Nhọc nhằn hạt gạo thời hạn mặn

Cập nhật, 12:59, Chủ Nhật, 28/06/2020 (GMT+7)

 

Nông dân vẫn nhọc nhằn làm ra hạt lúa, nhất là ở những vùng hạn mặn Ảnh: NGỌC TRINH
Nông dân vẫn nhọc nhằn làm ra hạt lúa, nhất là ở những vùng hạn mặn Ảnh: NGỌC TRINH

Nhìn thấy sự nhọc nhằn của người nông dân để làm ra hạt gạo, càng thấm câu: "Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"! Nên càng phải thương họ hơn và trân trọng hạt gạo nhiều hơn

Tôi vẫn nhớ rõ lần đầu tiên nhà tôi trồng lúa 2 vụ cách đây trên 30 năm. Hồi đó, quê tôi chỉ làm lúa mùa, một vụ. Không phải người dân quê tôi có việc khác làm nên không chí thú chuyện trồng lúa mà chính vì xứ đó có gần nửa năm nước mặn, chỉ có mùa mưa mới có nước ngọt để cấy lúa.

Thử nghiệm lúa ngắn ngày thất bại

Người quê tôi chỉ quen trồng lúa mùa, giống cũ, năng suất thấp nhưng an toàn. Ấy vậy mà năm đó, ba tôi tìm đâu ra được giống lúa ngắn ngày (hồi đó chỉ ở miệt Long An, Tiền Giang…, các vựa lúa thực sự mới trồng lúa ngắn ngày) đem về trồng vụ đầu.

Sau vài cơn mưa đã thực vào mùa, nước kinh đã ngọt trở lại, người dân quê tôi mới bắt đầu làm đất, gieo mạ thì ba tôi đã xuống vụ lúa mới. Không phải gieo mạ, nhổ mạ rồi mới cấy, vụ đầu ba tôi đem lúa giống đã ủ sẵn ra sạ…

Mọi thứ cũng khá thuận lợi cho đến lúc lúa bắt đầu ngậm sữa. Không biết ở đâu, rầy nâu kéo về rất nhiều. Ba tôi đi tìm thuốc xịt nhưng không hiệu quả.

Ông phải dùng vợt đi… xúc về cho vịt ăn. Cũng không ăn thua, sau đó phải thả vịt vào cho chúng rỉa bớt rầy! Vì không trừ được hết rầy nên lúa thất, một số thì bị lép hạt, một số bị chết cây.

Khi số còn lại đã chín thì chim sẻ ở đâu bay về hàng đàn, ngày nào anh em chúng tôi cũng đi gõ thùng thiếc, nắp xoong để đuổi chim…

Bởi cả vùng chưa có nơi nào có lúa nên rầy và chim rủ nhau đến ruộng nhà tôi, rốt cuộc vụ lúa đó thu hoạch xong mà ba mẹ tôi cứ thở dài: Biết vậy khỏi làm cho đỡ cực.

Nhưng đâu chỉ có vậy. Vụ sạ đã làm đẩy lùi vụ mùa. Trong khi ruộng người đã cấy xong thì ruộng nhà tôi lúa còn chưa chín. Lúc lúa nhà vừa gặt thì lúa người đã xanh.

Lúc lúa nhà vụ mới cấy xong thì lúa người có chỗ đã chuẩn bị trổ đòng. Đến khi lúa nhà trổ đòng thì rủi thay, năm đó mưa ngưng sớm, nước kinh bắt đầu "cứng"; đến mùa nước nổi thì lúa vẫn chưa chín nên bị ngã rạp.

Cuối cùng, ba tôi phải huy động bà con (lúc đó đã gặt xong rồi) đến gặt chạy lũ nhưng lúa thì chưa chín tới và chẳng nặng tay...

Cả 2 vụ lúa năm đó cộng lại, bồ lúa nhà tôi chỉ thêm được chút ít mà cả nhà ai cũng cực, kể cả thằng em út lúc đó mới 4-5 tuổi đã phải gõ nắp xoong điếc tai!

Thiên tai hay nhân tai?

Mùa khô năm nay diễn ra đồng thời 2 thảm họa: dịch Covid-19 và hạn mặn ở miền Tây. Đã 30 năm nay, gia đình tôi chuyển đến sống ở miền Đông Nam Bộ, không còn làm ruộng nữa.

Nhưng chúng tôi vẫn quan tâm đến việc làm lúa, không chỉ vì liên quan đến cái ăn hằng ngày mà còn vì nặng lòng với quê hương xứ sở! Hằng ngày, tôi đọc báo, nhìn những tấm ảnh lúa đã sắp trổ đòng giờ xác xơ trên thửa ruộng khô cằn mà ứa nước mắt.

Bà con mình bây giờ nhiều nơi đã làm lúa ba vụ, năng suất trên dưới chục tấn mỗi mẫu ở từng vụ (trước đây, người quê tôi làm chỉ trên dưới 5 tấn) nhưng mất trắng một vụ thì giảm đi 1/3 sản lượng, giảm đi ngần ấy thu nhập hoặc hơn nữa.

Có tấm ảnh hay clip nào đó đặc tả bàn tay người nông dân nhăn nheo nhổ lấy bụi lúa mà xót xa làm sao! Hay clip phỏng vấn một người nói như sắp khóc vì người ta phải đi thuê đất trồng lúa, bây giờ không chỉ mất trắng mà còn nợ tiền thuê…

Nhìn ảnh trâu bò nhởn nhơ gặm… lúa mà đau lòng, khi "hạt ngọc trời" không thể kết ngọc giữa cái nắng chói chang và nước mặn đắng…

Nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tuyên bố tình huống khẩn cấp khi hạn mặn vượt mức đỉnh của năm 2016. Ảnh hưởng không chỉ đến lúa mà còn hàng loạt vườn cây ăn trái và cả nước sinh hoạt cũng trở nên khan hiếm.

Ai đó đã nói hạn mặn cũng như các thiên tai khác có tính chu kỳ nhưng giờ đây, chu kỳ đó ngày càng ngắn lại. Và cũng có người đã nói, đây là thiên tai hay nhân tai, khi việc sử dụng nước của dòng Cửu Long giờ đây đã có nhiều điều bất ổn?

Vị mặn của hạt cơm

Những ngày phải giãn cách xã hội, dường như người ta ăn cơm nhiều hơn, bằng chứng là lượng gạo được bán ra tăng và giá cũng tăng đôi chút!

Nhưng giữa lúc lo lắng về dịch Covid-19, có thể không nhiều người nhận ra vị dẻo thơm của hạt gạo có pha cả vị mặn, không chỉ vị mặn ở sự nhọc nhằn của người nông dân mà còn cả vị mặn của nước đã nhiễm đến gần mười phần ngàn.

Tất nhiên, gạo ta đang ăn đây gần như đều được làm từ các vụ trước nhưng trong một xúc cảm mang tính ẩn dụ, phải chăng ai đó trong chúng ta đã không nhớ nhiều đến vị mặn ấy vẫn còn đang diễn ra và không biết lúc nào mới kết thúc?

Trong bối cảnh đó, sự thích nghi là điều phải tính tới. Lúa hiện giờ chỉ chịu đến độ mặn tối đa bốn phần ngàn, vậy cần lai tạo ra giống lúa chịu mặn tốt hơn không? Nếu không có, cần tìm cây khác thay thế trồng ở đất ấy không? Đất không trồng lúa thì có thể nuôi loài gì đó được không?... Những điều đó, bản thân người nông dân không tự định đoạt được!

Nhìn thấy sự nhọc nhằn của người nông dân để làm ra hạt gạo, ta càng thấm câu: "Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"! Nên càng phải thương họ hơn và trân trọng hạt gạo nhiều hơn! 

Mãi đến gần đây, khi nghề trồng lúa được thực hiện với quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa ngày càng nhiều, sản lượng xuất khẩu ngày càng lớn thì người nông dân mới khấm khá hơn trước. Nhưng vẫn còn rất nhiều người sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc thời tiết và thương lái, lại chịu thiệt nhiều hơn khi có rủi ro và họ lại chiếm số lượng đáng kể. Biết đâu, ta ăn chén cơm có những hạt cơm mặn hơn là của những người này?

Theo NLĐO