Chuyện xưa, chuyện nay ở cồn Sơn

Cập nhật, 09:26, Chủ Nhật, 29/03/2020 (GMT+7)

Cồn Sơn là một trong 5 cù lao nằm dọc trên dòng sông Hậu thuộc địa phận Cần Thơ, nay thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, cách trung tâm TP Cần Thơ 6km. Kể từ lúc những cư dân đầu tiên đặt lên cồn Sơn đến nay đã ngót 2/3 thế kỷ, với biết bao người đổ mồ hôi công sức để bồi đắp, vun trồng, biến vùng đất hoang sơ trở thành một cù lao đẹp và sung túc như ngày nay.

Ngôi miếu cổ thờ Bà Chúa Xứ tại đầu cồn Sơn, do ông Huỳnh Ngọc Ngon lo nhang khói.
Ngôi miếu cổ thờ Bà Chúa Xứ tại đầu cồn Sơn, do ông Huỳnh Ngọc Ngon lo nhang khói.

Cồn Sơn thời khai hoang

Cồn Sơn còn có tên là cồn Linh, bởi theo truyền thuyết dân gian, thời xa xưa nơi vàm sông Bình Thủy có nhiều thủy quái, lại thêm sóng to gió lớn, thường gây tai họa cho người đi ghe xuồng. Để giải trừ tai ách đó, bà con cùng nhau lập đàn để khấn vái, cầu xin cho trời êm sóng lặng.

Không bao lâu, ngay chỗ lập đàn, đất cát bỗng từ từ nhô lên khỏi mặt nước rồi mở rộng dần, cỏ cây mọc lên xanh rì. Từ đó ông cha ta mới đặt tên là cồn Linh.

Lại có truyền thuyết kể rằng thời xa xưa vùng Bình Thủy đã xảy ra một nạn dịch hoành hành, khiến rất nhiều người chết quanh cồn vừa mới nổi.

Thấy vậy, bà con khấn vái, cầu siêu cho vong linh người xấu số, lâu ngày cảm thấy linh ứng nên mới gọi là cồn Linh.

Nơi cồn Linh lúc bấy giờ có rất nhiều cây sơn, một loại cây dùng lấy nhựa để trét ghe xuồng nên cồn còn có tên là cồn Sơn.

Cũng có một tài liệu xưa chép “Trên một bản đồ của chính quyền Pháp năm 1949-1950 còn lưu lại, có ghi tên “cù lao Trà Nóc” tức cồn Sơn và “cù lao Bình Thủy” tức cồn Khương ngày nay”(*).

Tôi đã tiếp xúc với nhiều vị cao niên ở cồn Sơn, hầu hết các vị đều khẳng định cồn Sơn trước năm 1945 còn hoang sơ, chưa có nhà cửa.

Tôi có dịp gặp ông Huỳnh Văn Xem, sinh năm 1912 (nay ông đã qua đời), lúc sinh thời ông cho biết khoảng trước năm 1954 nhiều người từ xóm Lưới và xóm Bà Đồ, Bình Thủy sáng bơi xuồng qua cồn cuốc đất làm rẫy, giăng lưới, chất chà, chiều bơi xuồng về nhà. Cho đến khoảng năm 1960, sau khi bờ bao khép kín, bà con mới bắt đầu qua làm rẫy, làm vườn.

Ông Đặng Văn Hạp, người có mặt ở cồn Sơn từ năm 13 tuổi, nay 91 tuổi, nhớ lại, cồn Sơn lúc ấy rất vắng vẻ, chỉ có vài ba căn chòi dựng lên để trông coi rẫy bái.

Ở đây, muỗi mòng, đỉa vắt nhiều vô số kể. Thỉnh thoảng chỉ có vài ba ghe xuồng tấp vào để săn bắt cua đinh, rùa, rắn, cá tôm. Trên cồn, nhiều nhất là dơi quạ, rái cá và chim trích.

Chiều tối dơi bay về rợp trời (nên cũng còn có tên ít người biết là cồn Dơi). Mãi cho tới nay, cồn Sơn vẫn còn những địa danh có từ thời khai hoang như rạch Mất Quần, rạch Lát, rạch Chảo Chẹt, rạch Vàm Hồ… Mỗi tên rạch đều có một sự tích ly kỳ.

Tại đầu cồn hiện còn một ngôi miếu cổ do ông Huỳnh Ngọc Ngon, 70 tuổi lo nhang khói. Ông Đặng Văn Hạp cho biết, những người đặt chân lên cồn Sơn ai ai cũng đặt hết niềm tin vào thần linh và những người khuất mặt.

Vì thế, cụ ngoại của ông là Võ Văn Giò đã đứng ra vận động bà con đốn bần cưa ván, cất một ngôi miễu thờ Bà Chúa Xứ. Nay miễu đã di đời lần thứ ba vì đầu cồn bị sạt lở.  

Nhờ đất đai màu mỡ và tinh thần lao động cần cù của người dân nên hoa màu, cây trồng trên đất cồn Sơn phát triển tốt tươi, nhất là dưa hấu nổi tiếng khắp vùng.

Ở đây người ta vẫn nhớ những câu chuyện như ông Trần Văn Tư sinh năm 1931 là nông dân đoạt giải Nhất trong một cuộc đấu xảo dưa hấu (thời chính quyền cũ) được tặng chiếc đồng hồ hiệu Tissot; hay chuyện ông Trương Đắc Lộc được một vé mời du lịch ở Thụy Sĩ nhờ trồng dưa hấu đạt chất lượng cao.  

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cồn Sơn là khu vực được tặng danh hiệu văn hóa, gồm 104 hộ chuyên sồng bằng nghề vườn và rẫy, đời sống khá ổn định. Bà Nguyễn Thị Út, nguyên trưởng khu vực I cho biết cồn Sơn có cuộc sống rất yên bình, tình làng nghĩa xóm keo sơn gắn bó, nhà ngủ không cần đóng cửa.  

Làm du lịch bằng bản sắc văn hóa

Người dân cồn Sơn cũng có lúc trải qua giai đoạn thất mùa, đời sống kinh tế khó khăn. Thế nhưng dù trong hoàn cảnh nào, nhiều gia đình vẫn bám đất bám vườn, không phụ lòng tiền nhân đã dày công khai khẩn.

Chị Phan Kim Ngân, thường gọi là Bảy Muôn, Chủ nhà vườn Công Minh, đồng thời là thành viên CLB Liên thế hệ, liên kết làm du lịch - thuộc Hội người Cao tuổi phường Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: “Hồi chưa có đê bao khép kín, nửa đêm hễ nghe tiếng kẻng là người người vội vàng xách leng đi vá đê. Nay cồn đã có đê bao khép kín, nhà có điện, có nước, chúng tôi xác định càng gắn bó với đất này hơn”.

Hiện nay, cồn Sơn còn 74,4ha diện tích nổi và 79 hộ dân. Khi đến đây, ấn tượng đầu tiên là đường sá sạch đẹp, vườn cây rợp bóng, cảnh vật nhiều nơi vẫn giữ nét đẹp mộc mạc của nhà vườn thuở xưa. Do đó, nhiều nhà vườn du lịch đã trở thành điểm hẹn thân thiện với khách tham quan.

Chị Bảy Muôn cho biết cồn Sơn hiện có trên 20 hộ tham gia mô hình liên kết làm du lịch, kết hợp phát huy nét văn hóa và lối sống tình làng nghĩa xóm, theo kiểu mỗi nhà góp một sản phẩm, rồi giới thiệu cho du khách những dịch vụ có ở nhà kế bên.

Đây là mô hình du lịch văn hóa cộng đồng đặc biệt, được du khách nhiều nơi yêu thích và góp phần làm nên bản sắc cho văn hóa, du lịch Cần Thơ.

Du khách đến cồn Sơn không chỉ trải nghiệm cuộc sống với nông dân như tát mương bắt cá, bơi xuồng, hái trái cây, thưởng thức nhiều loại trái ngon, học làm nhiều món ăn và các loại bánh dân gian tưởng đã thất truyền; mà còn như được trở về không gian cộng đồng làng xóm Nam bộ truyền thống với những hộ dân làm du lịch chân chất, hỗ trợ nhau.

Mô hình du lịch cộng đồng cồn Sơn đang mở ra một hướng đi đầy triển vọng và là điểm được thành phố chọn để giới thiệu với các đoàn khách trong nước, quốc tế tại những sự kiện quan trọng như Tuần lễ APEC tại Cần Thơ vào năm 2017, hay đón 100 sinh viên cộng đồng Pháp ngữ khu vực châu Á Thái Bình Dương đến Cồn Sơn tổ chức trại hè, trải nghiệm với mô hình du lịch cộng đồng.

Cồn Sơn đang được TP Cần Thơ đầu tư, quy hoạch phát triển du lịch theo định hướng không phá vỡ môi trường và cảnh quan tự nhiên, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng.

..............................                                                                   

(*) Nhâm Hùng, “Bước đầu tìm hiểu địa danh TP. Cần Thơ”, NXB Trẻ, 2015, trang 133.

Theo HOÀI PHƯƠNG (Báo Cần Thơ)