Mở rộng vùng sản xuất giống lúa "ngon nhất thế giới"

Cập nhật, 16:14, Thứ Năm, 14/01/2021 (GMT+7)

Việt Nam có nhiều giống lúa thơm ngon danh tiếng hàng đầu trên thị trường gạo thế giới. Trong đó, giống lúa ST25 cần mở rộng nhanh vùng sản xuất.

Ðoàn công tác Bộ NN&PTNT thăm ruộng lúa giống ST25.
Ðoàn công tác Bộ NN&PTNT thăm ruộng lúa giống ST25.

Sóc Trăng vào mùa lúa thơm

Dự báo trước tình hình nguồn nước đầu nguồn sông Mekong xuống mức thấp trong mùa khô năm nay, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo các địa phương ven biển vùng ÐBSCL chuyển đổi lịch thời vụ, gieo sạ sớm từ sau giữa tháng 10-2020, đến nay trên phần lớn diện tích lúa đông xuân vùng ven biển đang giai đoạn trổ, chín vàng đồng.

Tại tỉnh Sóc Trăng, thủ phủ vùng trồng lúa thơm đặc sản, nhiều đồng lúa ST25 bước vào mùa gặt sớm, kịp làm gạo ngon ra chợ Tết Nguyên đán năm nay.

Nông dân Lê Văn Long, xã Long Ðức, huyện Long Phú đang cho máy gặt ra đồng thu hoạch, ông cười tươi, nói: “Ðây là vụ lúa đầu tiên tôi trồng 1ha giống lúa ST25. Nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước cấp đảm bảo và nhất là giống lúa nầy khả năng thích ứng tốt vụ đông xuân nên rất ít sâu bệnh, không tốn chi phí thuốc trừ sâu. Năng suất lúa tươi trúng mùa, đạt khoảng 6,8-7 tấn/ha”.

Ông Long là thành viên trong Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Ðức trải rộng trên 600ha. Ông Trương Thanh Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi, cho biết: Toàn bộ diện tích lúa đông xuân được các hộ thành viên đồng thuận chọn trồng lúa thơm. Trong đó, 50% là giống lúa ST25 và 50% là giống lúa Ðài Thơm 8. Cả 2 loại giống lúa nầy cho năng suất tương đương. Lúa Ðài Thơm 8 bán tại ruộng 6.700 đồng/kg, còn lúa ST25 bán theo hợp đồng ký kết cho Công ty CP gạo Ông Thọ Sài Gòn, giá lúa tươi tại ruộng 7.700 đồng/kg.

Ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng từng là một trong những nơi “đầu sóng, ngọn gió” trong cuộc chiến chống hạn mặn vào mùa khô khốc liệt năm 2015-2016. Tuy nhiên, vụ lúa đông xuân 2020-2021 này, nông dân gieo sạ sớm nên hiện thời khi mặn ngoài sông Hậu vừa tăng lên 10‰ thì cả vùng lúa 16.000ha đã vượt qua giai đoạn đe dọa bởi hạn mặn, đảm bảo an toàn, trong đó sẽ thu hoạch 13.000ha trước Tết Nguyên đán.

Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo sạ trên 175.000ha, với 90% sử dụng giống lúa chất lượng cao, trong đó, trên 52% nông dân trồng các giống lúa thơm đặc sản. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán, Sóc Trăng thu hoạch xong 50% diện tích lúa đông xuân.

Mở rộng cửa cho ST25

Vào những ngày đầu năm 2021, đoàn công tác Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đến thăm Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống lúa của Kỹ sư Hồ Quang Cua. Tham quan cánh đồng nhân giống gần 10ha, sản xuất lúa giống đầu dòng với các giống chủ lực ST25, ST24… Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý về các giải pháp phát triển bền vững lúa thơm Sóc Trăng, đặc biệt là giống lúa ST25 đã đạt Giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Kỹ sư Hồ Quang Cua trình bày quá trình chọn lọc, lai tạo giống lúa thơm ST ngắn ngày (95-110 ngày), không cảm quan, có thể gieo trồng quanh năm, có khả năng kháng sâu bệnh và đạt năng suất cao hơn hẳn giống lúa thơm mùa mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Ðặc biệt ưu điểm các giống lúa thơm ST, kể từ giống ST20 đến ST24, ST25 đã khẳng định được đỉnh cao về phẩm chất gạo ngon, liên tiếp đạt giải cao nhất, nhì trong các cuộc thi gạo ngon trong nước và thế giới. Hơn nữa giống lúa ST25 có khả năng thích nghi tốt vùng luân canh lúa - tôm ở các tỉnh ven biển ÐBSCL. Sau một năm giống ST25 được công nhận, đến nay bắt đầu mở rộng vùng trồng ở ÐBSCL lên hơn 50.000ha và đang tiếp tục đưa khảo nghiệm ở 3 vùng sản xuất lúa lớn ở Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc.

Theo Kỹ sư Hồ Quang Cua, việc xây dựng thương hiệu và giữ gìn thương hiệu gạo cho Việt Nam cần có nhiều biện pháp, vừa là những cố gắng nội tại của doanh nghiệp, vừa tăng cường công tác quản lý nhà nước và có sự đầu tư đúng mức nguồn vốn sự nghiệp. Các giải pháp cần được thực thi đồng bộ ở tất cả các địa phương cũng như khâu kiểm định đầu ra. Từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu gạo thơm Việt Nam phát triển bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Ngày nay nước ta đã có trong tay nhiều giống lúa ngon danh tiếng hàng đầu được thị trường thế giới ưa chuộng. Nhất là với giống lúa ST25, khi đã có giống tốt, gạo thơm ngon nhưng hiện bán ra thị trường chưa nhiều.

Qua khảo nghiệm và thực tiễn sản xuất hiệu quả của bà con nông dân, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cần có biện pháp phối hợp với tỉnh Sóc Trăng và nhóm tác giả giống lúa ST để xúc tiến đề án xây dựng phát triển sản xuất, mở rộng vùng trồng lúa ST25 nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo ngon Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo Cục Trồng trọt, năm 2020 sản lượng lúa cả nước đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85%, giá gạo xuất khẩu được nâng cao bình quân từ 440 USD/tấn (năm 2019) lên 496 USD/tấn (năm 2020)

Theo HỮU ĐỨC (Báo Cần Thơ)