Cùng đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội!

Cập nhật, 19:04, Thứ Năm, 02/07/2020 (GMT+7)
Người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và được cai nghiện tập trung sẽ giảm nguy cơ vi phạm pháp luật. Trong ảnh: Học viên cai nghiện trong giờ lao động kết hợp trị liệu tại Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long).
Người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và được cai nghiện tập trung sẽ giảm nguy cơ vi phạm pháp luật. Trong ảnh: Học viên cai nghiện trong giờ lao động kết hợp trị liệu tại Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long).

Tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy đang diễn biến phức tạp, khó lường. Tại mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy, ngày quốc tế, ngày Toàn dân phòng chống ma túy (26/6), Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị ngành chức năng quyết liệt tấn công trấn áp, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Song song, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy.

Phức tạp, khó lường

Thời gian qua, công tác phòng chống ma túy luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh- chỉ đạo bằng nhiều giải pháp đồng bộ; các bộ ngành trung ương và chính quyền địa phương kiên trì, quyết liệt đấu tranh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, theo số liệu của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, do chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài- nhất là khu vực “Tam giác vàng” vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ hoặc làm địa bàn “trung gian” để vận chuyển sang nước thứ 3 theo đường bộ, đường hàng không và đường sắt.

Tình trạng mua bán, tàng trữ ma túy diễn ra ở hầu hết các địa phương. Trong khi người nghiện thường xuyên tụ tập ở các quán bar, vũ trường, nhà nghỉ, quán karaoke,… sử dụng trái phép chất ma túy; thì những kẻ kinh doanh “cái chết trắng” đang có xu hướng công khai quảng cáo các loại ma túy dạng thảo mộc (cỏ Mỹ) và ma túy tổng hợp trên mạng xã hội, gây khó khăn trong việc điều tra, xử lý.

Thống kê mới nhất của ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long cho thấy, 84,7% người nghiện ma túy đang ở ngoài cộng đồng. Nếu không được quản lý tốt, nguy cơ người nghiện gây ra các vụ phạm tội, nhất là trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản để có tiền thỏa mãn cơn nghiện là điều khó tránh khỏi.

Theo BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, 6 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ vi phạm pháp luật do người nghiện gây ra, chiếm 10,46% so tổng số vụ.

Mặt khác, theo nghiên cứu của ngành y tế, ma túy tổng hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý, tính mạng người nghiện. Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi, gây ra các vụ án mạng, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Tuyên truyền, đấu tranh phòng chống ma túy

Theo đánh giá của BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, công tác phòng chống ma túy thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh- chỉ đạo quyết liệt; cùng với sự nỗ lực, hỗ trợ từ các ban ngành, đoàn thể nên đạt nhiều kết quả khả quan.

Việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc được tiến hành đồng bộ, hiệu quả. Công tác đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về ma túy được triển khai thường xuyên. 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng công an kết hợp ngành chức năng phát hiện, xử lý 63 vụ, 97 đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy (giảm 7,35% số vụ và 18,48% số đối tượng so cùng kỳ năm trước).

Phát biểu tại mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy, ngày quốc tế, ngày Toàn dân phòng chống ma túy (26/6), Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định, những con số trên phần nào đã phản ánh tác hại, nguy hiểm và là thực tế đáng báo động về tệ nạn ma túy.

Thực tế này đòi hỏi các ngành, các cấp phải thực sự coi trọng và xem công tác phòng chống ma túy là nhiệm vụ thường xuyên và phải được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, tập trung nhóm có nguy cơ cao như: thanh thiếu niên, người nghiện và gia đình người nghiện, người có tiền án tiền sự.

Ngành công an thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình tội phạm về ma túy, đối tượng liên quan đến ma túy, lập hồ sơ quản lý và có kế hoạch đấu tranh, triệt xóa ngay khi phát hiện vi phạm. Song song, tăng cường công tác quản lý, giáo dục người phạm tội liên quan đến ma túy đã chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, người sau cai nghiện, người nghiện đang ở ngoài cộng đồng để hạn chế nguy cơ phát sinh tội phạm.

Hưởng ứng ngày Tháng hành động phòng chống ma túy, ngày quốc tế, ngày Toàn dân phòng chống ma túy, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị mỗi cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên và người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước hiểm họa ma túy bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Đồng thời tích cực tham gia phát hiện, tố giác người sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. “Chúng ta không kỳ thị người nghiện và tích cực vận động, hỗ trợ họ tự nguyện tham gia các hình thức cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Có như thế mới có thể từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Thống kê đến cuối tháng 10/2019, cả nước có 235.000 người sử dụng ma túy và nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng hơn 10.000 người so 2018). Riêng tỉnh Vĩnh Long, hiện có hơn 2.400 người sử dụng ma túy và nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng hơn 230 người so cuối 2019), chiếm 1,04% so tổng số người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên cả nước.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH