Cù lao mận Tân Lộc

Cập nhật, 04:53, Chủ Nhật, 16/06/2019 (GMT+7)

Cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), có diện tích tầm 3.200ha, với dân số hơn 30.000 dân, được gắn với nhiều tên gọi cùng với những câu chuyện biến đổi của từng giai đoạn khác nhau; nhưng bản chất con người trải trăm năm vẫn đôn hậu, hiền hòa, hiếu khách, còn “cái máu” chịu chơi và chịu mần ăn thì cũng thuộc hàng “nhứt xứ miền Tây”.

Những vườn mận chuông An Phước ở cù lao Tân Lộc được bao lưới bảo vệ.
Những vườn mận chuông An Phước ở cù lao Tân Lộc được bao lưới bảo vệ.

“Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát”

Ở trên cù lao này còn một cây bằng lăng trong vườn kiểng của ông Thành Nam ở khu Tân An, được xác định khoảng trên 300 năm, thì có thể tin rằng lịch sử của cái cồn cát này cũng đồng hành thời mở cõi.

Còn 12 ngôi nhà cổ còn sót lại như những di chỉ cho thấy cù lao đã được khai phá trở nên trù phú hàng trăm năm rồi. Như ngôi nhà xưa của ông Sáu Thế (98 tuổi), được cha ông là Hội đồng Thoại (Long Xuyên), xây cất trên 100 năm tuổi.

Tuy nhiên, đó vẫn là thời mà dân cư trên cù lao này còn rất thưa thớt, chẳng có được mấy nóc nhà; nên mãi đến thời kỳ khai phá miệt Hậu Giang (Nam sông Hậu), thời tàu Tây tân tiến đã ngược xuôi nối liền Nam Bộ với miệt trên, nó vẫn còn là bãi cát hoang sơ chưa có cây cối nhiều: “Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát”, đó chính là cồn cát có tên gọi mỹ miều Sa Châu.

Cồn cát nổi lên trong thế quần tụ bồi lắng của dòng sông Hậu, nơi giáp ranh 3 tỉnh: An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp, nên dân gian xưa còn gọi là cù lao 3 tỉnh.

Một ngày lang thang trên cù lao Tân Lộc, tìm hiểu tích xưa, nghe kể chuyện thời nay, mới thấy trên cái cồn cát nhỏ bé này như còn ẩn chứa nhiều điều quyến rũ lạ kỳ.

Từ những năm 70- 80 của thế kỷ trước, người dân ở đây đa phần trồng mía, nên còn gọi là cù lao mía. Giống cây dễ trồng, ưa thích cặm chân trên cồn cát màu mỡ phù sa; nhưng phải đến khi con cá da trơn lên ngôi những năm đầu thế kỷ XX, thuận lợi vùng nước sông thông thoáng, đã tạo nên những làng bè tỷ phú từ cá da trơn.

Những bè cá phủ kín mé sông, rồi diện tích nuôi cá xâm thực lên bờ, hàng loạt đất vườn được đào ao thả cá.

Chạy dọc theo con đường nhựa là trục đường chính xuyên suốt từ đầu cồn đến đuôi cồn, ngày nay vẫn còn thấy loang lổ dấu vết những ao cá của mười mấy năm trước. Con cá đưa người dân cù lao lên đời, rồi cũng sớm… rớt đời, nghề cá giờ đây không còn là câu chuyện để khoe trên bàn tiệc nữa.

Đến cù lao mận

Hình như cái máu chịu chơi và cái gan làm giàu là cái chất của người dân xứ cù lao này, họ nhanh chóng nắm bắt cái mới, nhanh chóng biến đổi theo thời cuộc.

Khi những tỷ phú cá dần phá bè, treo ao, thì nhanh chóng họ tìm thấy một hướng đi mới, phù hợp hơn, bền vững hơn với cồn cát, từ con cá dưới nước họ lên bờ trồng cây mận.

Từ mận đá, rồi giờ đây mận chuông An Phước hầu như phủ kín cù lao. Mới 40 tuổi, nhưng anh Dương Thế Nhân ở khu Tân An, đã có 13 năm gắn bó, giàu lên từ cây mận, anh cũng là một trong những người đầu tiên đưa cây mận bám rễ trên đất này.

3 anh chị em của anh Nhân được cha mẹ chia đất mỗi người 5 công, tất cả đều trồng mận. Anh Nhân còn là người đi thu mua mận để đánh hàng đi các tỉnh lân cận, như: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… rồi lên tới TP Hồ Chí Minh.

Thuê thêm đất trồng mận, hồi đó giá thuê rẻ như bèo, chỉ tầm 4- 5 triệu đồng/công/năm; giờ đây 1 công đất giá bét cũng phải 17 triệu đồng/năm. “Còn đất vườn ở Tân An giờ tầm trên chục cây vàng/công, nhưng nói cho vui vậy thôi, ở đây chẳng ai bán đất đâu mà mua”- anh Nhân cho biết.

Bởi ai không chịu làm vườn thì cho thuê, còn nếu bỏ công trồng chỉ cần trúng vài mùa mận, thì 1 công mận là bỏ túi hàng trăm triệu đồng rồi, mà đất đai thì ngày một chật hẹp, đâu có “nở” ra thêm nên ngày càng quý hiếm.

Những vườn mận đa phần đều được bao lưới hạn chế sâu bệnh, xịt thuốc tạo nên thương hiệu mận sạch. Vợ chồng anh Thế ở khu Đông Bình, có hơn 4 công mận mà tích lũy xây cái nhà mới to đùng.

Anh Thế cho rằng: “Chỉ cần một năm thuận mùa, thuận giá, 1 công mận thu vô hàng trăm triệu. Khi hút hàng lái réo như giặc, vợ chồng tui đeo đèn đi hái mận suốt đêm, cực mà thấy ham lắm cứ đi hết 1 liếp là trên nửa tấn mận, giá 15.000- 20.000 đ/kg, 1 công có thể hái trên 5 tấn/năm”.

Người đi hái mận, làm mận thuê cũng đủ sống. Đàn ông thì được 300.000 đ/ngày, còn phụ nữ thì khoảng 150.000 đ/ngày. Nhờ có mận nên dân tình ở đây dễ thở, ăn xài thoải mái.

Anh Trung- chủ nhà nghỉ Hoa Mai ở khu Tân An- cho biết: “Vào mùa, có cả thương lái Trung Quốc qua đây thuê nhà nghỉ mấy tháng trời để trực tiếp thu mua mận.

Ngoài ra, có điểm thu mua của chị Cúc ở bến đò Cái Mít, chuyên đánh hàng đi Trung Quốc, do đó, có những khi hút hàng giá mận tăng lên khá cao”.

Đất đang “đẻ ra tiền”, nói vui như ông Út Thành: “Làm biếng như tao thì trồng dừa bây ơi, trồng mận cực trần thân, chỉ cần nằm võng đếm dừa rụng, đủ cho bả sắm vàng đeo chơi”.

Cũng như vườn dừa hơn 500 gốc của anh Lê Tấn Nhường giờ làm thêm dịch vụ ăn uống, dần trở thành điểm ghé tham quan quen thuộc khi du khách đến cù lao.

Những năm gần đây, thông qua dịp Tết Đoan ngọ được tổ chức thành những ngày lễ hội trái cây, thu hút rất đông du khách các tỉnh lân cận đổ về, Tân Lộc cũng có đầy đủ tiềm năng để định hướng phát triển du lịch.

Cù lao sẽ phát triển thêm nhiều dịch vụ vui chơi giải trí dựa trên nền tảng những vườn cây trái xum xuê và những cồn bãi tắm sông đang phát triển còn ở dạng nguyên sơ khá hấp dẫn; đặc biệt nét văn hóa xứ cù lao xưa và nay vẫn còn được lưu giữ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Tân Lộc.

Tân Lộc có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái. Sắp tới, sẽ được xây dựng tour du lịch trải nghiệm khám phá các địa danh nhà cổ, những vườn cây ăn trái, ẩm thực đồng quê, sống cùng người dân. TP Cần Thơ đang kêu gọi 8 dự án đầu tư về du lịch, trong đó có dự án Khu du lịch sinh thái cồn Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt), kinh phí đầu tư 20 triệu USD. Hy vọng với dự án này, cùng sự quan tâm của chính quyền, du lịch cù lao sẽ chuyển mình.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG