Vụ "hacker" tấn công Cổng thông tin Chính phủ và Quốc hội

"Muốn... thử kiến thức công nghệ- thông tin..."

Cập nhật, 07:01, Thứ Sáu, 18/12/2015 (GMT+7)

 

Tội phạm công nghệ cao dùng những công cụ tự tạo rồi kết nối mạng tấn công Cổng thông tin Chính phủ và Quốc hội.

Ngày 17/12/2015, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Đại Thắng (SN 1991, ấp Phước Yên A, xã Phú Quới- Long Hồ- ảnh) về tội “Cản trở hoạt động mạng Internet”.

Theo hồ sơ vụ án, trong 2 ngày (5 và 6/2/2015) Thắng dùng trang web tự tạo để kiểm tra Website Chinhphu.vn và kết quả trang web của Chính phủ hoạt động bình thường. Sau đó, Thắng truy cập công cụ tấn công từ Google xâm nhập trang web của Chính phủ để sao chép đường dẫn và dán lên công cụ tấn công mà Thắng đã tạo.

Kế tiếp, Thắng chọn 100 liên kết để tấn công trên các công cụ và khi Thắng phát lệnh thì ngay lập tức 100 liên kết đồng loạt tấn công trang web của Chính phủ. Để biết được “hiệu quả” của công cụ tấn công, Thắng truy cập trang web của Chính phủ. Khi thấy ngừng hoạt động, Thắng mới ra lệnh dừng tấn công.

 

Từ năm 2009- 2011, Thắng là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin- Trường ĐH Cửu Long. Trong thời gian này, Thắng cũng từng là hacker tấn công nhiều trang mạng làm ngưng hoạt động và đã bị cơ quan công an xử lý hành chính. Năm 2011- 2013, Thắng tiếp tục học Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long khóa lắp ráp vi tính. Tuy nhiên, Thắng đều không hoàn thành khóa học ở 2 trường trên.

 

Thắng khai nhận thêm còn 2 lần khác tấn công trang web của Chính phủ nhưng không nhớ rõ thời gian và những lần đó trang web ngừng hoạt động khoảng 5 giây. Những lần tấn công trang web của Chính phủ thành công, Thắng đều chia sẻ kết quả trên Facebook của mình.

Ngày 6/4/2015, Thắng tiếp tục “quậy” trang mạng của Quốc hội bằng công cụ tương tự như vụ tấn công trang web của Chính phủ. Thắng còn chụp hình đưa lên trang mạng của mình và viết bài chia sẻ trên Facebook cá nhân. Sau đó, công cụ tấn công trang web của Chính phủ và Quốc hội được một người bạn trong nhóm sửa lại đăng trên mạng.

Ngày hôm sau (7/4/2015), Thắng chạy lại tập tin rồi quay video màn hình máy tính của mình để hướng dẫn sử dụng công cụ tấn công do nhóm bạn sửa chữa. Ngoài ra Thắng còn khai thêm, cùng với nhóm Dic Group dùng công cụ tấn công trang mạng của Bộ GD-ĐT, Trung tâm Nghiên cứu máy tính và Vietnamnet.

Tuy nhiên, đây chỉ lời khai duy nhất của Thắng, không đủ cơ sở kết luận về hành vi phạm tội. Cơ quan an ninh điều tra- Công an Vĩnh Long sẽ phối hợp Cục an ninh mạng- Bộ Công an xác minh làm rõ, khi có đủ chứng cứ thì sẽ đề nghị Viện KSND tỉnh Vĩnh Long xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, bị cáo Thắng biện minh, hành vi của mình chỉ muốn thử kiến thức công nghệ thông tin và công cụ tấn công mạng tự tạo của mình. Bên cạnh đó, cũng là cảnh báo lỗ hổng của Cổng thông tin Chính phủ và Quốc hội để thấy mà điều chỉnh. Bị cáo còn hạn chế hiểu biết pháp luật và không nghĩ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của 2 trang mạng nói trên.

Bị cáo Trần Đại Thắng có tài năng, kiến thức công nghệ thông tin, nếu đem tài năng trí tuệ sử dụng đúng chỗ sẽ giúp ích cho xã hội, phát triển tin học cho đất nước. Tuy nhiên, bị cáo Thắng lại có hành vi gây cản trở các trang mạng lớn làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của đất nước nên cần xử lý nghiêm.

Bản án 3 năm 6 tháng tù dành cho bị cáo Trần Đại Thắng về tội “Cản trở hoạt động mạng Internet” cũng nhằm để giáo dục, răn đe tội phạm công nghệ cao.

 

Với tài năng công nghệ thông tin, Thắng được Công ty An ninh công nghệ cao tại TP Hà Nội (Bộ Công an) mời về làm việc. Thắng làm việc được khoảng 4 tháng, lập nhiều thành tích giúp cơ quan công an khám phá nhiều vụ án đánh bạc lớn qua mạng và tổ chức phản động. Nhưng sau đó, Thắng nghỉ làm trở về quê cùng với gia đình kinh doanh nhà trọ. Đến ngày 16/4/2015, Cơ quan an ninh- Công an Vĩnh Long khởi tố, bắt tạm giam Thắng về hành vi cản trở hoạt động Internet.

 

Bài, ảnh: HOÀI NAM