Tôm càng xanh "ôm chân" cây lúa

Cập nhật, 15:40, Thứ Ba, 03/12/2019 (GMT+7)

Sóc Trăng có trên 74.000ha nuôi thủy sản ở cả 3 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt, với hầu hết các đối tượng nuôi chủ lực hiện nay, gồm: tôm sú, tôm thẻ, cá tra…

Điểm độc đáo trong mô hình nuôi thủy sản ở Sóc Trăng là mô hình luân canh tôm sú - lúa được áp dụng rộng rãi trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên với diện tích sản xuất lên đến gần 10.000ha/17.700ha nuôi tôm của huyện.

Trong nhiều năm qua, mô hình này đã phát huy hiệu quả cao và bền vững khi khai thác được mối quan hệ hỗ trợ giữa con tôm và cây lúa.

Việc canh tác lúa không chỉ giúp cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả cho việc nuôi tôm mà các chất thải từ hoạt động nuôi tôm còn giúp cây lúa nâng cao năng suất và chất lượng…

Chính vì những hiệu quả nêu trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai mô hình “Nuôi xen canh tôm càng xanh - lúa” tại một số hộ dân trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. Mô hình cơ bản đã thành công, nhiều ngành chuyên môn đánh giá cao được nuôi tại hộ ông Đỗ Văn Mép, ở ấp Vĩnh A, xã Gia Hòa 1.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng ông Mép bên ruộng lúa nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng ông Mép bên ruộng lúa nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực.

Dẫn chúng tôi ra ruộng tôm - lúa sau nhà, ông Mép bộc bạch: “Tôi có hơn 3ha đất sản xuất nuôi trồng thủy sản, trong đó có 0,9ha sản xuất theo mô hình luân canh tôm - lúa nên tôi khá am hiểu về nghề nuôi tôm kết hợp sản xuất lúa.

Do vậy, khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh cây lúa, tôi mạnh dạn nuôi với diện tích 9 công đất mặt nước nuôi tôm - lúa và 1 công diện tích ao dùng làm ao ương nuôi tôm càng xanh trong giai đoạn đầu”.

Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, ông Mép được cán bộ chuyên môn tận tình hướng dẫn kỹ thuật về quy trình nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực - lúa theo hướng hữu cơ.

Nhờ vậy, ông áp dụng ngay các quy trình kỹ thuật đã được học, tiến hành cải tạo ao ương để thả 22.500 con tôm càng xanh toàn đực và tôm được ương ngoài ao trước 4 tháng, lúc đó tôm đã cứng cáp, đợi lúa gieo sạ xong thì đưa tôm lên ruộng.

Vì nuôi tôm trên ruộng lúa nên cây lúa phải được canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa sử dụng là dòng lúa thơm ST có tính kháng sâu bệnh cao, áp dụng biện pháp sạ thưa và bón phân cân đối để cây lúa không bị sâu bệnh.

Tôm sau gần 6 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống ước đạt khoảng 63%, kích cỡ trung bình 28 con/kg. Thời gian ương đưa lên ruộng nuôi 8 tháng là tôm bắt đầu cho thu hoạch trước thời gian thu hoạch lúa, bằng cách thu tỉa tôm càng xanh, chọn tôm đạt kích cỡ thương phẩm để xuất bán, phần còn lại chuyển vào ao nuôi tiếp; nếu lúa thu hoạch toàn bộ khi lượng tôm chưa thu hoạch xong thì đến thời điểm tôm đạt kích cỡ sẽ thu hoạch đồng loạt.

Với số lượng thả nuôi ban đầu là 22.500 con tôm càng xanh toàn đực, kết thúc vụ nuôi, kích cỡ tôm đạt 19 con/kg, tổng sản lượng thu hoạch là 746kg tôm càng xanh thương phẩm, trừ hết các khoản chi phí, ông Mép bỏ túi số tiền gần 80 triệu đồng.

Ông Mép chia sẻ thêm: “Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa là mô hình hay, ngành chuyên môn cần tiếp tục nhân rộng đến người nông dân cũng như hình thành vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn thì việc canh tác của người dân mới có thêm nhiều thuận lợi.

Đồng thời, cần đưa nông dân đi học hỏi thêm các mô hình hiệu quả ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để phát huy được hiệu quả của mô hình, vì qua các chuyến đi sẽ góp phần tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức trong việc nuôi tôm trong ruộng lúa…”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Võ Văn Bé cho biết: “Tiềm năng phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen canh lúa rất phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của huyện Mỹ Xuyên trong nỗ lực duy trì và phục hồi diện tích luân canh tôm - lúa, hướng tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm tôm, lúa thông qua đề án lúa thơm tôm sạch.

Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, quy trình đã giải quyết được cơ bản vấn đề về tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của tôm cũng như đảm bảo kết hợp hài hòa giữa luân canh tôm nước lợ và tôm càng xanh xen lúa trong một năm sản xuất.

Ngoài ra, mô hình có mức độ ổn định cao, độ rủi ro thấp, tận dụng được tiềm năng diện tích ở địa phương. Đây sẽ là lợi thế lớn khi triển khai nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.

Theo Báo Sóc Trăng