Nước Mê Kông thấp kỷ lục, ĐBSCL lo mất lũ

Cập nhật, 16:12, Thứ Ba, 23/07/2019 (GMT+7)

Dự báo năm nay ĐBSCL sẽ không có mùa lũ đẹp. Mặn xâm nhập gay gắt vào đầu năm 2020

Theo thông cáo báo chí của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) mới đây, từ khu vực Chiang Saen ở phía Bắc Thái Lan đến Luang Prabang, Vientiane - Lào và Neak Luong - Campuchia, mực nước sông Mê Kông đều ở dưới mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 1992.

Lũ ít, về muộn

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định mực nước sông Mê Kông xuống thấp do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay. Tình trạng El Nino sẽ còn kéo dài đến 1-2 tháng nữa mới chuyển sang ENSO (chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina - PV) trung tính nên lượng mưa sẽ còn thấp.

Ngoài ra, theo Thông Tấn Xã Lào, đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) đã giảm một nửa lưu lượng từ 1.050-1.250 m3/giây xuống còn 504-600 m3/giây trong giai đoạn từ ngày 5 đến 19/7 để sửa chữa lưới điện.

Đập Xayaburi (đập đầu tiên trong chuỗi 11 đập dòng chính ở hạ lưu vực Mê Kông - PV) ở Lào đã đóng đập để vận hành thử cho đến hết ngày 29/7 nên dòng chảy từ thượng nguồn về thấp.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo nguồn nước mùa khô năm 2019 cho vùng ĐBSCL đến nay vào khoảng 7.000 m3/giây. Dự báo trong tuần tiếp theo, nguồn nước về có khả năng ở mức khoảng 9.000-10.000 m3/giây, thấp hơn cùng thời kỳ mùa khô năm 2018.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, với một năm, trung bình sông Mê Kông có tổng lượng nước là 475 tỉ m3. Trong đó, lượng mưa tại chỗ chỉ chiếm 11%. Do đó, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ thượng nguồn chảy về.

"Nước ở lưu vực Mê Kông ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 và xâm nhập mặn vào khoảng tháng 3-2020 rất gay gắt" - ông Thiện cho hay.

Hiện phần lớn diện tích ĐBSCL từ vùng lúa 3 vụ ở các tỉnh thượng nguồn cho đến vườn cây ăn trái ở miệt vườn vùng giữa đồng bằng và thậm chí ra tới ven biển đều có đê bao khép kín không cho lũ vào.

Nước về chủ yếu chảy trong sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông lớn, không vào được ruộng vườn mà chảy tuột ra biển.

Đến mùa khô, khi sông Mê Kông hạ thấp, đồng bằng cũng chẳng còn nước. Khi lũ về trùng với thời điểm triều cường, các thành phố và lộ giao thông ở vùng giữa đồng bằng từ khoảng Quốc lộ 1 ra biển, bị ngập nặng vì những nơi này không có đê bao. Đến mùa khô, toàn đồng bằng thiếu nước do nước đã bị tống ra biển hết vào mùa nước.

Dự báo lũ năm nay về ĐBSCL thấp. Ảnh: NGỌC TRINH
Dự báo lũ năm nay về ĐBSCL thấp. Ảnh: NGỌC TRINH

Trữ nước mưa, sử dụng tiết kiệm

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, ở vùng thượng nguồn ĐBSCL hiện nay, nguồn nước vẫn bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp nhưng cần chủ động điều tiết nước và bơm tát bảo đảm an toàn cho sản xuất vụ hè thu.

Vùng giữa ĐBSCL cần đề phòng ảnh hưởng mặn bất thường do triều cường với khu vực giáp ranh vùng ven biển Tây; khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

Riêng vùng ven biển, trong tháng 7, xâm nhập mặn trên các cửa sông ở khu vực từ 15 km trở vào, nguồn nước có khả năng thuận lợi, mặn xâm nhập giảm so với tháng 6 nhưng cần thận trọng vào những thời kỳ triều cường mặn bất thường có thể xảy ra, đặc biệt đối với các khu vực ven biển Tây.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho rằng để chủ động ứng phó tình hình xâm nhập mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mặn đầu vụ và lũ (nếu có) vào giữa đến cuối vụ.

Ở các vùng ven biển, cần thường xuyên kiểm tra xâm nhập mặn trong các đợt nắng hạn, không mưa kéo dài kết hợp với triều cường gây ngập úng cục bộ để kịp thời thông báo cho người dân chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết An Giang đã hoàn thành kế hoạch ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất.

Thoại Sơn và Tri Tôn là 2 huyện có khả năng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nên cần lưu ý và khuyến cáo nông dân về thời gian bơm nước, đặc biệt tăng cường bơm nước khi có dòng nước từ sông Hậu chảy vào.

Tỉnh An Giang phối hợp với ngành chủ động hướng dẫn người dân sử dụng giống và bố trí các loại cây trồng hợp lý.

Đối với các vùng trồng lúa bảo đảm nguồn nước tưới suốt vụ thì chủ động gieo sạ tập trung thâm canh theo vùng để tiết kiệm nước. Đối với diện tích không đủ nước trồng lúa sẽ chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu nước ít hơn và thời gian ngắn hơn.

Diện tích không có nước thì chủ động tạm dừng không gieo trồng. Ngành nông nghiệp chỉ đạo thông báo sớm cho người dân chuẩn bị trữ nước sinh hoạt bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương gia đình hoặc cộng đồng.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cần khuyến cáo, hướng dẫn người dân trữ nước mưa lại, canh tác loại cây trồng cần ít nước và sử dụng tiết kiệm nước. 

Nên giảm bớt 1 vụ lúa

Về lâu dài, để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo cần khôi phục không gian của dòng sông để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược. Như vậy, sang mùa khô, đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu.

Theo NLĐO