Tháp tùng đi đặt trúm lươn

Cập nhật, 14:03, Thứ Năm, 05/12/2019 (GMT+7)

Tranh thủ lúc thời gian nhàn rỗi, một số người dân ở Vĩnh Long nói riêng, các tỉnh miền Tây nói chung đi đặt trúm lươn kiếm thêm thu nhập. Không cần đầu tư quá nhiều, chỉ cần sử dụng ống tre hoặc ống nhựa là có thể đi bắt được lươn.

Ngoài cải thiện bữa ăn gia đình, người đi đặt trúm lươn thu nhập 200.000- 300.000đ mỗi ngày. Đây là khoản thu nhập không nhỏ cho nông dân lúc nông nhàn.

Chọn nơi đặt trúm lươn.
Chọn nơi đặt trúm lươn.

Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Thân- người đặt trúm có kinh nghiệm tại xã Thạnh Quới (Long Hồ) đồng ý cho đi cùng để tận mắt chứng kiến cách anh đặt trúm bắt lươn.

4 giờ chiều, chúng tôi cùng đi với anh len lỏi vào những khu đất trống thuộc xã An Phú Thuận (huyện Châu Thành- Đồng Tháp) để đặt trúm và đến tờ mờ sáng chúng tôi lại cùng anh đến đây thăm trúm. Có một chi tiết khá thú vị, làm tôi ngạc nhiên là anh nhớ tất cả các trúm lươn anh đặt vào tối đêm trước, không quên một cái nào.

Anh Thân cho biết, muốn bắt được nhiều lươn bằng trúm thì phải điều nghiên trước khu vực thả trúm. Những nơi lươn hay làm “mà” (hang trú ngụ) là lớp bùn đất mềm sát bờ cỏ ngập nước, gốc tre, bụi cây mấp mé ao. Đặt trúm những khu vực này dễ bắt được lươn lớn, có con gần nửa ký.

Theo anh Thân, nghề đặt trúm lươn sướng nhất là đi đổ trúm, sau khi đổ nước ra khỏi ống, thấy hơi nặng tay hơn lúc thường, xóc nhẹ, nghe tiếng “ọc ạch” bên trong trúm là có lươn.

Và khi đổ trúm.
Và khi đổ trúm.

Anh Thân nói tiếp, có ống khi xóc không nghe ọc ạch nhưng vẫn có lươn, vì có những con lươn to mà lòng ống lại hẹp. Cũng có khi, đổ trúm ra không phải là lươn mà là... rắn. Rắn mò vào trúm tấn công và ăn lươn mắc trong đó. Lươn là món khoái khẩu và không phải là đối thủ của các loài rắn.

Cũng là người đặt lươn chuyên nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Đồng Phú- Long Hồ) cho biết hàng năm cứ vào tầm tháng 6, tháng 7 lúc trời bắt đầu mưa nhiều là ông bắt đầu công việc đặt lươn tại các mương vườn thuộc các xã cù lao của huyện, thậm chí đi sang một số xã thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang) hay các xã thuộc huyện Chợ Lách (Bến Tre).

Với 50 ống trúm, mỗi đêm ông kiếm cũng được 2- 3kg lươn, có ít thì cũng tầm 1kg tùy theo bữa, có hôm trúng thêm vài ký cá lóc, cá trê. Ở miệt vườn, sau mùa thu hoạch trái cây đây là nguồn thu chính của gia đình ông.

Những người đặt trúm lươn “gạo cội” như anh Thân, ông Tùng giờ còn rất ít, phần vì thanh niên giờ đi làm tại các công ty, xí nghiệp, phần vì phải lặn lội bờ bụi mang ống đi đặt lúc nhá nhem hay tờ mờ sáng đi đổ trúm- nhất là những ngày mưa dầm lạnh lẽo.

Một nguyên nhân khác là bây giờ ở quê cũng không còn nhiều người làm trúm lươn, vì lươn trong môi trường tự nhiên giờ không còn nhiều như trước, do nạn khai thác mang tính tận diệt bằng xung điện.

Anh Phước Văn Vũ (xã Phú Quới- Long Hồ) chia sẻ: Lươn là loài da trơn rất nhạy cảm với tác động của xung điện. Phát hiện nơi nào có “mà” lươn, cứ châm thẳng 2 xiên kim loại có đấu nối 2 cực nguồn điện từ xiệc thì lươn trồi lên ngay, thân mình cứng đơ như đã chết.

Mùa đặt trúm lươn diễn ra từ đầu mùa mưa đến cuối tháng Chạp hàng năm, trừ những ngày xảy ra lũ lớn. Vào mùa đặt trúm lươn, người làm nghề chuẩn bị ít nhất 20 ống trúm trở lên.

Trước kia, ống trúm làm bằng thân cây tre, cỡ 2 lóng, một đầu làm miệng trúm, đầu kia để nguyên. Miệng ống có một cái hom được làm từ những nan tre mỏng kết hình nón hướng vào lòng trúm, được cố định với thân trúm bằng một xiên tre hay thanh sắt, đầu kia có khoan lỗ nhỏ để lấy không khí cho lươn “thở” khi đã vào bên trong trúm.

Hiện tại, người ta làm trúm lươn bằng ống nhựa nhẹ hơn, di chuyển cũng thuận tiện. Một số người chuyên đặt trúm lươn cho biết, việc làm này rất đơn giản, người đặt chọn mồi là cua đồng hay ốc bươu sau đó ra đồng tìm những nơi có nhiều lung bàu, bưng trấp để đặt những chiếc trúm và sáng hôm sau đổ trúm.

Tuy nhiên, muốn trúm có nhiều lươn thì người đặt trúm chọn những chỗ có nhiều rêu, nắng vào ban ngày, ban đêm nước mát. Việc đặt ống trúm phải thật khéo léo và kỹ thuật, đầu trúm đã được tra mồi sẵn, đặt cách bờ ruộng vài bước chân rồi dùng tay khỏa trước miệng trúm một vài đường bùn.

Trung bình 30 ống trúm, mỗi đêm bắt được từ 2- 2,5kg lươn, thậm chí có cả cá lóc, cá trê trắng, tùy theo loại lớn nhỏ, giá bán dao động từ 160.000- 200.000 đ/kg, cá lóc khoảng 150.000 đ/kg, cá trê trắng thì 80.000 đ/kg.

Bình quân mỗi đêm thu nhập không dưới 350.000đ. Lươn đồng là loại đặc sản được nhiều người ưa chuộng nên việc bán lươn cũng thuận tiện, thậm chí là không đủ bán.

Bài, ảnh: PHƯỚC GIANG