Khấp khởi Giá Lồng Đèn

Cập nhật, 14:34, Thứ Ba, 26/11/2019 (GMT+7)

Giá Lồng Đèn, một cửa biển nhỏ thuộc ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, có tiềm năng du lịch rất lớn và từ lâu đã được ngành chức năng định hướng phát triển. Tuy nhiên, bao năm qua, Giá Lồng Đèn vẫn lạ lẫm với khách phương xa như cái tên gọi của nó.

Lão ngư Nguyễn Văn Hơn cho hay: Xuất xứ tên gọi Giá Lồng Đèn có nhiều luồng thông tin khác nhau. Có người nói, thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nơi đây từng là vị trí phòng thủ chiến lược quân sự quan trọng, nên việc treo giá lồng đèn như là một ám hiệu liên lạc của cán bộ, chiến sĩ.

Song, người khác thì cho rằng, xưa kia người đi biển chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian, nên ai đó đã sáng kiến treo cái giá lồng đèn ở cửa biển này, nhằm báo hiệu cho người đi biển có thể vào tránh trú khi gặp sự cố…

Những ngôi nhà sàn lấp ló dưới rặng cây rừng sẽ khiến du khách thích thú.

Thật ra, sự thu hút của Giá Lồng Đèn thật sự không phải vì tò mò về tên gọi mà cái chính là ở nét đặc trưng riêng vốn có của nó.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến Huỳnh Ngọc Khải cho biết: "Tuy không có những cảnh quan kỳ thú, nét đẹp thơ mộng như những nơi khác, nhưng Giá Lồng Đèn có sự thu hút rất riêng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Vào những lúc nước kém, nơi đây lộ ra một bãi cát dài uốn lượn theo dáng một con rồng được trang bị trên mình những hoa muống biển tím trắng trông rất đẹp.

Bãi biển rộng lớn, dài hàng cây số được phủ mát bởi cánh rừng phòng hộ xanh rì toả bóng mát đã hấp dẫn người dân địa phương và nhiều người ở các khu vực lân cận tìm đến vào những ngày nước chánh kém (mùng 9 và 24 âm lịch), để chơi thể thao, thả diều, tắm biển…

Theo đó, dịch vụ ăn theo như: Nhà mát cho khách nghỉ ngơi, hàng quán… cũng phát triển rầm rộ. Từ đó người dân, cũng như chính quyền địa phương đã ấp ủ ước mơ mở hướng du lịch ở Giá Lồng Đèn. 

“Do cửa nhỏ, lại cạn nên tụi tôi đi biển chủ yếu bằng phương tiện nhỏ và thường là đánh lọp, lưới, lú bắt cua, cá kèo, cá vồ biển, cá dứa, tôm… Ven rừng thì bắt ốc len. Không thể bình quân được thu nhập hàng ngày vì biển có lúc yên cũng có khi rất dữ tợn, nên có ngày chỉ được vài ngàn, có ngày cũng hơn 1 triệu đồng.

Vì vậy, từ vài nóc gia choi loi nơi mé rừng phòng hộ, đến nay ở cửa biển này đã có trên 26 gia đình sinh sống. Thỉnh thoảng có vài đoàn khách đến đây tham quan cũng vui nhộn lắm…”, ông Lâm Văn Quây, ngư dân sống ở cửa biển Giá Lồng Đèn, bộc bạch.

Tuy không tấp nập như trước, nhưng có khách đến tham quan trong điều kiện đi lại bằng đò qua những kênh, rạch uốn khúc lại thắp lên hy vọng làm du lịch của ngư dân Giá Lồng Đèn.

Nhất là khi UBND tỉnh Cà Mau quy hoạch tuyến đường ô tô từ ấp Cả Học đến Giá Lồng Đèn (trong định hướng 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030).

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Mai Việt Triều, phát triển du lịch, chủ yếu là khơi dậy tiềm năng sẵn có, không cần xây dựng cầu kỳ mà chỉ cần dựa theo hoạt động khai thác của người dân để du khách trải nghiệm câu cá trên biển, bắt ốc len ven rừng…

Sau đó nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn lấp ló sau rặng mắm, đước và thưởng thức những đặc sản tự tay mình bắt được hoặc do ngư dân cung cấp. Chắc chắn sẽ thu hút du khách gần xa.

“Năm 2015, tuyến đường ô tô về trung tâm xã được hoàn thành đưa vào sử dụng, từ đó giao thông nông thôn trên địa bàn xã phát triển khá nhanh.

Khi có được tuyến đường ô tô về đến Giá Lồng Đèn sẽ mở hướng du lịch và là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Tân Tiến.

Bởi lẽ, đến Giá Lồng Đèn phải đi qua trung tâm xã, từ đó sẽ phát sinh các dịch ăn theo du lịch”, ông Mai Việt Triều kỳ vọng.

Giá Lồng Đèn là 1 trong 3 cửa biển đi qua địa bàn xã  Tân Tiến với chiều dài trên 7 km, như một bình phong án ngữ cho dải đất phì nhiêu phía biển Đông của Cà Mau.

Mặt khác, Giá Lồng Đèn tiếp giáp với cửa Hố Gùi (thuộc xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi) và xa hơn là cửa biển Gành Hào, tạo thành  hệ thống cửa biển liên hoàn và đầy tiềm năng để phát triển du lịch.

Theo Báo Cà Mau