Biết sống vị tha để hướng thiện

Cập nhật, 13:56, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

Một ngày, các cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội-Công an tỉnh Vĩnh Long thông qua mạng Internet, biết được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội- Công an TP Hồ Chí Minh đang thụ lý điều tra một vụ án đầy… bí ẩn.

Hung thủ Đặng Hùng Phương.
Hung thủ Đặng Hùng Phương.

Sáng hôm đó, nhân dân ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) phát hiện một tử thi được đặt trong một túi xách ven đường gần hầm chui Tân Tạo. Sau quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP Hồ Chí Minh xác định nhanh: nạn nhân là nam giới, cao khoảng 1m70, có dấu hiệu bị xiết cổ, trên đầu bị vật cứng tác động gây chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong.

Báo chí cả nước nhanh chóng đăng tải thông tin về vụ án gây chấn động kèm theo lời đề nghị hợp tác của Công an quận Bình Tân với quần chúng nhân dân nhằm sớm vạch mặt kẻ thủ ác, trả lại công bằng cho người bị hại.

Cùng thời điểm đó, cách TP Hồ Chí Minh gần 150km, tại Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Vĩnh Long, thông tin về vụ án đã được Thiếu tá Nguyễn Văn Hồng- Đội trưởng Đội điều tra án xâm phạm nhân thân và người đồng đội là Thượng úy Trần Chí Thanh theo dõi qua mạng Internet. Các cán bộ điều tra của Công an Vĩnh Long lần lượt cũng hay tin này và tỏ ra rất quan tâm.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hồng, các điều tra viên do “máu” nghề nghiệp nên khi hay tin một vụ án mới, sự quan tâm của họ thường rất “đặc biệt”, quan tâm vì trong tâm thức của bất cứ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nào cũng đều có tâm nguyện “mong muốn làm sao để bài trừ cái ác, cái xấu ra khỏi đời sống xã hội, trả lại sự công bằng cho những bị hại” và sự quan tâm đó còn thể hiện ở việc luôn theo dõi sát sao diễn biến của vụ án cũng như quá trình phá án để học tập kinh nghiệm từ các đồng nghiệp cũng làm công tác điều tra ở các địa phương khác- một cách học tập không thể thiếu của các điều tra viên, bởi thực tế tội phạm hiện nay diễn ra hết sức phức tạp, không có động cơ, thủ đoạn hay phương thức thực hiện của vụ nào giống vụ nào. Mỗi điều tra viên càng thu thập được nhiều kinh nghiệm phá án, càng củng cố vững chắc “tay nghề” điều tra của mình.

Không biết có phải ngẫu nhiên hay không, nhưng sự việc không dừng lại ở đó. 2 ngày sau đó, thông qua các kênh truyền thông, nhân chứng Hoàng Duy đến trình báo với Công an quận Bình Tân rằng: Anh hành nghề xe ôm, vào chập choạng đêm trước của hôm nhân dân phát hiện ra tử thi ở hầm chui Tân Tạo, anh Duy có mời một thanh niên, tuổi trên dưới 30, cao khoảng 1m70 đi xe ôm.

Bên cạnh người thanh niên này chính là chiếc túi xách đựng trái cây theo đúng như miêu tả trên báo chí. Ban đầu, người thanh niên từ chối đi xe ôm của anh Duy với thái độ lưỡng lự; sau khi nghe nài nỉ thì người thanh niên đã đồng ý và yêu cầu anh Duy chở mình ra bến xe Miền Tây.

Điều lạ là chiếc túi xách đựng trái cây đã bị người thanh niên bỏ lại bên đường với lý do trái cây bên trong đã bị hư, chở theo sẽ rất cồng kềnh, lại thêm chi phí xe ôm. Với “chỉ dấu” quan trọng này, địa bàn cư trú của đối tượng, của nạn nhân cùng hiện trường chính đã được khoanh vùng theo hướng mở kế hoạch điều tra về các tỉnh ĐBSCL.

Ngày tiếp theo, Thiếu tá Nguyễn Văn Hồng nhận được cú điện thoại của một đồng nghiệp tại Phòng Cảnh sát hình sự- Công an TP Hồ Chí Minh nhờ hỗ trợ truy tìm tung tích nạn nhân theo mẫu vân tay. Do tính chất cấp bách của công việc, không chờ văn bản, Thiếu tá Hồng báo cáo nhanh với Đại tá Trần Văn Dân- Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự.

Không để mất thời gian, Đại tá Dân liên lạc ngay với các phòng nghiệp vụ có liên quan, tra cứu nhanh tàng thư chứng minh nhân dân để truy tìm nhân thân của người bị hại. Tất cả cùng nhau hỗ trợ các đồng nghiệp từ TP Hồ Chí Minh tham gia phá án và kết quả hết sức bất ngờ: có nhiều khả năng nạn nhân là người ở Vĩnh Long. Đó là ông Đặng Văn Dũng, thường trú tại xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Mặc dù chưa có đủ cơ sở để truy nguyên nạn nhân có thể là ông Đặng Văn Dũng hay không, nhưng Thiếu tá Hồng vẫn quyết định lên đường điều tra từ “chỉ dấu” mỏng manh này.

Ngôi nhà nhỏ của ông Dũng nằm khuất sâu trong con đường độc đạo dẫn vào ấp Long Hiệp (xã Long An). Tại đây, Thiếu tá Hồng đã gặp anh Đặng Hùng Phương, là người sống chung nhà và có quan hệ ruột thịt với ông Dũng.

Khi được anh Phương cho biết thông tin ông Dũng đã vắng nhà gần 10 ngày qua, Thiếu tá Hồng quyết định chở Phương về đội điều tra của mình để hỗ trợ điều tra, nhận diện ông Dũng qua các hình ảnh mà Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp. Nhưng anh Đặng Hùng Phương đã xác nhận đây không phải là người thân của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vụ án lại lần nữa tưởng lại đi vào… ngõ cụt! Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ điều tra, thái độ và cử chỉ của Phương có rất nhiều chi tiết đáng ngờ đã không qua được cặp mắt tinh tường của các cán bộ điều tra lão luyện. Bằng vào trực giác, các điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Vĩnh Long nghi ngờ tuy rằng Phương là người thân của ông Dũng nhưng cũng có khả năng đây lại chính là… đối tượng mà họ cần tìm. Thiếu tá Hồng đã họp nhanh Đội điều tra bàn phương án đấu tranh.

Các anh thống nhất khả năng hiện trường gây án là tại nhà của nạn nhân vì nơi đây cách xa khu dân cư, đối tượng có nhiều thời gian chuẩn bị để phi tang, trốn tội. Ngay sau đó, Thiếu tá Hồng cùng đồng nghiệp quay trở lại ngôi nhà của nạn nhân- hiện trường mà các điều tra viên đều thống nhất nghi vấn.

Tại đây, các anh phát hiện một số dấu vết màu nâu đỏ còn in lại trên vách nhà, sàn gạch, đồ dùng cá nhân… nghi là máu nên các anh liên lạc ngay với Phòng Kỹ thuật hình sự- Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp hỗ trợ, thu thập dấu vết.

Sau khi phân tích các mẫu dấu vết thu được, Phòng Kỹ thuật hình sự- Công an tỉnh Vĩnh Long xác định: dấu vết máu trong nhà là của nạn nhân Đặng Văn Dũng và ngôi nhà của ông chính là hiện trường gây án. Hung khí gây án cũng được xác định chính là… chiếc chày đâm tiêu hiện nằm ở trong chái bếp sau nhà.

Cùng lúc này, các trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự cũng nhận được một số thông tin quan trọng từ những người cùng xóm với ông Dũng. Họ cho biết, ông Dũng mất tích 10 ngày qua, còn ông và con là Đặng Hùng Phương có một sự mâu thuẫn kéo dài.

Ông Dũng là người nghiện rượu, thường xuyên mắng chửi Phương và cũng hay đánh đập mẹ của Phương. Gần ngày xảy ra án mạng, cả hai người phát sinh mâu thuẫn nghiêm trọng về việc mua bán mảnh đất vườn nhà, có lúc ông Dũng đã lớn tiếng dọa giết chết Phương.

Từ những thông tin và chứng cứ đã thu thập được, Thiếu tá Hồng cùng các đồng nghiệp đã có đủ cơ sở để… đấu lý cùng đối tượng. Biết không thể chối cãi, Đặng Hùng Phương đã cúi đầu nhận tội: Hôm xảy ra án mạng, Phương bị ông Dũng mắng chửi và dọa giết. Không kiềm được lòng, Phương đã tấn công ông Dũng và trói tay, chân ông.

Bị nạn nhân kháng cự mãnh liệt, Phương đã dùng chày đâm tiêu đánh mạnh vào đỉnh đầu của ông Dũng và xiết cổ cho đến khi nạn nhân tắt thở; sau đó Phương đã quấn xác ông Dũng bỏ vào giỏ đựng trái cây, đón xe ôm lên TP Hồ Chí Minh bỏ lại ở khu hầm chui Tân Tạo.

Mọi việc đã rõ, vụ án khép lại, Đặng Hùng Phương bị Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt mức án “Chung thân” về tội giết người. Công bằng đã được trả lại cho người bị hại, tuy nhiên phía sau vụ án để lại một bài học khá đau lòng về cách hành xử chưa hợp tình, hợp lý của những người thân trong cùng gia đình.

Riêng đối với các điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Vĩnh Long, vụ án là một kinh nghiệm quý giá trong quá trình điều tra, khám phá án hình sự, đó là: “Phải hết sức tỉnh táo, linh hoạt, nhạy bén, không bỏ qua dù là một tình tiết nhỏ trong quá trình điều tra”.

Riêng đối với Thiếu tá Nguyễn Văn Hồng, mặc dù phá án thành công nhưng trong anh vẫn còn ray rứt chưa nguôi: “Phải chi con người có thể một lần đặt mình vào vị trí của người khác, sống vị tha hơn, cảm thông hơn, học cách bỏ qua những điều nhỏ nhặt, để người với người cùng hướng thiện”.

MINH TẤN

(Ghi theo lời kể của Thiếu tá Nguyễn Văn Hồng - Đội trưởng Đội điều tra án xâm phạm nhân thân- Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Vĩnh Long)