Khai thác cát trái phép ngày càng phức tạp, tinh vi

Cập nhật, 05:12, Thứ Tư, 04/12/2019 (GMT+7)

Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Trong khi đó, hình thức xử phạt chủ yếu ở mức hành chính nên chưa đủ sức răn đe.

Phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo nguồn tài nguyên cát quý giá có thể khai thác lâu dài trong tương lai.
Phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo nguồn tài nguyên cát quý giá có thể khai thác lâu dài trong tương lai.

Nhiều điểm “nóng” khai thác cát trái phép

Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 36 khu vực mỏ được cấp phép khai thác cát sông. Nhưng 6 tháng đầu năm, tỉnh tổ chức 80 cuộc kiểm tra, đã phát hiện 101 trường hợp vi phạm về khai thác cát không phép, xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Trong đó, theo UBND huyện Mang Thít, toàn huyện hiện có 7 khu vực mỏ cát được cấp phép cho 4 đơn vị khai thác, tập trung trên tuyến sông Cổ Chiên thuộc địa bàn các xã Mỹ An, An Phước, Mỹ Phước và Chánh An.

Từ năm 2017 đến tháng 6/2019, huyện Mang Thít đã tổ chức kiểm tra và phát hiện 422 trường hợp khai thác cát trái phép, ra quyết định xử phạt trên 1,8 tỷ đồng và tịch thu trên 1.900m3 cát.

Cũng trong thời gian qua, huyện Vũng Liêm phát hiện 293 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính trên 1,9 tỷ đồng.

Huyện cũng thành lập đoàn và phối hợp với các địa phương giáp ranh như huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), Càng Long (Trà Vinh) tổ chức kiểm tra thường xuyên trên các tuyến sông, nhằm ngăn chặn triệt để hành vi khai thác cát trái phép.

Tình trạng này cũng diễn ra trên địa bàn huyện Trà Ôn, từ năm 2017 đến tháng 6/2019, huyện đã tổ chức 121 cuộc kiểm tra, phát hiện 96 trường hợp bơm hút cát sông không có giấy phép và xử phạt hành chính với trên 736 triệu đồng.

Trà Ôn có 7 khu vực mỏ cát được cấp phép khai thác, trong đó có 5 mỏ đang hoạt động, 2 mỏ còn lại do không nhận được sự đồng thuận của người dân nên tạm ngưng khai thác.

Theo quy hoạch giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tổng công suất khai thác cát sông trên địa bàn huyện Trà Ôn bình quân vào khoảng 4,5 triệu mét khối/năm, tổng trữ lượng khai thác đến năm 2030 khoảng 18- 24 triệu mét khối.

Ông Trương Kế Truyền- Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- cho biết, mặc dù địa phương đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nhưng chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng khai thác cát trái phép.

Thời điểm khai thác cát trái phép chủ yếu là ban đêm, khi đó lực lượng chức năng sẽ khó giám sát, tiếp cận phương tiện vi phạm.

Theo ông Trương Kế Truyền, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu cát san lấp mặt bằng ngày càng tăng. Trong khi đó, hình thức phạt hành chính là chủ yếu nên không đủ sức răn đe, tái phạm cứ thế tiếp diễn.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Để ngăn ngừa, hạn chế vi phạm trong khai thác cát trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên- Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, chính quyền địa phương.

Bên cạnh, sở cũng đã ký kết với các tỉnh giáp ranh về quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

Vừa qua, Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh đã phối hợp với các tổ đại biểu HĐND tỉnh tiến hành giám sát “Công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm khai thác cát sông trên địa bàn huyện” tại các huyện: Trà Ôn, Mang Thít, Bình Tân và Vũng Liêm.

Qua giám sát cho thấy, việc chấp hành quy định pháp luật của một số doanh nghiệp còn chưa nghiêm túc, còn nhiều trường hợp khai thác ngoài vị trí được cấp phép, khai báo sản lượng khai thác chưa sát với công suất, năng lực khai thác so với trữ lượng cấp phép.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp công khai bảng thông tin, cắm mốc giới khai thác chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc giám sát, theo dõi của người dân. Đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra và diễn biến khá phức tạp, tinh vi.

Các địa phương kiến nghị ngành chức năng, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, khoáng sản thì phải quyết liệt mở các đợt cao điểm kiểm tra hoạt động khai thác cát tại các địa bàn nóng, phức tạp.

Đồng thời, tăng mức mức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm, kể cả hình thức tịch thu phương tiện để tránh tình trạng tái phạm.

Cụ thể, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, Điều 44 của Nghị định số 33 của Chính phủ về hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ, tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm theo quy định”.

Quyết định số 914 của UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố 19 vùng cấm hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông với tổng diện tích hơn 3.900ha, tổng trữ lượng hơn 12,9 triệu mét khối.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TẤN PHONG