Thiếu điểm- chạy trường

Cập nhật, 06:45, Thứ Ba, 24/07/2018 (GMT+7)

Anh Bùi Thanh P. có con trai học lớp 9 vừa thi tuyển sinh lớp 10 nhưng không đủ điểm vào trường THPT. Nắm bắt được tâm trạng buồn nhưng luôn hy vọng có một “phép màu” nào đó để con mình được học ở trường THPT đúng như nguyện vọng, kẻ xấu đã dựng một vở kịch để lừa gạt.

Hôm ấy, anh P. đang trông coi tiệm tạp hóa thì có người đàn ông trạc 40 tuổi ghé lại hỏi mua vài chai nước suối, trà xanh. Anh P. đang soạn tiền lẻ để thối lại chợt điện thoại của người đàn ông đổ chuông:

- A lô! Dạ, em nè! Ồ, vậy hả? Trời ơi, em mừng quá! Con nhỏ thiếu tới 2 điểm vậy mà anh lo vô được lớp 10 trường THPT X. Đúng là hay thiệt! Em cảm ơn anh nhiều lắm! Bữa nào rảnh mình tới quán làm lai rai nghen!

Nghe người khách nói chuyện điện thoại, anh P. mừng rơn trong bụng nên sau khi thối lại tiền thì anh tìm cách hỏi thăm:

- Xin lỗi ông anh, tình cờ nghe được ông anh nói chuyện qua điện thoại, tui thấy... giống y chang trường hợp của thằng con. Nó cũng vừa mới biết kết quả thi tuyển sinh lớp 10.

Người đàn ông nhìn xung quanh rồi nhỏ giọng như sợ chòm xóm nghe được:

- Hổng nói giấu gì ông anh, thiệt tình thì... sự việc đúng như những gì anh vừa nghe. Con gái của tui thiếu 2 điểm, nhờ thằng bạn giới thiệu người quen, tui lo hết mấy triệu đồng tiền “cà phê”, chạy đúng người, đúng “cửa” vậy là êm ru luôn rồi.

Anh P. hỏi:

- Người đó ở đâu mà hay quá vậy? Con trai của tui thiếu có 0,5 điểm để vô trường THPT X., vậy mà trường THPT Y. lại không nhận, người ta ưu tiên chọn thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 của trường là đủ số rồi, thành ra thằng nhỏ phải học ở trung tâm giáo dục thường xuyên gì đó. Vậy mới tức!

Ông khách tặc lưỡi:

- Ừ, nghĩ cũng uổng thiệt, thiếu có nửa điểm, trong khi con tui... tới 2 điểm lận.

Anh P. khẩn khoản:

- Vậy... nhờ ông anh làm ơn... nói giúp chỗ quen biết giùm một tiếng, giống như con của anh. Được như vậy, tui cảm ơn nhiều lắm. Tội nghiệp thằng nhỏ lắm anh ơi, mấy ngày nay mặt mày nó buồn hiu khiến ruột gan của vợ chồng tui cũng muốn héo theo luôn.

Sau một hồi chần chừ, người đàn ông đồng ý giúp đỡ nên gọi điện thoại cho “ân nhân” tới gặp anh P. để dễ bề trao đổi. Gặp mặt, thấy vị “ân nhân” rất lịch sự, hứa hẹn chắc như đinh đóng cột nên sẵn dịp anh P. nhờ giúp luôn cho đứa cháu cũng thi lớp 10 nhưng thiếu tới 2,5 điểm.

Thỏa thuận xong, anh P. giao tiền tổng cộng là 9 triệu đồng (thiếu 0,5 điểm giá 4 triệu, thiếu 2,5 điểm giá 5 triệu). 2 người cũng không quên trao đổi số điện thoại qua lại để vài ngày sau thông báo “tin vui”. Người đàn ông thì xin số điện thoại của anh P. để mai mốt cùng mời “ân nhân” nhậu một chầu để cảm ơn và thắt chặt thêm tình nghĩa.

1 tuần trôi qua mà không tin tức trong khi nhìn vào bảng danh sách học sinh lớp 10 thì con của anh P. vẫn học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Quá nóng ruột, anh liên tục gọi điện cho người đàn ông và vị “ân nhân” thì đều không liên lạc được. Không cần phải suy nghĩ gì thêm, anh P. biết mình đã bị gạt.

Sợ xấu hổ với bà con chòm xóm vì “đưa hối lộ” nên anh P. chần chừ chưa dám đi trình báo sự việc với công an. Nhưng anh mong rằng câu chuyện của bản thân sẽ được đăng tải trên báo Vĩnh Long để bà con mình lấy đó làm bài học cảnh giác.

NGUYỄN LINH