ruột, anh B. lấy chiếc điện thoại Nokia kiểm tra tài khoản thì phát hiện máy đã mất sóng, đồng thời hiển thị tin nhắn với nội dung “quý khách đã đổi sang sim mới”.

Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, anh B. liền gọi đến tổng đài xác minh thì được cung cấp thông tin sim cũ vừa được một vị khách báo mất và yêu cầu làm lại sim mới. Điều này đồng nghĩa với việc thẻ sim cũ trong chiếc điện thoại mà vị khách kia để lại không còn giá trị sử dụng. Lúc này, anh B. mới vở lẽ 1 triệu đồng mình mới nạp cũng đã chuyển sang sim mới.

Dù rất tức giận nhưng anh B. không biết phải làm gì, bởi ngoài chiếc điện thoại “cùi bắp” anh không có bất cứ thông tin nào khác về vị khách ma mãnh kia do nạp tiền bằng thẻ cào.

Gặp phải vị khách lừa bịp, anh B. chỉ còn biết trách bản thân không may. Giá như, anh B. nhận tiền trước hoặc hỏi rõ số điện thoại của vị khách rồi mới nạp tiền thì đã không bị “sập bẫy”. Còn vị khách kia lợi dụng tâm lý xem khách hàng là thượng đế để “thả con tép bắt con tôm”, đưa anh B. từ từ rơi vào bẫy hòng chiếm đoạt số tiền trên.

Sự việc của anh B. là bài học cảnh báo dành cho những cửa hàng buôn bán sim, card điện thoại. Kẻ lừa đảo rất tinh vi, vạch sẵn màn kịch hoàn hảo để đưa “con mồi” tự rơi vào bẫy trong tức tưởi.

PHẠM TẤN