Người lưu giữ cội nguồn

Cập nhật, 05:36, Thứ Bảy, 15/02/2020 (GMT+7)

Bên những ly trà “quạo” đầu năm trong làn gió biển ầm ập tràn về, ông Nguyễn Văn Léo (Ba Léo, 70 tuổi) bắt đầu câu chuyện. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Thới Thuận (huyện Bình Đại- Bến Tre). Lúc nhỏ, ông theo cha mình lênh đênh trên biển cả để mưu sinh. Đây là giai đoạn ông tự hình thành mơ ước sẽ chế tác những phương tiện đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển để lưu lại cho cháu con nhận biết.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Léo.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Léo.

Ông kể: “Mỗi địa phương đều có cách đóng tàu, ghe, xuồng riêng của mình, không ai làm giống ai đâu. Nếu ai đó không am hiểu tận tường thì rất dễ nhầm lẫn”.

Thới Thuận vốn là địa phương có địa hình hiểm trở lại nằm ven biển, từ đó quân đội Mỹ- Ngụy thường xuyên đánh phá rất ác liệt vì chúng dự đoán đây là mật khu rất quan trọng để chỉ huy chiến trường ven biển của ĐBSCL với các đơn vị quân giải phóng đan xen của các tỉnh: Tiền Giang- Bến Tre- Trà Vinh… Đó là chưa kể đến việc xã Thới Thuận là nơi phân phối vũ khí chủ lực sau khi tiếp nhận vũ khí từ những chuyến tàu “không số” từ Bắc vào Nam, trong đó phải kể đến những điểm tiếp nhận vũ khí từ huyện Thạnh Phú (Bến Tre), Cà Mau, Trà Vinh,…

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Léo đang lưu giữ khá nhiều hình ảnh, bút tích có liên quan đến 2 trái thủy lôi này, hình ảnh thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức và xem đây như một báu vật của đời mình. Cũng từ sự ngưỡng mộ đó, ông Léo đã chế tác khá tinh xảo nguyên mẫu trái thủy lôi và chiếc tàu Mỹ bị đánh chìm trên sông Rừng Sác.

Từ năm 1988, ông Ba Léo bắt đầu thực hiện ước mơ từ tấm bé của mình bằng cách lặn lội đi sưu tầm những tư liệu có liên quan đến những phương tiện, vũ khí chiến tranh của quân đội Mỹ đã từng sử dụng ở chiến trường Nam Bộ nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng. Biết được ý tưởng lạ lẫm, độc đáo này, một chuyên gia quân sự đang sinh sống tại Mỹ đã gửi tặng ông rất nhiều hình ảnh có liên quan đến các loại máy bay, tàu chiến do Mỹ sản xuất đính kèm những thông số kỹ thuật rất chính xác để ông làm cơ sở chế tác giống với nguyên mẫu.

Trong số những sản phẩm này, ông Léo rất ấn tượng với mô hình chiếc khu trục thả bom ngay trên quê hương Thới Thuận của ông. Nó làm thiệt mạng ngay tại hầm trú ẩn 8 người dân Ấp 1 và Ấp 2 vào ngày 23/11/1963. Hay như mô hình chiếc phản lực bỏ bom làm chết 8 người (7 cán bộ dân công và một người dân địa phương), cùng trú ẩn trong một hầm năm 1964. Hoặc chiếc “đầm già” thả bom làm chết 4 người dân, trên chuyến đò máy đi từ Mỹ Tho về Thới Thuận năm 1965… Hay như đội Hải thuyền (3 chiếc) của chế độ cũ trong năm 1972 đậu tại cảng cá Ba Tri bắn sang, làm chết 4 người dân Thới Thuận. Từ lòng căm thù, ông đã chế tác rất thành công các phương tiện “giết người” này để mọi người chiêm nghiệm.

Một số sản phẩm do ông Léo chế tác.
Một số sản phẩm do ông Léo chế tác.

Ông Léo cho biết: “Chế tác giống nguyên bản là việc không quá khó. Điều quan trọng là mình phải nắm chắc các thông số kỹ thuật như: tải trọng, phạm vi hoạt động, mức tiêu hao năng lượng, khả năng sát thương, kết cấu chất liệu,… Khi chưa nắm bắt các yếu tố quan trọng này là tôi không bắt tay vào việc. Mình làm ra sản phẩm thì phải biết tường tận những vấn đề có liên quan đến chúng. Tính tôi là vậy”.

Không chỉ tập trung chế tác các mẫu hiện vật có liên quan đến đề tài chiến tranh, nghệ nhân Nguyễn Văn Léo còn rất thành công trong việc cho ra đời rất nhiều sản phẩm về vũ khí của quân giải phóng miền Nam; dụng cụ đánh bắt thủy sản; các phương tiện đi lại trên sông, biển xưa;… Hiện nay sau hơn 30 năm miệt mài lao động nghệ thuật, ông đang sở hữu trên 400 sản phẩm hoàn chỉnh được trưng bày tại bảo tàng “mi ni” gia đình ông và Bảo tàng tỉnh Tiền Giang. Một số bảo tàng ở các địa phương khác cũng thường xuyên đến “vay mượn” sản phẩm của ông vào những dịp lễ, các ngày truyền thống.

Với số sản phẩm đồ sộ này, bảo tàng của nghệ nhân Nguyễn Văn Léo đã xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2012 với tên gọi “Bộ sưu tập tàu chiến, tàu khai thác thủy sản nhiều nhất Việt Nam”. Bản thân ông đã được công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp quốc gia.

Trên 400 sản phẩm của ông Léo hiện được phân chia thành 11 bộ sưu tập khác nhau. Cụ thể như: phương tiện vận chuyển hành khách các loại (40 sản phẩm gồm máy bay, tàu, ghe, xuồng, hạm đội); các phương tiện sinh hoạt của quân dân Đồng Khởi trong chiến đấu (17 sản phẩm gồm: đạn, súng, nhà hội họp, khăn rằn, tầm vông vạt nhọn); bộ sưu tập phương tiện chiến đấu của Hải quân Việt Nam (19 sản phẩm); bộ sưu tập dụng cụ đánh bắt thủy sản Nam Bộ (39 sản phẩm); bộ sưu tập máy bay, tàu chiến của Mỹ (49 sản phẩm)…

Một số sản phẩm do ông Léo chế tác.

Một số sản phẩm do ông Léo chế tác.

 

Ông Léo tâm sự: “Có nhiều nơi- thậm chí là người nước ngoài- đề nghị tôi bán hết sản phẩm cho họ với giá hàng tỷ đồng nhưng tôi không bán”. Với ông, chỉ có một tâm nguyện duy nhất và là điểm tựa để ông miệt mài chế tác không ngơi nghỉ hơn 30 năm là: phục chế sản phẩm để thế hệ trẻ biết, không quên lãng cội nguồn, quá khứ chiến tranh giữ nước của người đi trước. Vậy là ông đã mãn nguyện và hạnh phúc biết bao.

Chia tay tôi với ánh mắt thật buồn và lo âu, người nghệ nhân già quê biển dặn dò: “Tôi mong sản phẩm của mình đến với mọi miền đất nước để mọi người có thể tiếp cận, hiểu thêm về đất và người phương Nam, hiểu thêm về quá trình đấu tranh anh dũng của quân dân ĐBSCL nói chung, quê hương Đồng Khởi nói riêng và tôi xin tình nguyện làm thuyết minh viên “miễn phí” cho những ai muốn hiểu, muốn khám phá những gì tôi thể hiện trên 400 sản phẩm của mình. Tôi mong lắm. Chỉ sợ ước mơ của mình không trở thành hiện thực khi tuổi đời ngày thêm chồng chất”.

Gió từ biển Bình Đại cứ phần phật thổi vào. Những sản phẩm treo ngoài trời của bảo tàng nhà ông Léo cứ rung lên và bay bay trong gió lộng biển khơi xa.

Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM