Mại dâm ngày càng tinh vi, phức tạp

Cập nhật, 13:46, Thứ Năm, 07/04/2016 (GMT+7)

Các đợt điều tra, truy quét liên tục của cơ quan chức năng trong những năm gần đây đã góp phần kéo giảm tệ nạn mại dâm, nhưng hình thức của hoạt động này ngày càng tinh vi, phức tạp. Để giải quyết triệt để tệ nạn này, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Mại dâm biến tướng

Báo cáo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, cả nước hiện có trên 11.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý, tập trung nhiều ở một số khu vực Đồng bằng sông Hồng (trên 3.000 người), Bắc Trung Bộ (trên 800 người), Đông Nam Bộ (trên 3.200 người), ĐBSCL (trên 1.300 người).

Mại dâm trá hình ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, khu du lịch. Đáng lo ngại là tái diễn tình trạng mại dâm nơi công cộng, các đường dây thông qua mạng Internet, du lịch tình dục; mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người nước ngoài bán dâm.

Người bán dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng, đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau.

Tại các thành phố lớn, xuất hiện trở lại các tụ điểm mại dâm tại khu vực công cộng đã tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Ông Trần Ngọc Lợi- Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Vĩnh Long, cho rằng, con số thực tế có thể còn cao hơn do hoạt động này diễn ra tinh vi, trá hình, rất khó kiểm soát.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: khách sạn, karaoke, massage,… xuất hiện ngày càng nhiều, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ là “mảnh đất màu mỡ” để mại dâm hoạt động biến tướng.

Ông nêu khó khăn: Quy định mức phạt vi phạm hành chính đối với người mua, bán dâm vẫn còn nhẹ (từ 100.000- 300.000 đ/lần).

Người bán dâm dù phát hiện một hay nhiều lần cũng chỉ được phép lập hồ sơ vi phạm và phạt tiền, không áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương.

Qua theo dõi, nhiều đối tượng bán dâm thường không về lại địa phương cư trú mà chuyển sang địa bàn khác tiếp tục hành nghề, thậm chí chấp nhận phạt tiền để tiếp tục bán dâm nên rất khó tiếp cận để tư vấn, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng.

“Hướng thiện” cho người bán dâm

Nhiều mô hình lồng ghép phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ cao như: phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, phát triển làng nghề, hội viên làm kinh tế giỏi, nhóm tự lực,… đang được phổ biến, nhân rộng ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Long,...

Đồng thời, cơ quan chức năng thường xuyên truy quét, xử lý các đối tượng mua bán dâm. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) Nguyễn Xuân Lập vẫn nhìn nhận:

Các giải pháp phòng chống mại dâm mới chỉ giải quyết vấn đề phát sinh, chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa xã hội. Hoạt động của các mô hình thí điểm giảm tác hại và hỗ trợ người bán dâm hoàn lương còn đơn giản, chưa hình thành hệ thống dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt.

Do đó, Chương trình phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2016- 2020) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.

Chương trình cũng bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm, góp phần giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.

Ông Trần Ngọc Lợi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tệ nạn mại dâm phần lớn là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm. Do đó, cần lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình xóa đói giảm nghèo, vay vốn ưu đãi, dạy nghề cho lao động nông thôn,… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn không để phụ nữ bị lôi kéo vào tệ nạn mại dâm.

Ông cũng cho biết thêm: Thông qua Chương trình hành động phòng, chống mại dâm, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung truy quét, xử lý nghiêm các ổ nhóm hoạt động mại dâm; quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng xã- phường- thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

3 mô hình phòng, chống, giảm thiểu hoạt động mại dâm sẽ được đưa vào thử nghiệm trong thời gian tới gồm: cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.

 

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG