Bảo tồn lúa đặc sản Nàng Nhen

Cập nhật, 15:01, Thứ Sáu, 22/01/2021 (GMT+7)

Nàng Nhen là loại lúa thơm, gạo đỏ đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi. Do đặc tính kháng sâu bệnh tốt, chịu hạn, phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất ruộng trên, canh tác chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa nên mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ. Nếu bảo tồn và xây dựng thương hiệu tốt, gạo Nàng Nhen sẽ là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

 Thu hoạch lúa Nàng Nhen bằng tay
Thu hoạch lúa Nàng Nhen bằng tay

Lúa sạch đặc trưng

Do canh tác phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên nên nông dân Tri Tôn thường cấy lúa Nàng Nhen vào tháng 7, 8 (bắt đầu mùa mưa chính) và thu hoạch vào khoảng tháng 12, tháng 1 năm sau, ngay trước dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này, nông dân đang vào vụ thu hoạch lúa Nàng Nhen. Tuy năng suất chỉ đạt từ 450-500kg/công (1.000m2) nhưng nhờ giá bán cao, từ 10.000-13.000 đồng/kg (gần gấp đôi lúa ngắn ngày) nên nông dân Khmer thu lãi từ 2-3 triệu đồng/công.

“Lúa Nàng Nhen là giống lúa truyền thống, được bà con canh tác từ lâu. Giống lúa này có mùi thơm, gạo trắng đẹp, cơm hơi dẻo. Nhiều người thích ăn gạo Nàng Nhen nên khi lúa mới trổ, đã đặt tiền cọc trước để mua” - nông dân Chau Sê (ngụ ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, Tri Tôn) thông tin.

Theo tập quán của nông dân Khmer, việc canh tác lúa Nàng Nhen không sử dụng phân hóa học, chỉ sử dụng phân bò là chính. Phân bò cũng là yếu tố đặc biệt bổ sung nguồn dinh dưỡng và tạo vị thơm đặc trưng cho cây lúa. Phân bò được bà con Khmer ủ, đánh tơi rất kỹ trước khi bón cho cây lúa.

Do cày bừa từ 3-5 lần nên phân bò lẫn vào đất, quện lại như “lớp hồ” dày trên mặt ruộng, giúp rễ lúa hấp thụ dưỡng chất tốt hơn trong tầng canh tác 15-20cm, mưa lớn không trôi mất phân. Khi có lớp phân bò dày trên bề mặt ruộng, giúp ruộng đỡ mất nước khi lúa đẻ nhánh, làm đòng. Nguồn nước chủ yếu để trồng lúa Nàng Nhen là nước mưa tự nhiên nên không bị ô nhiễm, tạo ra sản phẩm “gạo siêu sạch”, ngon cơm và rất thơm.

Khi canh tác lúa Nàng Nhen, nông dân Khmer không sạ thẳng mà gieo mạ rồi mới cấy. Đất ruộng trên được bà con làm kỹ, cày 1-2 lần, bừa 2-3 lần, phân bò bón lót đã ủ, trộn nhuyễn khi làm đất. Bà con gieo mạ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, khi mạ từ 25-30 ngày thì tiến hành cấy lúa.

“Trước khi cấy, mình phải vệ sinh, dùng bò kéo cày xới đất, diệt mầm kỹ. 10 ngày sau cấy, bón bổ sung phân bò (khoảng 10kg/công) rồi tiến hành dặm lúa. Khoảng 1 tháng sau, tiếp tục bón phân lần 2, đợi lúa phát triển tốt rồi bón dặm thêm lần nữa là được. Từ khi sạ, cấy đến thu hoạch lúa là 6 tháng. Lúa cắt bằng tay, bó lại, phơi bó lúa 3 ngày mới đập tách lúa ra khỏi phầm rơm rạ. Sau đó, mang về nhà sàng lại cho sạch rồi xay thành gạo. Phần rơm, mình cũng tận dụng để nuôi bò” - nông dân Chau Sóc Kunh (canh tác hơn 2 công lúa Nàng Nhen tại ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) chia sẻ.

Xây dựng sản phẩm du lịch

Lợi thế của lúa Nàng Nhen là ít bệnh, kháng sâu, rầy, nhẹ công chăm sóc. Gạo Nàng Nhen hạt dài, thơm, bóng, trắng đều, ít bị rạn gãy trong quá trình xay xát nên được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, do canh tác lâu năm, giống lúa Nàng Nhen đã bị thoái hóa dần, không còn đảm bảo chất lượng như trước đây, ít thơm hơn. Bên cạnh đó, do canh tác dài ngày, năng suất và lợi nhuận không cao nên diện tích còn khiêm tốn. Vụ mùa này, nông dân Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn chỉ xuống giống 45ha lúa Nàng Nhen, tập trung ở các xã An Tức (22ha), Núi Tô (15ha), xã Châu Lăng và thị trấn Tri Tôn (8ha). Bình quân, mỗi hộ chỉ sản xuất vài công đất.

Trước nguy cơ mai một của giống lúa đặc sản Nàng Nhen, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn đã kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài phục tráng giống lúa này. “Nàng Nheng là giống lúa mùa đặc trưng của Tri Tôn. Trước tình trạng giống lúa bị thoái hóa do sản xuất lâu năm, huyện đã kiến nghị về tỉnh, được Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký làm đề tài cấp tỉnh, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện và đã được nghiệm thu. Các ngành chuyên môn xây dựng được quy chuẩn canh tác để đảm bảo giống lúa có độ thơm như trước đây. Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất chuyển giao giống lúa này cho bà con nông dân trồng thử nghiệm. Phòng NN&PTNT sẽ tiếp nhận nguồn giống để triển khai sản xuất ở những vùng đặc trưng, như: Núi Tô, An Tức, Châu Lăng, thị trấn Tri Tôn. Huyện còn phối hợp với Công ty TNHH Trịnh Văn Phú liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho giống lúa Nàng Nhen” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Trần Văn Cường thông tin.

Hiện nay, UBND huyện Tri Tôn đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho 4 giống lúa đặc sản của huyện là: Nàng Nhen, Móng Chim, Trứng Cu và giống lúa ST24 chứa 17 Axit amin. Qua đó, hình thành các mô hình du lịch trải nghiệm trồng và thu hoạch lúa theo phương pháp thủ công. Đồng thời, xây dựng thành các sản phẩm gạo sạch, đặc trưng để phục vụ du khách tại chỗ và làm quà mang về.

Theo Báo An Giang