"Người hàng xóm"

Cập nhật, 07:59, Thứ Sáu, 22/11/2019 (GMT+7)

(Chuyện có thật đang phổ biến ở các tỉnh miền Tây)

- Chú Bảy ơi! Có nhà hông chú?

Đang loay hoay sắp xếp lại mấy cái “pa lết” chất đầy phân bón bên trong, nghe tiếng kêu, chú Bảy vội vã bước ra phía trước cửa hàng mua bán vật tư phân bón của mình.

- Tui đây. Chú mua gì vậy?

- Con tính mua 3 bao phân về rải cho mấy công chôm chôm- một người thanh niên ăn mặc sang trọng trả lời.

- Vậy hả? Thì chú cứ lựa. Mua xong tui chở tới nhà khỏi lấy tiền công.

- Dạ thôi. Phiền chú lắm, để con tự chở. Mà chú ơi chút xíu con quay lại trả tiền được hông? Vườn con ở trong xóm này nè.

- Trời đất. Rồi tui biết kiếm chú ở đâu. Mà chú ở “đoạn” nào? Gần nhà của ai?

- Dạ con ở Sài Gòn mới về đây sang 10 công vườn. Vườn con ở sát bên chú Tám Quá. Cũng nhờ chú Tám giới thiệu nên con mới biết cửa hàng chú bán phân chất lượng đảm bảo, giá rẻ nữa đó. À, chú Tám Quá mới đi Sài Gòn thăm thằng Tú, con Quyên nghe nói mai về. Chú còn nói chú Bảy khoái nhậu món chuột đồng khìa nữa đó.

Lúc này sự hoài nghi của chú Bảy vụt tan biến. Thằng này nói trúng phóc tên 2 đứa con ông Tám Quá; rồi cái chuyện chú mê nhậu món chuột đồng khìa nữa chớ. Phải rồi, hôm qua ông Tám Quá còn ghé uống trà với ông rồi mới đón xe đi Sài Gòn. Vậy là người này có vườn sát mé với cha Tám Quá rồi chớ đâu. Thôi thì 3 bao phân chỉ ngót nghét gần 1 triệu đồng chớ mấy. Hổng lẽ người ta lừa mình. Mà nếu người lạ sao biết tỏng tòng tong đến vậy.

Xe chở 3 bao phân lăn bánh. Chú Bảy vẫy tay chào với nụ cười thật tươi. Người sao thiệt dễ thương, lịch sự vậy.

1 giờ, 2 giờ rồi suốt buổi chiều, người thanh niên “ mất hút”. Sáng sớm, chú Bảy lấy xe tới nhà Tám Quá thì hỡi ơi không có ai mới mua vườn tược gì cạnh vườn Tám Quá hết. Chú Bảy buồn thiu tới công an xã trình báo thì hóa ra đã có hàng chục đại lý phân bón rơi vào tình trạng tương tự.

Có thể thấy rằng, bọn bất lương đã điều nghiên rất kỹ lưỡng tên người, địa điểm, người thân trong gia đình kể cả thân tộc, sở thích, thói quen của nhiều người, từ đó tiếp cận “con mồi” mất cảnh giác để ra tay.

Càng nhớ đến vẻ mặt dễ thương, thái độ tế nhị của người hàng xóm kia mà lòng chú Bảy càng phẫn nộ. Chú cũng tự trách mình sao quá vội tin người để giờ đây lâm vào cảnh “phân bón mất, tức mang theo”.

TRẦN TRẤN GIANG