Điện thoại "bốc hơi" trên xe buýt

Cập nhật, 06:51, Thứ Ba, 25/09/2018 (GMT+7)

Một ngày cuối tháng 8/2018, chị Nhàn (ngụ TP Vĩnh Long) đi rước con gái đang trọ học tại Cần Thơ về nghỉ lễ 2/9. Chuyến xe buýt từ TP Cần Thơ về Vĩnh Long hôm nay đông khách hơn thường ngày.

Hết ghế, chị Nhàn phải chen chúc đứng với hành khách gần cửa sau của xe. Tuy nhiên khi đến các trạm, tài xế vẫn cho xe ghé vào để tiếp tục rước khách. Không khí ngột ngạt làm cho ai nấy vô cùng khó chịu.

Lúc đó, có một cậu thanh niên “lịch sự” kéo tay chị Nhàn cùng một số hành khách khác lại gần cậu ta để dành phần cho các khách khác bước lên xe.

Cậu thanh niên này đã để lại ấn tượng với chị Nhàn bởi vì còn trẻ mà lại biết cách cư xử văn minh nơi công cộng. Đến địa phận TX Bình Minh, vẫn với thái độ từ tốn ấy, thanh niên này gật đầu chào mọi người rồi nói với phụ xế là sẽ xuống xe khi có bến đỗ. Xe dừng lại, thanh niên nhanh chóng xuống xe rồi mất hút giữa dòng người.

Đến địa phận huyện Tam Bình, chị Nhàn định lấy điện thoại cho người thân ra bến xe Vĩnh Long đón thì phát hiện chiếc điện thoại Samsung J6 mới mua tuần trước đã “bốc hơi”. Tiếc của, chị tri hô là mình bị móc túi để mọi người tìm giúp.

Một người phụ nữ bên cạnh cho biết, chính cậu thanh niên mới xuống xe khi nãy đã móc túi lấy điện thoại của chị rồi nhanh chóng xuống xe ở trạm khu vực TX Bình Minh.

Chị Nhàn hỏi người phụ nữ bên cạnh sao không tri hô lúc tên thanh niên lấy điện thoại thì người này bảo rằng, do sợ bị trả thù nên không dám. Người phụ nữ cũng mong chị Nhàn thông cảm bỏ qua vì phát giác kẻ xấu thường rất nguy hiểm. Thông cảm cho người phụ nữ, chị Nhàn chỉ biết tự trách mình.

Nhiều người trên xe buýt còn chia sẻ, kẻ gian thường cùng đồng bọn để móc túi lấy điện thoại một cách tinh vi. Theo đó, khi lên xe, một tên sẽ móc túi rồi lén đưa cho tên thứ 2 cũng có mặt trên chuyến xe ấy. Tên này sẽ giấu điện thoại và nhanh chóng xuống xe ở trạm gần nhất, kế đến tên trực tiếp móc túi sẽ xuống ở các trạm tiếp theo. Vì vậy, khi bị tri hô, người bị hại cũng không có bằng chứng để buộc tội.

Tuy đây là chiêu không mới nhưng là phụ nữ ít đi xe buýt, khả năng đề phòng thấp dễ trở thành “mồi ngon” để chúng ra tay. Bọn chúng lợi dụng lúc hành khách chen lấn, cố tình va chạm vào “con mồi” để xem phản ứng.

Trường hợp không thể ra tay, kẻ xấu sẽ xuống xe để chờ chuyến xe khác tìm đối tượng sơ hở để móc túi. Người đi xe buýt thường xuyên hay tài xế sẽ nắm rất rõ cách thức bọn xấu thực hiện móc túi hành khách. Tuy nhiên, vì ngán ngại chuyện “trả thù” nên phần lớn họ đều ngó lơ cho qua chuyện.

Cũng chính vì tâm lý đó mà đôi khi ở nơi công cộng, chúng ta vô tình tạo “cơ hội” cho kẻ gian. Giá như, ai ai cũng có ý thức phòng chống cướp giật nơi chốn đông người thì có lẽ hành khách sẽ an tâm hơn ở nơi công cộng. Gặp tình huống đó, mọi người nên mạnh dạn tri hô, phát giác kẻ xấu thì tình trạng móc túi, giật dọc trên xe chắc chắn sẽ giảm đi.

Đối với hành khách khi di chuyển trên xe buýt, chúng ta cần phải tự bảo vệ tài sản của chính mình. Điện thoại nên cất giữ cẩn thận, đặc biệt là không nên mang theo nhiều tiền, dễ lọt vào tầm ngắm của kẻ xấu. Bà con nên cảnh giác!

HOÀNG LÊ