Vẫn nhức nhối hoạt động mại dâm trá hình

Cập nhật, 09:51, Thứ Năm, 22/05/2014 (GMT+7)

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, sau gần 1 năm Luật Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực, quy định không đưa các đối tượng bán dâm vào cơ sở giáo dục, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh không có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, việc xử lý tệ nạn này đang “vướng” vì thiếu chế tài. Trong khi đó, núp bóng dưới dạng kinh doanh khách sạn, massage… tệ nạn mại dâm đã và đang hoạt động tinh vi, khó phát hiện.


Một trường hợp mua bán dâm bị bắt quả tang. Ảnh: Tư liệu


Dịch vụ nhạy cảm biến tướng

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Vĩnh Long, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 người bán dâm có hồ sơ quản lý, 130 người nghi bán dâm. Hoạt động mại dâm chủ yếu diễn ra với hình thức nhỏ lẻ, chưa phát hiện hoạt động có tổ chức.

Năm 2013, Đội kiểm tra liên ngành Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh (Đội kiểm tra liên ngành 178) đã kiểm tra hành chính tại 579 cơ sở, phát hiện 105 cơ sở vi phạm, trong đó có 2 cơ sở hoạt động mại dâm đã chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự. Phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội triệt phá 3 tụ điểm, bắt quả tang 8 đối tượng đang có hành vi mua bán dâm.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 2.308 cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà trọ, karaoke, massage, hớt tóc thanh nữ…, với khoảng 2.500 lao động đang làm việc.
Theo ông Trần Ngọc Lợi- Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, dưới vỏ bọc là dịch vụ massage, karaoke, hớt tóc thanh nữ… các tiếp viên tại đây sẵn sàng đi khách nếu có yêu cầu, một số chủ cơ sở còn bao che để hưởng “hoa hồng”.

Khi bắt quả tang hành vi bán dâm, nếu đối tượng không có khả năng đóng phạt thì cơ quan chức năng cũng không thể áp dụng biện pháp xử lý khác. Chưa kể một số cơ sở hoạt động mại dâm trá hình đều bố trí người cảnh giới, khi phát hiện lực lượng kiểm tra sẽ báo động cho các nhân viên nên việc kiểm tra và xử lý không hề đơn giản.

“Hình thức xử lý chỉ ở mức vi phạm hành chính nên không đủ sức răn đe. Trong luật chưa có chế tài đối với người trực tiếp thực hiện các hành vi khiêu dâm, kích dục mà chỉ quy định xử lý đối với chủ cơ sở.

Vì vậy, các đối tượng này vẫn hoạt động, tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: nhà hàng, karaoke, hớt tóc, gội đầu, cà phê đèn mờ… có tiếp viên nữ. Hoặc khi phát hiện người bán dâm dù một lần hay nhiều lần, cơ quan chức năng chỉ được phép lập hồ sơ vi phạm và phạt tiền; đồng thời, thông báo với địa phương để tiếp nhận đối tượng về quản lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, những gái bán dâm thường không về địa phương cư trú mà chuyển sang địa bàn khác để tiếp tục hành nghề. Thậm chí, nhiều người còn chấp nhận bị phạt để hành nghề, hoặc “tăng ca” để bù vào số tiền đóng phạt”- ông Trần Ngọc Lợi cho biết.

Tuyên truyền, vận động đến từng địa bàn,đối tượng

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh- kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhạy cảm, xử lý triệt để những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, sẽ tiếp tục triển khai xây dựng mô hình xã- phường- thị trấn lành mạnh, không tệ nạn ma túy, mại dâm gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2014, sẽ thành lập mới một số đội hoạt động xã hội tình nguyện tại một số địa phương trong tỉnh nhằm đưa công tác phòng chống tệ nạn mại dâm đi vào chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng như: nữ tiếp viên, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ…

Theo ông Trần Ngọc Lợi, trong công tác tuyên truyền sẽ vận động những người có uy tín tại địa phương, người bán dâm đã hoàn lương… cùng với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể giáo dục, cảm hóa và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.
 
“Đây là cách làm hiệu quả trong thời gian qua, những thành phần tham gia phòng chống tệ nạn chủ yếu cư trú tại địa phương nên hiểu sâu sát địa bàn, nắm rõ hoàn cảnh gia đình các đối tượng, từ đó có cách vận động phù hợp, hướng những người lầm lỡ sống đúng theo pháp luật”- ông Trần Ngọc Lợi cho biết.

Ngày 1/7/2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, quy định đưa người bán dâm vào các trung tâm giáo dục, lao động và xã hội (thường được gọi là trung tâm phục hồi nhân phẩm) chính thức được bãi bỏ. Đây là sự thay đổi trong phương thức quản lý hoạt động mại dâm nhằm tập trung quản lý mại dâm từ phần gốc, tức là xử lý mạnh các đối tượng là chủ chứa, môi giới, buôn bán bắt ép phụ nữ hoạt động mại dâm. Việc bãi bỏ quy định cũng nhằm tạo điều kiện cho người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ can thiệp giảm tác hại trong cộng đồng, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập đời sống xã hội.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG