Giải pháp lâu dài cho lúa, gạo

Cập nhật, 14:03, Thứ Sáu, 02/08/2019 (GMT+7)

Nguyên nhân giá lúa hè thu 2019 xuống thấp là do sản lượng lúa hàng hóa nhiều, chất lượng lúa chưa thực sự tốt, một số thị trường lớn hạn chế nhập khẩu, đòi hỏi về chất lượng ngày càng khắc khe hơn. Để phát triển bền vững thị trường lúa, gạo, không nên chạy theo sản lượng, cần tăng cường liên kết nhằm xây dựng thương hiệu, uy tín, chất lượng cho hạt gạo An Giang.

Giá lúa giảm mạnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ hè thu 2019, toàn tỉnh xuống giống 230.190ha. Lúa hiện đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ với hơn 50% diện tích. Dù diện tích giảm 530ha so vụ hè thu 2018 nhưng nhờ năng suất tăng, sản lượng lúa vụ hè thu 2019 dự kiến đạt cao hơn cùng kỳ.

Ngoại trừ nếp (giá cao hơn cùng kỳ từ 1.150-1.300 đồng/kg) thì nhiều giống lúa giảm đến cả ngàn đồng/kg so vụ hè thu trước. Đáng lưu ý là những giống lúa chiếm diện tích lớn lại có giá giảm mạnh.

Điển hình như lúa OM5451 (chiếm 31,4% diện tích) hiện có giá từ 4.750-4.900 đồng/kg, dù tăng 250 đồng/kg so ngày 10-7 nhưng thấp hơn cùng kỳ 650 đồng/kg; lúa IR50404 (chiếm 27,9% diện tích) hiện có giá từ 4.200-4.400 đồng/kg (giảm 900 đồng/kg).

Đối với các giống lúa hạt dài, giá cũng chỉ ở quanh mức 4.600-5.000 đồng/kg (cùng kỳ 5.100-5.400 đồng/kg).

Riêng các giống lúa thơm như: Đài Thơm 8 có giá 5.500-5.600 đồng/kg, Jasmine giá 5.100-5.200 đồng/kg (cùng kỳ 5.800-6.000 đồng/kg).

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, những chuyển biến tích cực trong canh tác lúa ở An Giang là lúa chất lượng cao chiếm gần 70% diện tích xuống giống, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đạt 80%. 

Hiện nay, 100% diện tích đã được cày xới bằng máy, 70% diện tích ứng dụng máy móc vào gieo sạ. Tuy nhiên, giá lúa giảm trong khi giá thành sản xuất tăng khiến giá lúa hiện chỉ còn cao hơn giá thành khoảng 500 đồng/kg, tương đương 2,9 triệu đồng/ha. Với giá này, nếu nông dân thuê đất sẽ lỗ vốn đầu tư.

Hướng vào chuỗi giá trị

Hiện nay, vốn cho doanh nghiệp (DN) thu mua lúa hè thu không phải là vấn đề quan trọng. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, dư nợ cho vay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đều tăng so cùng kỳ.

Riêng ưu đãi cho DN vay sản xuất - kinh doanh và thu mua lúa, gạo mới giải ngân 3.503 tỷ đồng, hiện còn 2.880 tỷ đồng trong hạn mức tín dụng chưa cho vay. “Vấn đề vốn cho DN thu mua lúa, gạo là không khó.

Nếu nhu cầu DN cao hơn, có thể đề nghị tăng hạn mức. Các ngân hàng đảm bảo đủ nguồn vốn cho DN với lãi suất linh hoạt” - ông Dũng nhấn mạnh.

Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn An Giang cũng khẳng định, nguồn vốn cho DN vay thu mua lúa, gạo vẫn dồi dào. Nếu DN muốn kéo dài thời hạn vay, có thể trình bày phương án xây dựng chuỗi liên kết, thu mua tạm trữ… Chính các DN lương thực cũng không than khó về vốn nhưng vấn đề là thị trường tiêu thụ.

“Bây giờ thu mua nhiều thì bán đi đâu, lãi suất trong thời gian hàng tồn kho phải tính sao? Tôi đề nghị đối với DN làm thật, có bao tiêu với nông dân thì được nâng thời gian vay lên 6 tháng với lãi suất ưu đãi. Cần hỗ trợ thu mua tạm trữ thường xuyên để bình ổn thị trường” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Vinacam (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) Lâm Thành Kiệt đề xuất.

Chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ lúa hè thu 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho rằng, nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới vẫn lớn nhưng nhiều DN nhập khẩu đang “ngóng” tình hình để có thể “ép” giá thấp hơn.

“Chỉ cần Chính phủ có động thái chỉ đạo thu mua gạo tạm trữ quốc gia, các đối tác nước ngoài sẽ đẩy mạnh thu mua gạo của Việt Nam ngay.

Sở Công thương cần tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo vấn đề này.

Đồng thời, phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang hướng dẫn DN xây dựng hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân, hợp tác xã để được tăng thời gian vay vốn, hạn mức tín dụng; kết nối với tham tán thương mại các nước để xúc tiến, tìm kiếm thêm thị trường cho mặt hàng gạo” - ông Thư yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư giao Sở NN&PTNT tính toán kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2019. “Trước mắt là giảm diện tích lúa, nếp để xả lũ ít nhất 20.000ha. Đối với các tiểu vùng dự kiến xả lũ năm 2020, có thể ưu tiên xả lũ ngay trong năm nay để hạn chế gây thêm áp lực về sản lượng lúa.

Đồng thời, tìm kiếm những vùng lúa 2 vụ để hỗ trợ DN xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, an toàn, giá trị cao.

Bản thân các DN cần tích cực tham gia xây dựng hợp tác xã kiểu mới để liên kết bền vững hơn. Đối với những DN có thị trường, còn kho chứa thì nên tăng cường thu mua để góp phần bình ổn giá lúa hiện nay” - ông Thư đề nghị.

Theo Báo An Giang