Cai nghiện ma túy là "chuỗi liên kết" lâu dài

Cập nhật, 10:00, Thứ Tư, 28/10/2020 (GMT+7)

 

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, tránh xa nguy cơ tái nghiện. Ảnh minh họa
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, tránh xa nguy cơ tái nghiện. Ảnh minh họa

Cả nước thống kê hiện có hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, phần lớn trong đó đang ở ngoài cộng đồng. Nhưng thực tế, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, số người nghiện chưa được thống kê còn rất nhiều, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự.

Trong khi đó, theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04- Công an tỉnh), công tác cai nghiện và quản lý người nghiện rất khó khăn, hiệu quả chưa như mong muốn, vướng thủ tục, quy trình cai nghiện bắt buộc quá rườm rà nên người nghiện ma túy ngày càng tăng.

“Phần nổi của tảng băng chìm”

5 năm liên tiếp, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long liên tục tăng. Cụ thể, năm 2016 thống kê có 1.487 người, năm 2017 là 1.610 người, năm 2018 là 1.770 người, năm 2019 là 2.194 người và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020 thống kê có 2.453 người nghiện. Người nghiện ma túy dưới 30 tuổi thống kê năm 2018 chiếm 62% so tổng số người nghiện, thì đến năm 2019 tăng lên 63% và đến tháng 6/2020 là 66%.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 343 vụ, 633 đối tượng (nhiều hơn 198 vụ và 402 đối tượng so trước đó), thu giữ hơn 642g heroin, hơn 2,1kg ma túy tổng hợp và khoảng 1,4 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 280 vụ, 363 bị can.

Thời gian gần đây, số lượng ma túy thu giữ ngày càng nhiều, như vụ vận chuyển trái phép hơn 370g ma túy do đối tượng Huỳnh Công Thành (SN 1988, ngụ phường Tân Hòa- TP Vĩnh Long) thực hiện.

Ngày 8/12/2018, Thành được một đối tượng ngụ TP Hồ Chí Minh trả công 12 triệu đồng để vận chuyển hơn 370g heroin và methaphetamine về TP Vĩnh Long. Khuya cùng ngày, Thành xuất hiện tại một quán ăn trên đường Võ Văn Kiệt (Phường 2- TP Vĩnh Long) thì bị trinh sát bắt giữ cùng tang vật.

Hay gần đây, ngày 4/6/2020, lực lượng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt Cao Thanh Phùng (SN 1974, ngụ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Hà Ngọc Kỹ (ngụ Phường 4- TP Vĩnh Long) tàng trữ hơn nửa ký ma túy đá. Tính đến thời điểm bị bắt quả tang, đây là vụ ma túy lớn nhất Vĩnh Long từng được phát hiện.

Trong đó, Phùng là bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) quyết định truy nã.

Duy trì “chuỗi liên kết” lâu dài

Hiện nay, một bộ phận giới trẻ nhận thức lệch lạc, nguy hiểm là ma túy tổng hợp không gây nghiện nên rủ nhau dùng thử. Điều này gây ra hệ lụy rất lớn đối với sức khỏe, ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình và xã hội.

Mặt khác, theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, việc nắm tình hình, quản lý đối tượng liên quan đến ma túy, nhất là những người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” và công tác cai nghiện chưa mang lại hiệu quả cao. Các văn bản pháp luật liên quan đến cai nghiện còn bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn nên rất khó áp dụng thực tế.

Ông Phạm Hữu Dũng- Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) cho rằng, điều trị nghiện ma túy là một “chuỗi liên kết” phải duy trì liên tục trong thời gian dài, có khi cả cuộc đời người nghiện.

Đó là, kết hợp thuốc với tư vấn và các hoạt động khác là yếu tố quan trọng để điều trị nghiện ma túy hiệu quả. Trong quá trình điều trị phải được giám sát liên tục, sau khi học viên hết thời gian cai nghiện tập trung cần có kế hoạch phối hợp chuyển giao cho gia đình, địa phương tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các hoạt động tư vấn sau điều trị.

Ngoài ra, họ cũng rất cần chính quyền địa phương, các đoàn thể, cộng đồng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tự tin hòa nhập, tham gia học tập, tìm kiếm việc làm, tiếp cận nguồn vốn kinh doanh, sản xuất để ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy và Chương trình Phòng chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020, Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị cơ quan chức năng rà soát, thống kê người nghiện ma túy để áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Đồng thời, xã hội hóa công tác cai nghiện, tạo việc làm ổn định cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng và có chính sách đặc thù để động viên những người làm công tác cai nghiện gắn bó lâu dài với nghề. Bên cạnh, quản lý chặt chẽ các quán karaoke, khách sạn, nhà trọ… không để xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng ma túy ở những nơi này.

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, với vai trò nòng cốt trong công tác phòng chống ma túy, Phòng PC04 đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với các sở ngành ban hành Hướng dẫn về quy trình lập hồ sơ giáo dục tại xã- phường- thị trấn; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc. Từ năm 2016 đến giữa năm 2020, toàn tỉnh có 691 người được áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG