Ông Mướt với mô hình nuôi vịt rọ an toàn sinh học

Cập nhật, 09:05, Chủ Nhật, 15/03/2020 (GMT+7)

Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, sau khi chọn lúa (gạo) là mặt hàng chính trong 5 mặt hàng của đề án, UBND huyện Tam Nông tiếp tục triển khai thực hiện mô hình nuôi vịt đẻ an toàn sinh học và đã đạt được hiệu quả khả quan.

Với mô hình nuôi vịt rọ an toàn sinh học kết hợp nuôi cá, hàng năm gia đình ông Mướt có nguồn lợi nhuận trên nửa tỷ đồng.
Với mô hình nuôi vịt rọ an toàn sinh học kết hợp nuôi cá, hàng năm gia đình ông Mướt có nguồn lợi nhuận trên nửa tỷ đồng.

Sau khi đưa nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chuồng trại, mua con giống và vắc xin phòng chống dịch bệnh tụ huyết trùng gia cầm, H5N1… nhiều nông dân ở các xã Phú Thọ, Phú Cường, Phú Thành B và thị trấn Tràm Chim đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng chuồng để thực hiện mô hình nuôi vịt đẻ an toàn sinh học.

Nổi bật, tại xã Phú Thành B có ông Phạm Văn Mướt (SN 1964) thực hiện thành công mô hình nuôi vịt rọ an toàn sinh học, cho thu nhập cao. Ông Mướt đã được Chủ tịch UBND huyện Tam Nông tặng giấy khen với thành tích là nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2017- 2019.

Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Hội Nông dân xã hỗ trợ, ông Mướt đã chủ động đến huyện Tháp Mười tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi vịt rọ. Năm 2017, ông Mướt quyết định đầu tư vốn chuyển đổi từ nuôi vịt chạy đồng truyền thống sang mô hình nuôi vịt rọ an toàn sinh học.

Ông Mướt bày tỏ: “Tôi đã tận dụng 10.000m2 đất, có sẵn cái ao sinh thái nuôi cá và xây cất thêm cái chuồng rộng gần 3.000m2, rồi thả nuôi 17.300 con vịt an toàn sinh học. Trong đó, có trên 70% con vịt đẻ. Trong chuồng nuôi được thiết kế có chất độn chuồng và lắp dựng mái che cho vịt có nơi đẻ thuận tiện…”

Nguồn thức ăn cho đàn vịt nuôi chủ yếu được ông Mướt sử dụng là thức ăn viên công nghiệp hỗn hợp hiệu FFA68 có nhiều độ đạm. Lúc đầu, ông Mướt cho đàn vịt nhỏ ăn ít và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của vịt. Bình quân, ông cho một con ăn 0,046 kg/ngày và có bổ sung thêm Premix, nhóm vitamin.

Hàng ngày, ông thường xuyên vệ sinh chuồng, phun thuốc tiêu độc sát trùng Bencoxid, thay nước ao nuôi 2 lần trong tuần và tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho vịt kịp thời, đầy đủ theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp đàn vịt tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công, có nhật ký ghi chép đầy đủ.

Hàng tuần, cán bộ thú y xuống kiểm tra mô hình, theo dõi trứng vịt đẻ và hướng dẫn cách xử lý kịp thời khi gặp khó khăn… nên sau hơn 6 tháng nuôi, đàn vịt bắt đầu đẻ trứng. Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ vịt đẻ đạt cao, trọng lượng và chất lượng trứng vịt sạch đạt tỷ lệ cao, bán giá cao hơn giá trứng vịt thường từ 200- 400 đ/trứng…

Ông Phạm Văn Mướt chia sẻ: “Mô hình nuôi vịt đẻ an toàn sinh học thuận lợi hơn nuôi vịt chạy đồng truyền thống. Người nuôi không lệ thuộc mùa vụ, không phải lặn lội xa nhà, chủ động và kiểm soát được dịch bệnh trên gia cầm, tránh bị thất thoát, giảm công lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế nguy cơ xảy ra các vụ tranh chấp trong việc mua bán đồng, chạy nước vào ruộng lúa và tiết kiệm được thức ăn trong chăn nuôi, tỷ lệ vịt đẻ đạt cao, tỷ lệ trứng sạch tăng, giá bán cao, tăng lợi nhuận…”

Với mô hình nuôi vịt rọ an toàn sinh học kết hợp nuôi cá, hàng năm gia đình ông Phạm Văn Mướt có nguồn lợi nhuận được trên nửa tỷ đồng.

Từ nguồn lợi trên cộng với vốn vay của Quỹ Hội Nông dân huyện, ông Mướt đầu tư mua 2 máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp nên mỗi năm gia đình ông có thêm nguồn lợi nhuận khoảng 180 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương...

Mô hình độc đáo của ông Phạm Văn Mướt đang được các nông dân trong và ngoài xã Phú Thành B nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân thay đổi cách nuôi vịt chạy đồng truyền thống, nhanh chóng thoát nghèo và từng bước khá-giàu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và thực hiện thắng lợi đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Bài, ảnh: TRẦN TRỌNG TRUNG