Câu chuyện pháp luật

Những kiểu đòi nợ... phạm pháp

Cập nhật, 13:24, Thứ Tư, 18/07/2012 (GMT+7)

Bức xúc trước việc con nợ thiếu tiền không chịu trả, một số người đã dùng “biện pháp mạnh” để đòi tiền mà không hay mình đã phạm vào tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

1. Khi dùng thủ đoạn gian dối bắt giữ người nhà con nợ, Nguyễn Trung Kiên (SN 1982- ngụ Phường 11, quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh) và các bạn đều không ngờ đó là hành vi phạm pháp. “Lúc công an ập vào quán cà phê bắt tôi về tội bắt cóc, tôi ngỡ ngàng chết lặng. Sau đó, lần lượt 5 người bạn của tôi cũng bị bắt và bị khởi tố về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”- Kiên thẫn thờ, cho biết.

Kiên và bị hại Trần Tấn Hòa ở Phường 5 (TP Vĩnh Long) quen nhau khi Hòa cùng vợ đến Phường 13 (quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh) tạm trú làm bảng hiệu quảng cáo. Cả hai đã nhiều lần tham gia cá độ bóng đá dẫn đến Hòa thiếu Kiên 150 triệu đồng. “Lúc thắng, Hòa nhận tiền chung chi sòng phẳng, khi thua lại “quỵt” nợ và bỏ trốn. Bị cáo nhiều lần điện thoại nhưng Hòa không nghe máy nên bị cáo mới nhờ em kết nghĩa cùng 3 người bạn đến TX Sa Đéc (Đồng Tháp) và TP Vĩnh Long tìm Hòa đòi nợ”- Kiên kể.

Sẽ không có rắc rối xảy ra nếu như khi phát hiện vợ chồng Hòa chạy xe trên đường Mậu Thân (TP Vĩnh Long), nhóm bạn của Kiên giải quyết sự việc một cách có lý, có tình hơn là làm dữ khiến Hòa hoảng sợ bỏ chạy, còn vợ Hòa vì sợ chồng gặp nguy hiểm đã đồng ý đi gặp chủ nợ và được những người đi đòi nợ đưa thẳng lên TP Hồ Chí Minh gặp Kiên để nói chuyện.

Trước tòa, Kiên và các đồng phạm đều cho rằng “việc làm của các bị cáo xuất phát từ sự đồng tình của bị hại nên không thể coi là phạm tội bắt cóc”. Bị hại cũng thừa nhận: “Anh Kiên và mấy anh chị kia đối xử với tôi rất tử tế, họ đưa tôi đi ăn uống rồi về khách sạn ngủ chờ chồng tôi lên. Họ nói chuyện với tôi lịch sự, không đánh đập hay mắng chửi, chỉ có lúc ở khách sạn, tôi định gọi điện thoại cho người nhà thì anh Kiên bước vô giật nghe và nói với em tôi là trưa mai không mang đủ tiền đến trả sẽ chặt tay tôi gửi về. Tôi sợ quá chỉ biết khóc”.

Mặc dù trước tòa, bị hại đã tha thiết “xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo” nhưng theo nhận định của HĐXX: Hành vi đe dọa, nói dối để đưa bị hại đến TP Hồ Chí Minh buộc viết giấy nợ rồi giữ qua đêm đến chiều hôm sau,… đã đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, bị cáo Kiên với vai trò chủ mưu bị phạt 6 năm tù giam, 4 bị cáo đi đòi nợ dùm Kiên bị phạt từ 4- 5 năm tù giam, còn bị cáo Nguyễn Thị Hoa Huệ chỉ đi “lấy hộp mực cho bị hại lăn tay vào giấy nợ và ở lại khách sạn ngủ cùng bị hại cho có bạn” cũng bị khởi tố với vai trò đồng phạm và bị phạt 3 năm tù giam tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

2. Tương tự, Nguyễn Văn Vũ (tự Mười Ne- SN 1970, ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành- Đồng Tháp) cũng không biết việc mình và 5 người bạn thuê ôtô đến nhà anh Nguyễn Long Điền ở ấp Đông Hưng 1 (xã Đông Thành- Bình Minh) giả vờ hỏi mua số đề, hẹn anh Điền ra ngoài rồi đưa lên xe chở đi để buộc vợ anh Điền mang đủ số tiền đang nợ đến chuộc là vi phạm pháp luật. Trước tòa, bị cáo Vũ khai: “Điền mua số đề của bị cáo và còn nợ khoảng 114 triệu đồng. Trong khi đó, bị cáo thiếu nợ nhà nước 150 triệu đồng, gần đến hạn mà không có tiền trả nên bị cáo mới làm vậy để buộc Điền trả tiền”.

Vũ và 5 bị cáo có liên quan vốn hiểu biết pháp luật bị hạn chế “cứ nghĩ làm vậy, con nợ sẽ không né tránh và trả nợ” nhưng không ngờ lại rước họa vào thân. Vị luật sư bào chữa cho Vũ tại tòa cũng đưa ra nhiều lý lẽ biện minh rằng: Vũ cùng đồng bọn giữ anh Điền chỉ với mục đích đòi nợ và cũng chưa lấy được tiền nên không thể buộc các bị cáo tội danh “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” vì bị hại nhà rất nghèo “làm gì có số tiền lớn vậy mà các bị cáo nhắm vào bắt cóc để đòi tiền chuộc”.

Tuy nhiên, theo nhận định của HĐXX: Hành vi bắt giữ người trái pháp luật và buộc bị hại viết giấy nợ với số tiền 115 triệu đồng của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Do đó, HĐXX TAND huyện Bình Minh đã tuyên án sơ thẩm phạt bị cáo Vũ 5 năm tù giam, các bị cáo còn lại bị phạt từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù giam.

3. Trường hợp phạm tội của Nguyễn Duy Tân (SN 1989- ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) thì càng đáng tiếc hơn. Tân và bị hại vốn chẳng quen biết nhưng vẫn nhiệt tình đi đòi nợ dùm và vô tình phạm vào tội “Cướp tài sản”.

Trước vành móng ngựa, Tân thừa nhận “bị cáo lấy xe của bị hại để trừ nợ dùm bạn” và không nghĩ đó là hành vi cướp tài sản nên sau khi đánh bị hại lấy được xe, Tân xem như không có chuyện gì xảy ra, chạy đến quán nước gần đó uống cà phê. Đến khoảng 3 giờ sáng, Tân mang xe đến gửi nhà người quen rồi về nhà ngủ. Sáng lại, Công an xã Tân Hội mời Tân đến làm việc, Tân liền mang xe đến giao nộp. Sau khi sự việc xảy ra, biết mình đã sai, Tân tỏ ra hối hận và khai báo rất thành khẩn, chiếc xe cũng được thu hồi trả chủ. Theo nhận định của HĐXX: Việc bị cáo dùng nón bảo hiểm là loại hung khí nguy hiểm tấn công bị hại khiến bị hại lâm vào thế bị động, không thể chống cự rồi chiếm đoạt xe. Mặc dù, mục đích của Tân lấy xe là để trừ nợ giúp bạn, nhưng hành vi đó đã gây hoang mang dư luận và đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản”. Do đó, Tân đã phải trả giá bằng bản án 8 năm tù giam.

Từ những vụ đòi nợ bất hợp pháp trên cho thấy, mọi tranh chấp nợ nần cần được giải quyết dựa trên quy định của pháp luật. Những ai tự đặt ra cách giải quyết riêng và thiếu hiểu biết đều dễ dẫn đến chỗ phạm tội và phải trả giá đắt.

DIỄM PHƯỢNG