Chờ mùa nước nổi

Cập nhật, 14:34, Thứ Tư, 06/11/2019 (GMT+7)

Tháng 10 là lũ về trắng đồng, con nước cứ theo đó mà chở nặng phù sa bồi lắng đồng ruộng. Người dân vùng tứ giác Long Xuyên quê tôi cứ khi lũ về là đứng ngồi không yên, bởi có biết bao nhiêu thú vui trên đồng nước mà ai đã từng sống chung với lũ sẽ không thể nào quên được.

Cứ độ tháng 6, tháng 7 âm lịch, khi vụ hè thu kết thúc cũng là lúc bà con nông dân quê tôi rục rịch chuẩn bị "dụng cụ". Dù không nói ra ai cũng biết mùa nước nổi đã đến rất gần, cái mùa để cho đồng ruộng được nghỉ ngơi, chờ ra Giêng cho một vụ mùa mới.

Khi các con đập xả lũ, bà con lại càng háo hức hơn bởi mùa làm ăn trên những đồng nước đã tới. Thời gian này mà không ra đồng thiệt là uổng!

Đơn giản chỉ vì người dân miền quê thích rong ruổi trên những cánh đồng ngập lũ, chủ yếu giải khuây trong lúc nông nhàn, tìm thêm con cá, con tép làm bữa ăn hoặc nhiều hơn thì đem ra chợ bán lấy ít tiền trang trải cho gia đình.

 

Giăng lưới bắt cá - nghề mưu sinh trong mùa lũ cạn.
Giăng lưới bắt cá - nghề mưu sinh trong mùa lũ cạn.

Mùa nước nổi cứ hễ ra đồng là có đủ thứ món ăn dân dã đảm bảo “tươi mát từ sáng đến chiều”, từ cá linh, cua đồng, cá rô, cho đến các loại rau thuỷ sinh như bông súng, điên điển. Đặc biệt, không thể không kể đến món ăn làm du khách gần xa mê mẩn đó là chuột và ếch đồng. 

Men theo các con mương, chuột lớn, chuột bé chuyên ăn lúa, nước lên không có chỗ trú ngụ hay leo lên cây làm ổ. Chuột là loài nhạy cảm với âm thanh khi nghe động là cắm đầu chạy và vô tình chui tọt vào các tấm lưới giăng, đón sẵn.

Con chuột béo múp, được làm sạch sẽ, tẩm ướp gia vị cho ra hàng tá món ngon, nào là chuột quay lu, chuột chiên sả, chuột ướp chao nướng than hồng… Nghe bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm bao tử sục sôi. 

Lẩu mắm cá linh ăn kèm với bông súng, điên điển, món ăn trở thành đặc sản trong mùa nước nước nổi.
Lẩu mắm cá linh ăn kèm với bông súng, điên điển, món ăn trở thành đặc sản trong mùa nước nước nổi.

Ngoài chuột, ếch, rắn, đặc sản mùa nước nổi còn có cá linh. Chỉ với con cá linh, người dân quê tôi chế biến ra nhiều món hay ho như canh, kho, chiên giòn, nướng..., tuy dân dã nhưng đậm đà vị quê. Cá linh đầu mùa còn non nên người dân thường dùng để kho lạt, nấu canh chua vì xương mềm có thể ăn nguyên con, không cần bỏ xương.

Hoặc cá linh nhỏ hơn 2 ngón tay, rửa sạch, tẩm bột thả vào chảo mỡ đang sôi chiên giòn. Loài hoa không thể thiếu khi kết hợp với cá linh đó là bông điên điển.

Tuy chỉ là một món ăn bình dị nhưng lẩu mắm cá linh bông điên điển trở thành đặc sản nổi tiếng, chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị đặc trưng của nước dùng. 

Người quê tôi thường có thói quen đi chợ sớm, mà chợ mùa nước nổi thì hỡi ôi đủ thứ cá đồng, rau đồng tươi rói. Sau mỗi sáng giăng lưới, đổ lọp, đổ dớn, dỡ cái sạp xuồng ra là đủ thứ cá con nào con nấy béo ú, tươi trong.

Cá sau khi đánh bắt sẽ được đổ chung vào một cái thau, miệng thau được bao lưới để cá không nhảy ra ngoài, cứ thế đàn ông ở nhà gỡ lưới, đàn bà thì đem cá ra chợ bán, nếu nhiều quá bán không hết thì đem làm mắm, xẻ khô. 

Chợ lúc nào cũng có sẵn cá rô đồng, cua, ốc, cá chốt, cá trê, cá lóc, cá lăng và đặc biệt không thể thiếu cá linh. Trên các sạp rau, bông điên điển vàng ươm nổi bật, bông súng nở tươi rói được bó lọn chất thành từng chồng, rau nhút, rau tập tàng xanh mơn mởn gợi thèm nồi lẩu, chảo cá kho trong bữa cơm quê thật hấp dẫn. 

Ở quê còn phổ biến những chợ phiên nhỏ, còn gọi là chợ “chồm hổm”. Bãi đất trống gần ngôi đình, cặp bến sông, bến đò hay ngã ba, ngã tư đều trở thành điểm họp chợ. Chợ này họp buổi sáng hoặc buổi chiều, chỉ diễn ra chừng 2 tiếng đồng hồ nhưng luôn đông đúc, xôm tụ.

Người ta nói chợ chiều là đồ ế không tươi ngon, nhưng chợ mùa nước nổi dù sáng hay chiều đều tươi rói, mà giá cả lại rẻ từ 20-30 ngàn đồng là có đủ đồ ăn cho cả nhà. 

 

Vùng nước nổi cũng là nơi sáng tạo ra các loại mắm cá đồng.
Vùng nước nổi cũng là nơi sáng tạo ra các loại mắm cá đồng.

Tôi vẫn hay tự hào với nhiều người rằng, tôi đã trải qua một tuổi thơ thật đẹp, bởi ở nơi tôi sống là cả một bầu trời thanh bình dung dị, nơi những con người đã chấp nhận sống chung với lũ, và nhờ lũ mà có cơm no, áo ấm.

Đưa mắt nhìn ra dòng sông sau nhà, khi những chiếc “chẹt” chở các loại máy cắt lúa, gặt đập liên hợp dập dìu trên sông, đi từ cánh đồng này đến cánh đồng khác. Khi dòng chảy của nước cuốn theo những trái cà na chín héo, thì lòng tôi lại rạo rực chờ thêm một mùa nước nổi./.

Theo Báo Cà Mau