Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

Cập nhật, 05:21, Thứ Ba, 03/12/2019 (GMT+7)

Bộ Công an vừa đưa ra cảnh báo về tình hình hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao với thủ đoạn đánh cắp tài khoản mạng xã hội với mục đích lừa đảo.

Theo điều tra, các đối tượng thường “hack” tài khoản Facebook bằng cách dò mật khẩu hoặc lập một trang web giả mạo rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập tài khoản này để đánh cắp thông tin.

Khi đã kiểm soát được tài khoản, chúng bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ tài khoản.

Sau đó, các đối tượng lừa đảo sẽ “nhập vai” là chủ các tài khoản này để nhắn tin trò chuyện với những người thân, đối tác làm ăn để thực hiện các hành vi lừa đảo như: vay tiền, nhờ mua đồ đạc, thẻ điện thoại,…

Hầu hết nạn nhân của các vụ lừa đảo này là người lớn tuổi, vì họ thường đặt mật khẩu tài khoản đơn giản, dễ nhớ.

Có khi, các đối tượng lừa đảo nhắm đến những nạn nhân đang sinh sống tại nước ngoài, để khi bị lừa đảo vay tiền, nhờ mua đồ đạc, thẻ điện thoại,… họ sẽ khó liên hệ ngay được với chủ tài khoản Facebook để kiểm chứng thông tin.

Một tài khoản bị kẻ xấu đăng nhập, kiểm soát và sử dụng vào mục đích lừa đảo. Ảnh chụp màn hình
Một tài khoản bị kẻ xấu đăng nhập, kiểm soát và sử dụng vào mục đích lừa đảo. Ảnh chụp màn hình

Để dẫn dụ người dùng Facebook thiếu cảnh giác và đăng nhập vào các đường link giả mạo, các đối tượng thường dùng các thủ đoạn gửi tin nhắn thông báo chủ các tài khoản Facebook bị xuyên tạc với nhiều nội dung khác nhau và yêu cầu kích vào đường link, đăng nhập tài khoản Facebook của mình để tiếp tục xem nội dung.

Có khi, chúng sẽ gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản có vợ hoặc chồng ngoại tình và bị chụp ảnh, ghi hình. Khi đó, những đối tượng lừa đảo sẽ “gợi ý” nạn nhân muốn lấy hình ảnh và biết cụ thể sự việc thì đăng nhập vào tài khoản Facebook để xem “bằng chứng”.

Hoặc những kẻ lừa đảo sẽ gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản có người thân hoặc bạn bè đang tham dự một cuộc thi nào đó và hiện đã lọt vào “top 10” nên cần lượt chia sẻ để tăng like, lượt xem, bình chọn nên nhờ chủ tài khoản đăng nhập Facebook và làm theo hướng dẫn.

Trên thực tế, các đường link này đều là đường link giả mạo được các đối tượng thiết kế tương tự website chính thức của Facebook để đánh cắp mật khẩu và tài khoản người dùng.

Nhờ cảnh giác, chị N.P.T.T. (ở Long Hồ) may mắn không sụp bẫy kẻ lừa đảo. Chị T. kể, vừa qua chị nhận tin nhắn từ tài khoản Facebook của một người bạn thân nhờ chuyển vào tài khoản ngân hàng 30 triệu đồng.

Theo nội dung tin nhắn, “người bạn” này nói cần chuyển ngay số tiền trên cho đối tác làm ăn nhưng tài khoản hết tiền và đang đi công tác xa nên không thể xoay xở kịp.

Thấy sự việc bất thường, chị T. cẩn thận điện thoại cho bạn kiểm tra tài khoản mới hay vừa bị ai đó đăng nhập.

“Bạn bè chúng tôi hay giúp đỡ nhau lúc khó khăn về tiền bạc nhưng chỉ trao đổi trực tiếp chứ chưa lần nào nhắn tin qua mạng xã hội và chuyển khoản qua ngân hàng số tiền lớn như vậy”- chị T. kể và nói thêm, từ sự bất thường đó nên chị nghi ngờ và không bị mất tiền vào tay kẻ lừa đảo.

Trước thực trạng này, Bộ Công an cảnh báo đến người dùng Facebook khi nhận được tin nhắn tin vay tiền, nhờ mua đồ đạc, thẻ điện thoại,… thì cần điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản Facebook để xác minh thông tin.

Đồng thời, chỉ đăng nhập tài khoản trên website chính thức của Facebook và tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường.

Người sử dụng Facebook cũng cần cài đặt mật khẩu có tính bảo mật cao và hạn chế sử dụng họ tên, biệt danh, ngày sinh để cài đặt mật khẩu. Luôn cài đặt mã xác thực qua điện thoại hoặc mail và cài đặt cảnh báo đăng nhập, để kịp thời phát hiện tình trạng đăng nhập bất thường từ thiết bị khác.

TRUNG HƯNG